Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Việt Nam phóng thích Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi: Một “phép màu”?


clip_image001
Xin chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Trước hết xin anh vui lòng cho biết cảm nhận của anh khi biết tin hai tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi được trả tự do trong cùng ngày hôm nay?
Ngày hôm nay tôi nghe được hai tin vui, phải nói là rất vui. Niềm vui đầu tiên là thông tin ông Vi Đức Hồi – một cựu trưởng ban tuyên huấn đảng – được tự do trước thời hạn, và Con đường Việt Nam đã ghi điểm với tư cách là tổ chức đầu tiên đưa tin về sự kiện đáng nhớ này. Còn trường hợp thứ hai ghi điểm lại chính là Thụy My khi nữ đồng nghiệp cho tôi biết Nguyễn Tiến Trung cũng được trả tự do trước thời hạn.
Dù gì cuộc sống buồn khổ này cũng có những lúc lãng mạn. Câu chuyện Nguyễn Tiến Trung đột ngột nhận quyết định “tha bổng” vào buổi sáng ngày 12/04/2014 trong lúc anh đang tưới cây, làm tôi nhớ đến mẩu chuyện Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry quan tâm đến việc bảo tồn môi trường tự nhiên ở U Minh cùng số tiền 17 triệu USD dành cho dự án môi trường. Cả hai câu chuyện này đều nhằm tái tạo một cái gì đó sắp mất và vun xới một cái gì đó đang nảy nở.
Đây là đợt thả tù nhân chính trị có quy mô lớn nhất từ năm 1975 đến nay, có phải không thưa anh?
Đúng, đầu năm 2014 đã chứng kiến một đợt thả tù nhân chính trị lớn nhất và mang tính “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” sắc nét nhất tính từ thời điểm năm 1975 đến giờ. Vào cuối năm 2013, gia đình ông Nguyễn Hữu Cầu – một cựu đại úy quân lực Việt Nam cộng hòa đã nhận được tin ông Cầu sẽ được về nhà sau 37 năm bị cầm tù, còn nhiều hơn Nelson Mandela đến 10 năm. Tuy vậy phải đến tháng Ba năm nay, “người tù thế kỷ” ấy mới được đoàn tụ với người nhà nhờ lệnh đặc xá trong tay, trong tình trạng miệng chỉ còn đúng một cái răng cùng 11 thứ bệnh tật trong người.
Cùng lúc, thầy giáo Đinh Đăng Định cũng được phóng thích, nhưng quá đau xót là thân phận của ông không khác gì “những con chim ẩn mình chờ chết”. Bởi cái chết thực sự đã đến với ông ngay sau lệnh đặc xá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Và đến đầu tháng 4/2014, giới dân chủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế chứng kiến hết Cù Huy Hà Vũ, đến Vi Đức Hồi rồi Nguyễn Tiến Trung được “tại ngoại”, tuy sự tự do của mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau.
Đợt thả tù nhân chính trị hết sức bất thường này chắc chắn khiến dư luận nảy sinh hàng loạt câu hỏi: phải chăng tự do đến từ “chính sách khoan hồng” của Nhà nước Việt Nam? Hay đã đến lúc Nhà nước Việt Nam “hồi tâm” và bắt đầu nhận ra việc giam giữ chẳng làm được gì tốt hơn là nung nấu tình cảm bất đống chính kiến và phản ứng xã hội? Hoặc còn nguyên do nào khác, chẳng hạn như sức ép của cộng đồng dân chủ và nhân quyền trong nước và từ quốc tế? Và liệu việc thả người được xem là chưa có tiền lệ như lần này có liên đới gì đến “quy chế thị trường” và một cái ghế dành sẵn cho Việt Nam trong Hiệp định TPP?
clip_image003
Hai tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung vừa được trả tự do ngày 12/04/2014.
Theo anh, những câu hỏi trên cần được lý giải thế nào?
Chỉ nhìn vào sự việc thời hạn thả ông Nguyễn Hữu Cầu bị lui lại đến sau Tết 2014 là đủ thấy những tính toán chính trị và lợi ích nhóm vượt trên mọi độ lượng khoan hồng. Nói thẳng ra là chẳng có khoan hồng gì cả, vì cả ông Nguyễn Hữu Cầu và ông Đinh Đăng Định đều kiệt lực khi được thả ra. Hơn nữa, từ trước tới nay rất hiếm có trường hợp tù nhân chính trị được “khoan hồng” theo cách thả người như vừa rồi.
Còn nếu cho rằng Nhà nước Việt Nam đang “hồi tâm” thì trong trường hợp lạc quan nhất, đó cũng là một sự hồi tâm có điều kiện và chắc chắn không thiếu tính toán.
Cần nhắc lại là khi nữ sinh Phương Uyên được tòa án Long An trả tự do ngay tại tòa trong phiên xử vào tháng 8/2013, không ít người đã tưởng lầm rằng đó là lòng nhân đạo của chính quyền. Song sau này người ta mới nghe tin là trước đó có một danh sách 5 người được đề nghị thả do phía Hoa Kỳ nêu ra với Chính phủ Việt Nam sau cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Barak Obama tại Washington; và Việt Nam đã chọn nhân vật “bé nhỏ” nhất là Phương Uyên, cũng là người được đánh giá là ít nguy hiểm nhất, để thả ra. Cũng cần lưu ý rằng vào thời điểm đó, Nhà nước Việt Nam hết sức sốt sắng cho cuộc vận động chiếm một cái ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và tất nhiên muốn giải tỏa cả những vòng đàm phán TPP vốn đang bị bế tắc.
Quá khó khăn đến mức đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, lại phải đối phó đủ chuyện với ông bạn “Bốn Tốt” Trung Quốc, cộng thêm khung cảnh nội tình không mấy thuận hòa, chưa bao giờ giới lãnh đạo Việt Nam rơi vào thế đáng cảm thán như hiện nay, nếu tính từ năm 1975. Khó khăn kinh tế và bất ổn xã hội lại tỉ lệ nghịch với biểu đồ tự tin và quyền năng của chính thể, hay nói cách khác là nghịch đảo với thái độ “tự kiêu cộng sản”. Đây cũng chính là quy luật kinh tế quyết định chính trị mà bất cứ một nhà nước nào cũng không thoát khỏi, đặc biệt là đối với những nhà nước không bao giờ nghĩ được điều gì tốt hơn là thể chế một đảng.
Chỉ còn cách lý giải duy nhất theo cách phải hội nhập và tốt nhất là hòa nhập với những gì đáng hòa nhập để cứu vãn tình thế tập thể và cả tình trạng cá nhân. Đó là lý do vì sao mối hy vọng về “đối tác chiến lược toàn diện” với người Mỹ được giới lãnh đạo Việt Nam mong đợi như một gia cố mạnh mẽ nhất giúp giữ thăng bằng cho con thuyền chính thể đang có nguy cơ bị lật úp.
Bởi thế, khác với thái độ khá “kiên định” vào năm 2012, từ giữa năm 2013 đến nay có nhiều dấu hiệu cho thấy ngay cả trường phái “thân Trung Quốc” ở Việt Nam cũng bị dao động, trong khi quan điểm “thân thiện với phương Tây” ngày càng tỏ ra lấn lướt hơn. Sự kiện thả đến 5 tù nhân chính trị trong thời gian qua chính là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất cho xu hướng đó, và cho thấy cả vấn đề mối tương quan lực lượng chính trị trong đảng đang có những biến động ngầm chuyển.
Còn nếu nhìn theo cách của CPJ – Tổ chức quốc tế Bảo vệ nhà báo – hẳn Nhà nước Việt Nam đang thực hiện chủ trương “đổi nhân quyền lấy viện trợ”.
Như vậy theo anh có thể hy vọng sắp tới sẽ còn những đợt thả tù nhân chính trị khác?
Có thể và cũng có cơ sở cho hy vọng ấy.
Đồ thị biểu diễn bắt/thả ở Việt Nam đang biến diễn khá khác biệt từ năm 2012 đến nay. Nếu vào năm 2012, chính quyền bắt đến gần 50 người bất đồng chính kiến, thì năm 2013 chỉ bắt có ba người, còn quý đầu năm 2014 chỉ bắt có một người. Ngược lại, năm 2013 là thời điểm có thể được coi là trung hòa giữa đường biểu diễn bắt và đường biểu diễn thả. Còn đầu năm 2014 đang chứng kiến xu thế “xuất kho” lấn áp cơ chế “nhập kho”.
Tình hình đó cho thấy có hy vọng là cùng với sức ép liên tục của cộng đồng quốc tế và đặc biệt từ phía Hoa Kỳ, Nhà nước Việt Nam rốt cuộc sẽ thể hiện sự tôn trọng hơn với điều mà họ thường nhắc đi nhắc lại là “luôn quan tâm và bảo đảm quyền con người”.
Đợt thả tù nhân chính trị lần này có thể vẫn chưa kết thúc, và vẫn còn một, hai tù nhân khác có thể được phóng thích trong những ngày tới. Trong những ngày qua đã có tin hành lang về việc một tù nhân đặc biệt – “linh mục bị bịt miệng tại tòa” Nguyễn Văn Lý đã được “gợi ý” cho tự do. Chỉ có điều, hình như người ta vẫn đang giằng kéo ông linh mục này nhằm định hướng “xuất ngoại” cho ông, tương tự như đối với luật sư Cù Huy Hà Vũ. Cũng có thông tin người Mỹ đang đặc biệt quan tâm đến trường hợp của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, luật sư công giáo Lê Quốc Quân và cả nhóm Việt Khang…
Nhưng có thể đây mới chỉ là đợt thả đầu tiên của năm 2014. Tôi tin là giữ Nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ đã xác lập một lộ trình nào đó cho việc phóng thích tù nhân lương tâm trong năm 2014 này. Việc đó là có thể dự đoán được.
Tuy nhiên, điều làm tôi khá ngạc nhiên là chính quyền lại quyết định thả Nguyễn Tiến Trung.
Vì sao, thưa anh?
Khác với Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung là một người trẻ khỏe. Tôi được nghe kể là trong những ngày trong tù, Trung vẫn tập tạ và học ngoại ngữ không ngơi nghỉ. Ý chí sắt thép như thế cho thấy Trung vẫn là một người hoạt động sôi nổi. Mà như vậy thì đối với Nhà nước, Nguyễn Tiến Trung thuộc loại “nguy hiểm”. Thế nhưng một khi chính quyền chấp nhận thả Trung có nghĩa là họ đã phải thể hiện một bước nhượng bộ đáng kể trước cộng đồng quốc tế. Đó là một biểu hiện rất có ý nghĩa trong phân tích và dự đoán về tương lai đối ngoại và chính trị đối nội trong thời gian tới.
Tương lai ấy có ý nghĩa như thế nào đối với chính quyền Việt Nam?
Nếu nói về tương lai trong ngắn hạn, xin thành tâm chúc mừng Nhà nước Việt Nam! Cuối cùng, họ đã chứng tỏ một chút thành tâm chính trị và đang đặt một chân qua khe cửa hẹp của Hiệp định TPP. TPP có thể được cấp cho Việt Nam ngay trong năm 2014 này. Thậm chí nếu khả quan hơn, sân bay quốc tế Nội bài còn có cơ hội để đón tiếp Tổng thống Obama, tương tự chuyến viếng thăm của người đứng đầu nước Mỹ đến Miến Điện vào cuối năm 2012.
Xin vô cùng cám ơn nhà báo Phạm Chí Dũng đã dành cho Thụy My phần bình luận về sự kiện Việt Nam thả hai tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Vũ Hữu Định, đường đi chưa tới

Đỗ Trường (Danlambao) - Từ độ Nguyễn Bính bị “giam mình “bởi Trăm Hoa đua nở, để rồi phải chết trong cái tận cùng của sự đói khổ vào một đầu ngày xuân, nơi bè bạn. Cứ tưởng rằng, văn học sử Việt Nam không phải viết tiếp những cái bi thương đó. Nhưng đúng mười lăm năm sau (1981) thi sĩ Vũ Hữu Định ra đi, trong cái khốn cùng ấy, đã lặp lại y chang bóng hình Nguyễn Bính. Tuy không cùng một thế hệ, nhưng Nguyễn Bính và Vũ Hữu Định đều là hai thi sĩ đích thực nhất, lấy thơ, rượu và rong chơi bạn bè, giang hồ làm thú vui của cuộc đời. Nếu như Lỡ Bước Sang Ngang hay đến độ trùm cả lên tên gọi của Nguyễn Bính, thì Còn Một Chút Gì Để Nhớ đã làm nên tên tuổi nghệ sĩ Vũ Hữu Định. Tôi không có ý so sánh, nhưng quả thật, Nguyễn Bính và Vũ Hữu Định có những cá tính, thân phận khá trùng hợp nhau. 

Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế, trong gia cảnh nghèo túng. Cuộc đời lang bạt nhiều nơi, nhưng Đà Nẵng mới là chốn đi về, cũng là nơi dừng chân cuối cùng của ông. 

Vũ Hữu Định bộc lộ năng khiếu văn thơ khá sớm. Những năm đầu thập niên sáu mươi, của thế kỷ trước, ông đã có thơ đăng rải rác trên các báo ở Sài Gòn. Nhưng phải đến chục năm sau, (1970)thơ của ông mới thật sự bước vào độ chín. Dù trước khi dừng bước giang hồ (chết) Vũ Hữu Định chưa có một tập thơ riêng nào, nhưng thơ của ông đã được in một cách trân trọng, sâu đậm nhất, trong lòng bạn bè và người đọc, từ suốt mấy chục năm qua. Tôi nghĩ, Vũ Hữu Định đã chinh phục được nhiều thế hệ người đọc như vậy, bởi sự trong sáng trong thơ, trong tư tưởng, chứ không hẳn chỉ vì tài năng của ông. Thơ Vũ Hữu Định nhẹ nhàng không chỉ trong tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu, mà khi viết về thân phận con người dù trong xã hội, hoàn cảnh bi đát nhất, đắng chát nhất, ta vẫn cảm thấy lời thơ, nỗi buồn ấy, man mác, dìu dịu, dường như thoảng qua thôi. Chứ tuyệt nhiên không thấy nó bùng, hoặc gợn lên một chút hằn học, đắng cay. Nên đọc thơ ông, không gây cảm giác nặng nề, dù người đọc khó và kỹ tính nhất. 

Cũng như Nguyễn Bính, cuộc đời Vũ Hữu Định là chuỗi ngày dài khao khát tìm kiếm, trong men say với những bước chân giang hồ. Nhưng nó lại là chiếc vòng luẩn quẩn, Vũ Hữu Định không bao giờ đi tới đích. Cho nên, bốn mươi năm rong chơi, cuộc đời ông chỉ là những áng mây, bồng bềnh trong buổi chiều đông xám ngắt, buồn hay vui cũng chẳng thể giãi bày:

“Chiều dựng mùa đông mây xám ngắt
núi cao trời thấp có ta về
giang hồ đâu có ai phong ấn
mà nghĩ từ quan trở lại quê

-------------------------------

Ta đi, có những ngày trú quán
lòng mốc tình khô như lá bay
ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ
ta có sầu không ta cũng chẳng hay…”

(Chẳng Hay)

Thật là kỳ lạ, thoáng đọc qua Vũ Hữu Định, ta cứ ngỡ, trong những lúc bồng bềnh tỉnh say ấy, thi sĩ bất chợt viết ra những câu thơ, làm nao lòng đến như vậy. Nhưng khi bình tâm, đọc ông kỹ hơn, ta mới cảm được, cái lung linh, tinh túy đó, chỉ có thể được chiết, vắt ra từ cái quằn quại trong tâm hồn sâu thẳm, tỉnh táo hơn ai hết của thi sĩ. Biết là thế và rất tĩnh tâm đọc ông, nhưng đôi khi ta vẫn phải giật mình tự hỏi. Thi sĩ vờ? Hay Vũ Hữu Định đang say: “Anh là một gã giang hồ tới/ Lòng hoang như con lộ không đèn/ Ngồi với hồn sầu ly rượu cạn/ Sao mới vài ly mà đã say?”. 

Vâng! Vũ Hữu Định đã vờ say, để vắt ra những câu thơ rất tỉnh. Chỉ một chút hương tinh túy của đất trời, thi sĩ đã chưng cất lên bức tranh Quê Rượu, yên bình tuyệt đẹp. Trước cũng như sau Vũ Hữu Định, có nhiều thi sĩ đã dùng hương, khói bay để diễn tả tâm trạng, hay một nỗi nhớ quê xa…Như câu thơ Huy Cận “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Huy Cận bảo, không có khói. Thật ra hương khói ấy, đã có thường trực trong lòng thi sĩ, trong lòng người đọc rồi. Nhưng viết lạ như Vũ Hữu Định, có lẽ chúng ta ít gặp. Thi sĩ bảo, dường như đã say men, say rượu, nhưng đâu phải vậy (ông đang đùa đấy). Ông đang say cái đẹp, cái hương đầu mùa trong làn khói hoàng hôn xuống:

“Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Đứng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đâu nấu rượu
Thoảng thoảng hương mùa đã muốn say”

(Quê Rượu)

Có lẽ, không thể thơ nào ép nén ngôn từ, ý tưởng của người thi nhân, như thơ tứ tuyệt. Nó chỉ được(nở) bung ra, khi người thưởng ngoạn chạm đúng vào cái van nén đó. Cấu trúc thơ tứ tuyệt nhỏ là thế, nhưng lại dung tải những điều lớn lao khôn cùng. Thông qua hình tượng cụ thể, nhà thơ gửi vào đó cảm xúc, tư tưởng của riêng mình và đôi khi nó còn là của cả một xã hội đương thời hay chế độ xã hội đã qua…(Nói vui, làm thơ tứ tuyệt cứ như công việc của người thợ nén và nổ bỏng ngô vậy). 

Vũ Hữu Định cũng thế, ông có nhiều bài thơ tứ tuyệt hay, nhưng hai bài: Màu Trời Cũ, Cảm Mà Viết 3, được viết trước và sau 1975, tôi thích hơn cả. Có một điều kỳ lạ, cả hai bài đều có nội dung tư tưởng trùng lặp nhau. Nó như là khúc hát u hoài, mang mang niềm tiếc nuối. Dường như người thi sĩ cố giấu đi cái xót xa đau đớn đó. Nhưng trong cơn say, cơn mê, sự thật lại trở lại và nỗi đau kia đã vỡ òa trong ông. Đọc hai bài thơ này, ta chợt ngộ ra cái mâu thuẫn ngay trong nội tâm của thi sĩ. Và cả cuộc đời ông luôn phải đi tìm, giải quyết mâu thuẫn ấy:

“Sáng hôm nào ngó lại
Màu xanh trên trời cao
Màu của trăm năm cũ
Mà sao lòng ta đau”

(Màu Trời Cũ)

“Khi tỉnh chẳng bao giờ ta khóc
Lúc say mê khúc hát người xưa
Một ý cũ như là trái đất
Ngấm trong ta bật tiếng khóc òa”

(Cảm Mà Viết 3)

Trong hành trình tìm kiếm đó, lúc nào Vũ Hữu Định cũng cảm thấy cô độc, dù xung quanh ông đầy ắp bạn bè. Và ông luôn luôn là người đi ngược lại những con đường. Để rồi khi thành phố về đêm, ông chỉ còn là người lỡ hẹn. Rồi những bước chân vô định ấy, in lên thành phố, một tiếng lặng câm, dù ông đang nghe thấy hàng nghìn tiếng động. Vâng! Đó là những bước chân đã lỗi nhịp. Dù không tiếng vọng, nhưng nó như ngàn nhát búa gõ vào hồn người. Bài “Tạm Trú“ là một bài thơ hay. Tôi nghĩ, có nhiều người chung hoàn cảnh, đau và thấm thía, khi đọc bài thơ này:

“…trong đám đông anh lại càng cô độc
bởi một nơi đâu cũng ăn tạm ở nhờ
sợ cả lời chia vui thành thật
bạn bè thì đông sao anh vẫn bơ vơ
buổi tối xe lam muộn màng ế khách
lại tới một nơi không hẹn không tìm

anh đi ngược lại con đường xe chạy
mỗi bước chân rời mỗi nhịp đau tim
thành phố lặng là khi nghìn tiếng động
không xô tan được khối lòng sầu
chân anh bước, mắt chỉ nhìn phía trước
tai nghe hoài một câu hỏi về đâu…”

Bước chân đã lỗi nhịp, Vũ Hữu Định chơi vơi trong khoảng không rách nát. Sự cô đơn cùng cực trong cái hoang vắng của linh hồn, nhà thơ tìm đâu ra một tri kỷ? Thời chẳng còn những Thi Thánh, Thi Tiên, cùng với rượu thi sĩ tìm về với Thi Qủi Lý Hạ trong cõi u hoài. Đêm Mưa Thiếu Rượu Nhớ Lý Hạ, là một bài thơ như vậy. Vũ Hữu Định đã mượn Lý Hạ, để giãi bày sự cô đơn trong tận cùng nghèo khổ về cả vật chất lẫn tâm hồn của người thi nhân:

“…Cứ tưởng nằm kề bên họ Lý
Gác chân nhau nói chuyện biển dâu
Ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu
Gối chai không mà thương nhớ nhau

Thời đại thánh thần đi mất biệt
Còn lại bơ vơ một giống sầu
Rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn
Nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau...

Bốn mươi năm trên cõi tạm của Vũ Hữu Định là vòng tròn luẩn quẩn. Cái luẩn quẩn ấy, có ngay từ trong tâm thức nhà thơ. Do vậy, bao khát khao, khi đi cũng như lúc trở về của ông đều mờ mờ, nhạt nhạt. Và con đường cuối của nhà thơ là con đường lang thang về lại cõi ao tù. Tuy hoang mang cay đắng là thế, nhưng ta vẫn thấy lời thơ nhẹ nhàng, như chính con người ông: 

“Bờ chiều sắc cỏ sông xanh
Mây bay anh đứng lại nhìn mây bay
Nỗi niềm vui với đắng cay
Theo sông nước chảy theo ngày phù du
Lang thang về cõi ao tù
Lạ quen ai đó nghìn thu nhớ gì!”

(Không Đề)

Đọc Luân Hoán và Hoàng Cát, thấy hai ông thi sĩ này, tử vì thơ đã thấy kinh, nhưng khi nghiên cứu Vũ Hữu Định, tôi còn thấy thất kinh hơn. Nói như từ ngữ thời nay, của mấy ông bà nghệ sỹ trẻ: Vũ Hữu Định đã cháy hết mình cho thi ca. Qủa thật, cháy hay đốt thế nào thì chưa biết, nhưng cứ để vợ con nheo nhóc, nhiều bạn bè dù rất thương Vũ Hữu Định, cũng phải phàn nàn về ông. 

Nói là như vậy, nhưng từ một khía cạnh nào đấy trong tâm hồn thi sĩ mới hiểu và cảm thông được cho ông. Nói như nhà thơ Đinh Trầm Ca:

“Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận... Hai mươi năm nay tôi lại giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh. Khi tôi hiểu được thì không còn Định nữa để mời một chén rượu cảm thông. Tôi không nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn các bạn tôi rằng anh là người say đắm thơ, rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối đời anh không nhờ thơ, rượu thì không biết con người anh sẽ ra sao? Và cuối cùng thơ rượu đã cứu rỗi anh.”

Cuộc sống Vũ Hữu Định là những chuyến đi dài, ngắn. Trách nhiệm gia đình chắc chắn dồn lên vai người vợ trẻ. Tôi cho rằng, không phải Vũ Hữu Định ít nghĩ đến trách nhiệm gia đình, mà có thể ông còn nghĩ nhiều hơn đã tưởng. Nghiên cứu về Vũ Hữu Định, tôi thấy có nhiều bài thơ, ông viết về vợ con gia đình, đọc cảm thấy rưng rưng. Vâng! Cũng có lẽ, từ những vần thơ đắng chát này, không những bạn bè mà vợ con gia đình cảm thông cho thi sĩ phần nào chăng? 

“…Lần nào em sinh nở 
ta cũng phải vắng nhà 
tháng này em sinh nở 
ta lại trên đường xa 
…cám ơn người vợ khổ 
chiều nay ta khóc thầm 
uống những giọt rượu đắng 
ngày xa quê long đong…”

Cũng như nhiều nhà thơ khác, Vũ Hữu Định là người gắn bó, yêu quê hương, đất nước hơn bao giờ hết “Mùa lúa năm nay đòng đòng đã trổ/ Anh yêu mùa yêu đất yêu quê”. Dường như, bài thơ nào viết về quê hương đất nước, của ông cũng hay. Lời thơ nhẹ nhàng, giầu hình tượng, tưởng như những nốt nhạc rót thẳng vào lòng người. Và có lẽ, chỉ có tình yêu trong sáng, chân thực người nghệ sĩ mới làm rung động lòng người đến như vậy. Có khi chỉ là làn khói bếp bay lên trong chiều hoàng hôn, bên đồng lúa vàng đang vào mùa gặt, hay một tiếng gọi đò trưa cũng làm tâm hồn ông thổn thức bồi hồi. Và có cơn bão về làm cho lòng ông quằn quại, đớn đau:

“cơn bão lớn về bình nguyên giục giã
run theo cây mùa lúa rạp buồn rầu
cát bụi lộn đường bay tản về đâu
khung cảnh dựng mùa nguyên sơ man dã

con sông nước về tràn mọi ngả
thuyền bè đi, đi mất tự bao giờ
những bến chiều tấp nập mộng ban sơ
đã hun hút trong triều lên trắng xoá…”

(Thời Tiết)

Có thể nói bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ là chiếc đinh, đã đóng dính tên tuổi Vũ Hữu Định vào trang, thế kỷ hai mươi với những bài thơ hay của văn học đất Việt. Nó cũng giúp cho nhạc sỹ Phạm Duy, để lại cho đời một nhạc phẩm (cùng tên) mãi ru hồn người. 

Có người cho đây là bài thơ tình. Tôi nghĩ, không hẳn như vậy. Và câu chuyện bắt đầu, từ người lính chiến trên đồn biên giới, lần đầu làm thân lữ khách. Có phải người lữ khách đó là Vũ Hữu Định, hay thi sĩ đã hóa thân làm anh lính chiến ấy? Trong tâm trạng buồn tênh, trước khoảng trời xanh dường như đang thấp xuống, thi sĩ chợt thấy em đi trong sương khói mông lung huyền ảo, giữa cái lạnh chiều đông. Để rồi, chợt một phút xuất thần và có lẽ giây phút xuất thần đó đến với Vũ Hữu Định chỉ có một lần? Thi sĩ đã kịp vẽ lại. Thật là kỳ lạ, chỉ có bốn khổ thơ ngắn gọn đơn giản, thế mà dáng vóc, thần thái của phố núi hiển hiện lên rất hoang sơ mà lãng mạn. Nó như là bức tranh hai mặt, thành phố đã tạc vào em, hay em đã tan trong thành phố, làm người lữ khách phải ngất ngây. Cho nên, dù quen, hay người lần đầu đến với Pleiku, trong hoàn cảnh, tâm trạng nào, khi đọc(nghe) cũng cảm thấy gần gũi và không khỏi bồi hồi xúc động. 

Và tôi tin rằng, chắc chắn mai này, sẽ có một con đường Vũ Hữu Định mờ mờ sương khói, được gắn với với bài thơ này, trên dáng hình em phố núi Pleiku. 

Không hiểu do vô tình hay cố ý, ở trong nước, khi viết, đọc và hát, người ta đã đổi từ TRÊN ĐỒN trong câu thơ nguyên bản: Mai xa lắc trên đồn biên giới, là một câu thơ sống, nó sẽ hiển hiện ra sự sống, hình bóng người lữ khách, người lính trên đồn biên cương, bằng từ BÊN ĐỒI, làm cho câu thơ trở thành câu thơ chết, vô nghĩa vô hồn: Mai xa lắc bên đồi biên giới. 

Hay câu: Đi dăm phút đã về chốn cũ. Từ Dăm trong câu thơ bị thay bằng con số đếm NĂM (5) làm cho câu thơ bị đóng khung, gò bó. Từ dăm, ba mang tính ước lệ, làm cho câu thơ thoáng đạt và hay hơn rất nhiều. 

Thật vậy, trong một bài thơ chỉ bị thay một từ, một câu ý nghĩa của cả bài sẽ khác đi nhiều lắm. 

Và thật kỳ lạ, trên bia mộ thi sĩ Vũ Hữu Định cũng thấy khắc câu thơ vô nghĩa “Mai xa lắc bên đồi biên giới“ này? Tôi nghĩ, nếu như vì lý do gì đó, không được sử dụng nguyên bản, nên đổi câu thơ, đoạn thơ khác của thi sĩ. Vũ Hữu Định không thiếu những câu thơ hay. Nghe nói, bia mộ này, do các nhà thơ bạn của thi sĩ cùng với gia đình dựng lên?

Chúng ta hãy đọc(nghe) bài thơ này, để cảm lại tài năng của thi sĩ Vũ Hữu Định nhé: 

“phố núi cao phố núi đầy sương 
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn 
anh khách lạ đi lên đi xuống 
may mà có em đời còn dễ thương

phố núi cao phố núi trời gần 
phố xá không xa nên phố tình thân 
đi dăm phút đã về chốn cũ 
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

em Pleiku má đỏ môi hồng 
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông 
nên mắt em ướt và tóc em ướt 
da em mềm như mây chiều trong

xin cảm ơn thành phố có em 
xin cảm ơn một mái tóc mềm 
mai xa lắc trên đồn biên giới 
còn một chút gì để nhớ để quên.”

Sinh ra và lớn lên, rồi phải sống cùng chiến tranh, nên Vũ Hữu Định nhận ra sự tàn khốc của nó. Đọc bài thơ Trên Đoạn Đường Về Quê của ông, được viết vào năm 1972, làm tôi chợt nhớ đến câu thơ, của Nguyễn Duy “nghĩ cho cùng/mọi cuộc chiến tranh/phe nào thắng thì nhân dân đều bại“Tôi nghĩ, đây là bài thơ rất hay, viết về chiến tranh trong kho tàng thi ca đất Việt. Nó không những hay về nội dung nghệ thuật, mà còn bộc lộ rõ tư tưởng, cái nhìn khách quan của nhà thơ về chiến tranh. Cuối bài thơ là một câu hỏi, đọc lên ta cảm thấy đau đến xé lòng “Những dòng máu đã thấm tràn mạch đất/Có làm tương lai con cháu huy hoàng?”. Huy hoàng sao được khi con cháu chúng ta cũng là nhân dân. Đã là nhân dân thì sự thất bại là điều không tránh khỏi. Và tương lai, đã thấy những gì từ mấy chục năm qua?

“Lửa đã cháy đường ra quê em
Lửa đạn, lửa trời đốt người nghiệt ngã
Lửa đã cháy trong lòng anh hóa đá
Giữa biển người thành thú bò ngổn ngang

Trong hai lằn đạn giữa đồng hoang
Máu chảy ngập chân lúa gầy cỏ dại
Máu đã đỏ con đường anh đi lại
Của những ngày xưa yêu dấu vô cùng

Ôi con trẻ cũng biết tìm sự sống
Bò giữa hôn người vừa chết nát thân
Đêm ngã xuống vô tình con trăng bạc
Những tiếng gọi gào sao không động từ tâm

Lửa rực đỏ treo trăm đường sinh tử
Trong đêm cay, đêm địa ngục hãi hùng
Mẹ thét tìm con tóc dài điên dại
Xiêu vẹo giữa đường chết đuổi sau lưng

Lửa đã cháy đường ra quê em
Lửa đã cháy một đoạn lòng của mẹ
Ôi cái chết có còn chăng lý lẽ
Có lý lẽ nào đã giết anh em

Ðường ra quê em trăm ngàn cay đắng
Lửa hạ đạn gào trăm tiếng kêu la
Những dòng máu vô tình vô tội
Ðã chảy lên nhau thành suối chan hòa

Lửa Quảng Trị lửa rượt về Mỹ Chánh
Rải những thây người gục giữa đồng khô
Những dòng máu đã thấm tràn mạch đất
Có làm tương lai con cháu huy hoàng?”

Với tôi, một số bài thơ viết về tình bạn, tình yêu đôi lứa, tôi đã đọc, không phải là những bài thơ hay của Vũ Hữu Định. Viết về tình bạn, tình yêu của ông thường nặng tính kể lể, liệt kê. Chứ hoàn toàn không triết lý sâu sắc viết về tâm trạng, thân phận con người như trong thơ tứ tuyệt. Hay trữ tình, giầu hình tượng như viết về quê hương đất nước. Hôm rồi, có một nhà thơ gửi cho tôi tập Thơ Vũ Hữu Định Toàn Tập, do nhóm nhà thơ Trần Hoài Thư sưu tầm, nhà in Thư Ấn Quán, Hoa kỳ. Đây là tập thơ thứ hai của Vũ Hữu Định. Nhưng tôi tin chưa đầy đủ, thơ của thi sĩ vẫn còn luẩn quất đâu đó. Trong tập thơ này, có bài Một Chiếc Gương Soi, rất dở. Lời thơ sên sến, nhạt nhạt. Không biết Vũ Hữu Định viết bài thơ này vào thời gian nào? (có sự nhầm lẫn khi sưu tầm hay không?) Nếu xóa tên tác giả đi, tôi tin, không ai nghĩ, đó là thơ của Vũ Hữu Định:

“Với số tiền còn lại ngày ở Sài Gòn
Em sẽ soi gương mỉm cười rẽ tóc
Em sẽ nhìn để nhớ anh hôn
Mua cho em chiếc gương tròn bỏ bóp
Quà Sài Gòn về tặng người yêu
Buổi trưa nắng trong vườn xanh Đại Nội
Em sẽ vì anh tô lại môi thơm
Để em nhớ hàm răng em có ngọc
Mắt em đa tình, em sẽ soi gương
Để nhớ anh những ngày xa cách
Tập lại duyên cài lại tóc hoa hường
Anh còn lại năm mươi đồng trong túi
Không mua được gì ngoài một chiếc gương
Bởi anh nghĩ xa nhau còn để nhớ
Trong gương soi anh hôn hết nỗi buồn”

Cứ tưởng mới đây thôi, thế mà đã trên ba mươi năm, Vũ Hữu Định từ bỏ hành trình “đi học làm thơ, xin phần rượu tặng” trong nhân gian, để về đối ẩm, ngâm thơ cùng Thi Qủi Lý Hạ. 

Bốn mươi năm cuộc đời là bốn mươi năm thi sĩ Vũ Hữu Định khao khát, mải miết đi tìm. Tuy nó ngắn ngủi và đường đi chưa tới... nhưng hình ảnh ông, thơ văn ông để lại cho đời, vẫn mãi đậm sâu trong lòng bạn bè và người đọc. 

Leipzig, 10-4-2014
(cọp trên đường lướt)


11-04-2014

Những câu nói bất hủ của ngài Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

 Nguyễn Quang Lập

Nhân câu nói bất hủ của ngài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:"Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”, ngài vừa nói hôm qua tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 11/4. ( Xem tại đây),mình xin trích một số câu bất hủ khác của ông để cười cho vui ngày cuối tuần.



1.Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội:" “Đồng chí Lợi hỏi tôi có yên tâm với đường sắt cao tốc không, tôi yên tâm, chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc”( Xem tại đây)

2.Ngày 8/6/2010, PTT vừa cười vô tư vừa nói câu này khi được các phóng viên hỏi về những lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại Vinashin trong kỳ họp Quốc hội. Chỉ 1 tháng sau, tháng 7/2010, thông tin về vụ bê bối ở Vinashin bung ra:  “Tôi thì vẫn chưa lo”  ( Xem tại đây)

3. Ngài trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ ngày 6/3/2008:  “Với những chính sách điều chỉnh thị trường hiện nay, tôi đảm bảo TTCK sẽ lên giá và có chất lượng hơn. Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi sẽ mua cổ phiếu”. ( Xem tại đây)

4.  Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh thêm ý của ngài:"Thị trường đã giảm đến đáy, nên trong điều hành Chính phủ quyết tâm không để giảm thêm. Thời điểm này, nếu nhà đầu tư nào bán tháo cổ phiếu thì sẽ thất bại, ngược lại người nào có quyết định mua vào thông minh sẽ thắng". (Xem tại đây)

5. Trả lời than thở của Phạm Thanh Bình, TGĐ Vinashin trong cuộc họp ngày 23/4/2008: "Vốn chủ yếu vay từ ngân hàng, nhưng lãi suất cao. Chúng tôi đã trình đề án xin phát hành trái phiếu sáu tháng nay nhưng chưa được phê duyệt", ngài nói:"Ai dám hạn chế không cho các anh phát hành trái phiếu. Chính phủ sẽ không để xảy ra ngừng trệ vốn kinh doanh cho các tập đoàn" ( Xem tại đây)

6. Ngài giải thích về những lo ngại của các đại biểu Quốc hội là Việt Nam không đủ nguồn lực làm ĐSCT: "GDP năm nay của Việt Nam tuy chỉ có 106 tỷ USD, nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD và năm 2030 là 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 - 1,4 nghìn tỷ USD. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi”. Và:  "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng lên mức 6.000, rồi 12.000 và sẽ đạt 20.000 vào năm 2050".( Xem tại đây)

7.Trước băn khoăn của một số đại biểu khi đây là con đường sắt cao tốc “dài nhất thế giới”, Phó thủ tướng giải thích, “dài nhưng làm từng đoạn, chả có mấy nước có chiều dài như nước ta đâu, các đồng chí ạ, đi lại từng đoạn thì ngắn, cộng lại thì dài”. ( Xem tại đây)

8.Cũng liên quan đến vấn đề trách nhiệm, trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Như Lợi trước đó về kỷ luật hành chính, Phó Thủ tướng nói: "Sai thì phải sửa, làm 10 việc tốt cũng có thể có một việc sai. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp". ( Xem tại đây)
 
Lấy từ Viet-studies và các báo lề phải 
   Xem Quê choa !: