Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Bản chụp công văn số 1832/BNG-ĐBA ngày 03 tháng 6 năm 2014 của Bộ Ngoại giao

Ngày 29/6/2014, trang mạng Diễn Đàn công bố công văn số 1832/BNG-ĐBA của Bộ Ngoại giao (xem ở đây). Để bảo vệ nguồn tin, Diễn Đàn buộc phải cắt một phần nội dung công văn. Điều đó khiến một số người, do cẩn thận, hoài nghi tính xác thực của văn bản. Nay Bauxite Việt Nam xin công bố toàn vẹn văn bản công văn nói trên, do một bạn đọc cung cấp. Văn bản này cho thấy quả thực phần mà Diễn Đàn đã cắt thực ra không quan trọng, không làm tổn hại đến nội dung của công văn.
clip_image002
Trong tình hình giàn khoan Hải Dương 981 còn ngang nhiên hạ đặt trên vùng biển Việt Nam, công văn của Bộ Ngoại giao Việt Nam có thể khiến cho quốc dân đồng bào nghĩ ánh mắt rực lửa của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi tiếp Dương Khiết Trì chẳng qua là trò diễn. Mà nếu ai đó vẫn còn tin tưởng Việt Nam sẽ “xoay trục” sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, mà ngờ rằng công văn này là ngụy tạo, thì sẽ nghĩ sao đây khi tờ Xây dựng Đảngthản nhiên đăng tin Ban Tổ chức Trung ương Đảng cử đoàn cán bộ “đi nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm công tác xây dựng đảng tại Trung Quốc” (xem ở đây), y như giữa hai nước chưa hề có gì nghiêm trọng đang xảy ra. Hay đó là một cử chỉ cho nước “bạn” biết câu thề thốt của Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ rằng thì là “Việt Nam không hai lòng trong quan hệ với Trung Quốc” (xem ở đây) là quyết tâm của cả bộ máy chính trị, và Việt Nam thực sự đã đáp ứng lời kêu gọi tha thiết “lãng tử hồi đầu” của một Trung Quốc cùng ý thức hệ?!
Bauxite Việt Nam
clip_image004
clip_image006
clip_image008
(copy từ  : http://boxitvn.blogspot.com/2014/07/ban-chup-cong-van-so-1832bng-ba-ngay-03.html)

LẠM BÀN VỀ CHUYỆN “THOÁT TRUNG”

Posted by Admin on June 30th, 2014
Hà Văn Thùy
22-06-2014
Trên điễn đàn gần đây khá ồn ào chuyện “thoát Trung”, thậm chí có cả một hội thảo về chủ đề này. Tuy nhiên có cảm tưởng là, chưa ý kiến nào “lọt tai” để có thể ứng dụng trong thực tế! Cân nhắc những phát ngôn giầu nhiệt huyết, có vẻ trí tuệ này lại thấy, phần nhiều được nói theo cảm tính, không có sự minh triết cần thiết. Vì sao vậy? Phải chăng vì người nói chưa hiểu điều mình nói? Miệng nói “thoát Trung” mà đầu chẳng biết Trung là ai mà Việt là ai?! Muốn thoát một cái mà mình chưa hiểu nó là gì khác nào kẻ đi đêm chạy trốn bóng ma?!
Sáu chục năm trước, đứa bé 10 tuổi là tôi trong khi điếu đóm hầu các cụ, nghe lỏm được: “Hoa Việt đồng văn đồng chủng.” Không hiểu sao câu nói đó thành nỗi ám ảnh: vì sao chúng ta lại đồng chủng đồng văn với kẻ thù truyền kiếp? Gần suốt cuộc đời đi hỏi nhiều người nhưng chưa câu trả lời nào khiến tạm yên bụng. Phải đến ngoài tuổi nhi nhĩ thuận tôi mới tìm được lời giải cho mình!
Từ rất xa xưa, người Việt cổ đi lên khai phá đất Trung Hoa. 4000 năm TCN, tổ tiên ta xây dựng trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử nền văn minh lúa nước rực rỡ nhất thế giới. Năm 2698 TCN, người du mục Mông Cổ đánh chiếm vùng cao nguyên Hoàng Thổ ở trung du Hoàng Hà, lập vương triều Hoàng Đế. Thắng trận nhưng do văn hóa chưa phát triển và nhân số ít, người Mông Cổ bị người Việt đồng hóa. Lớp con lai Mông-Việt ra đời, được gọi là Hoa Hạ, mang dòng máu Việt, bú sữa Mẹ Việt, học tiếng nói, cách trồng kê, trồng lúa cùng phong tục tập quán Việt. Sau bốn đời, vua Đế Khốc đã là người Việt với nước da đen và được đặt tên theo tên của loài chim Cốc. Được thụ hưởng hai dòng máu và hai văn hóa, người Hoa Hạ có phẩm chất vượt trội, trở thành tầng lớp ưu tú lãnh đạo cộng đồng Việt, sáng tạo thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông từ Nghiêu, Thuấn tới Hạ, Thương, Chu. Nhận được tư liệu lịch sử từ triều Thương, Chu, thiên tài Khổng Tử đã đúc kết tinh hoa của văn minh tổ tiên Việt trong những bộ kinh điển kỳ vĩ… Suốt 2000 năm, do sự khuất lấp của lịch sử, chúng ta không biết rằng, chẳng những kinh điển ấy do tổ tiên ta sáng tạo mà chữ vuông tượng hình cũng do người Việt làm ra. Càng không ngờ rằng, trong khi các giáo sư danh tiếng dạy “tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán” thì trên thực tế, “tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa!” Chả có gì khó hiểu nếu ta biết rằng, người Hán chiếm 93% dân cư Trung Hoa, chính là người Việt. Cái nhóm người được gọi là Hoa Hạ chỉ tồn tại ngắn ngủi để rồi hòa tan trong khối dân Việt khồng lồ. Lưu Bang, Cao tổ nhà Hán chính là người Việt được sinh ra ở đồng bằng Trong Nguồn của nước Ư Việt cổ, nơi có con sông Nguồn. Về sau, con cháu không phát âm được vần “ng” nên nói trại Nguồn thành Hon, Hòn, Hớn. Do Lưu Bang quê bên sông Hòn nên Hạng Vũ phong ông là vua Hòn, sau chuyển thành Hán vương. Nước Hán cùng tộc Hán ra đời như vậy! Là người Việt 100%, hoàn toàn không dính dáng gì tới máu huyết Hoàng Đế nhưng Lưu Bang và đồng bào của ông vẫn tự nhận là Hoa Hạ! Máu Hoa Hạ biến mất nhưng danh xưng Hoa Hạ thì còn và bị các vương triều Trung Hoa tiếm dụng!
Đấy là Trung Quốc! Còn người Việt?
Cũng vào cái năm 2698 định mệnh ấy, trong khi đại bộ phận người Việt vùng Núi Thái Sông Nguồn ở lại quê hương thì một bộ phận theo Lạc Long Quân vượt Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Rào Rum, Ngàn Hống xứ Nghệ. Tại đây vua Hùng lập nước. Đó là cuộc đổi quốc hiệu Xích Quỷ ra đời năm 2879 TCN thành Văn Lang và dời đô từ Ngũ Lĩnh tới Việt Trì. Người Mongoloid trong đoàn di tản hòa huyết với người Austrtaloid bản địa, sinh ra người Mongoloid phương Nam văn hóa Phùng Nguyên, là tổ tiên chúng ta hiện nay.
Vậy là người Trung Hoa cùng với chúng ta một dòng máu. Không chỉ thế, còn chung tiếng nói, chữ viết và những thành tựu văn hóa vĩ đại khác. Do nhận chân điều này nên cha ông chúng ta từ xa xưa ghi nhớ: Việt Hoa đồng văn đồng chủng.
Có một điều khác: trước đây chúng ta được dạy rằng người Trung Hoa đồng hóa dân Việt về máu huyết lẫn văn hóa. Nay thì khám phá sự thật ngược lại: người Trung Hoa là con cháu của người Việt, được thừa hưởng từ tổ tiên Việt không chỉ dòng máu, tiếng nói, chữ viết mà cả nền văn hóa rực rỡ. Mọi thành tựu văn hóa được tạo dựng trên đất Trung Hoa đều bắt nguồn từ văn hóa Việt!
Một câu hỏi nảy sinh: Vậy “thoát Trung” là thoát ở chỗ nào? Sự thực, cho tới nay chưa có ai phân định được chuyện này. Khổng Tử dạy học trò: “Người phương Nam khác ta là họ trồng lúa nước, ăn gạo, còn ta ăn kê mạch.” Cái khác này nếu có cũng chỉ là về phương thức sinh hoạt, không mang tính bản chất. Nhưng thực ra điều này không đúng: cả kê, cả lúa đều do người Việt đưa lên. Nhưng vì cao nguyên Hoàng Thổ khí hậu khô không hợp với lúa nước nên cây kê thành cây trồng chính của dân cư văn hóa Ngưỡng Thiều cho tới thời Khổng Tử. Có lẽ, cái khác biệt Nam-Bắc thực sự là nhận định của Khổng Tử trong sách Trung Dung:
“Tử-Lộ vấn cường. Tử viết: “Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư? Ức chi cường dư? Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã, quân tử cư chi. Nhậm kim cách, tử nhi bất yếm, bắc phương chi cường dã, nhi cường giả cư chi. Cố quân tử hoà nhi bất lưu: cường tai kiểu; trung lập nhi bất ỷ cường tai kiểu, quốc hữu đạo bất biến tắc yên, cường tai kiểu; quốc vô đạo chí tử bất biến, cường tai kiểu”!
Tử Lộ hỏi về sức mạnh, Khổng Tử nói:
“Là cái cương cường của người phương nam ư? Hay là nói cái cương cường của người phương bắc? Hay là nói cái cương cường (theo kiểu) của riêng ngươi? Dạy bảo người ta một cách khoan dung dịu dàng, không trả thù kẻ vô đạo đó là cái cương cường của người phương nam, người quân tử giữ sự cương cường đó. Còn ngày đêm bạn cùng giáp bền gươm sắc, dẫu chết cũng không ngán, đó là cái cương cường của người phương bắc, những kẻ thượng võ hiếu đấu thì giữ sự cương cường này! Người quân tử sống hòa mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục, đấy mới là sự cương cường chân chính.” Chính ở đây, Khổng Tử chỉ rõ cái khác nhau giữa phương Nam và phương Bắc, những phẩm tính được hình thành trong lịch sử.
Sự hòa hợp văn hóa Việt Mông đã tạo nên thời Hoàng Kim Nghiêu, Thuấn. Đến cuối triều nhà Hạ, yếu tố du mục trỗi lên trong dòng máu Hoa Hạ, sinh ra vua Trụ tàn bạo, dẫn tới cuộc chiến khốc liệt lập nhà Thương. Rồi như sự tất yếu, nhà Thương lặp lại sai lầm của nhà Hạ, dẫn tới cuộc chiến tranh lập nên nhà Chu. Suốt thời gian này, người du mục xâm nhập, góp phần chuyển hóa văn hóa Hoa Hạ, đem tới sự thắng thế của tinh thần du mục, điều mà tác giả Khương Nhung thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết Totem Sói. Dòng máu sói dẫn tới những cuộc chiến tranh tàn khốc thời Chiến Quốc. Không hề dừng lại, nó tiếp tục chảy trong huyết quản các hoàng đế Trung Hoa từ Tần, Hán tới Tống, Nguyên, Thanh và được tăng cường dưới ngọn cờ chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mao hôm nay! Kho tàng minh triết Việt được kết tinh trong những kinh thư của Khổng Tử bị giới trí thức xu phụ vương quyền chuyển hóa thành Hán nho, Tống nho, Minh, Thanh nho phục vụ triều đình, đàn áp nhân dân, mở rộng xâm lăng chiếm đoạt, nô lệ các dân tộc khác trong khi lừa mị bằng uy danh Hoa Hạ cùng “sứ mệnh thiên tử” “khai hóa” các dân man di! Không chỉ người dân Trung Quốc lĩnh đủ cái cương cường hoang dã của dòng máu sói mà bên cạnh Trung Hoa, Việt Nam cũng nếm mùi cay đắng.
Tuy là người phương Nam, thấm nhuần tư tưởng “Khoan nhu dĩ giáo” nhưng không phải trong huyết quản chúng ta không có máu sói. Không thể kể hết những tội ác của vương triều Việt Nam gây ra với người dân trong nước cũng như đồng bào Khmer, đồng bào Chăm. Đó chính là “tội tổ tông” mà chúng ta mặc nhiên phải gánh chịu!
Xin hãy trả lời tôi: trong bối cảnh phức hợp lịch sử-văn hóa đó, thì “thoát Trung” là thoát cái gì? Làm sao mà “thoát Trung” khi đồng văn đồng chủng? Chối bỏ học thuyết Khổng Tử trong văn hóa, tâm linh cũng vô nghĩa như chối bỏ dòng máu Mông Cổ trong huyết quản vậy! Càng hoang đường hơn khi có người kêu gào “thoát Á để phát triển!” Làm sao mà “thoát Á” khi Việt Nam là trung tâm sản sinh con người cùng văn hóa châu Á?! Một ý tưởng hư vô tại hại, dẫn người ta lạc lối!
Do suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng, không nên làm những việc không thể làm! Không cần phải “thoát” Trung mà chúng ta cần hiểu chân thực về Trung Quốc, về bản thân mình để đương đầu với vận mệnh mà lịch sử đã sắp đặt!
Tổ tiên chúng ta từng di chúc: “Yêu nhau rào dậu cho chắc!” Cách ứng xử này không chỉ với hàng xóm mà cả với lân bang. Một đất nước dân chủ, người dân được tự do, gắn bó máu thịt với chính quyền thực sự của mình. Một quân đội hùng mạnh đủ để giữ gìn đất nước. Một biên giới vững vàng như thành đồng vách sắt. Một thể chế chính trị tự chủ. Một nền kinh tế độc lập. Một quan hệ thân thiện, bình đẳng với các quốc gia láng giềng… Thực hiện lời dạy của Khổng Tử: “Người quân tử sống hòa mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục.” Làm được như vậy, không cần phải “thoát” cái gì cả, chúng ta sẽ sống vững vàng với người anh em đồng văn đồng chủng, núi liền núi, sông liền sông.
Sài Gòn, 22 tháng 6.
(nguồn http://www.basam.info/2014/06/30/2401-lam-ban-ve-chuyen-thoat-trung/)

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì sang gặp các lãnh đạo Việt Nam nhằm mục đích gì?

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY: 
Một cán bộ Viện Nghiên cứu Quốc tế 
Sau hơn 1 tháng xảy ra sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 hoạt động ở vùng biển của Việt Nam đã gây ra phản ứng mạnh mẽ phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam từ Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng chủ trương phản đối Trung Quốc nhưng không làm tổn hại quan hệ hữu nghị 2 nước Trung Việt và cử sứ thần đàm phán với Trung Quốc trên 30 lần (theo thông báo của BNG Việt Nam – cấp cao nhất là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh). 


Kết quả Trung Quốc chỉ đáp lại Việt Nam không được quấy rối hoạt động của Trung Quốc, chủ quyền biển Đông, Hoàng Sa của Trung Quốc là không bàn cãi. Nếu Việt Nam cố tình quấy rối Trung Quốc thì Việt Nam phải gánh chịu hậu quả. Tập Cận Bình người đứng đầu Trung Quốc cũng đã nói thẳng với PCTN Nguyễn Thị Doan khi tham dự hội nghị ở Thượng Hải rằng Trung Quốc thấy không cần có cuộc gặp cấp cao 2 nước, có gặp đ/c Phú Trọng cũng không giải quyết được gì. Việt Nam cần chấm dứt quấy rối Trung Quốc, điều đó có nghĩa là cánh cửa thương lượng ở cấp cao 2 nước để giải quyết sự kiện Hải Dương 981 đã đóng cửa.

Sự thật diễn ra là việc Việt Nam lên án không có ảnh hưởng gì tới hoạt động của Trung Quốc. Dàn khoan Hải Dương 981 sau hơn 1 tháng đã khoan được 2 mũi cắm vào lòng đất thuộc lãnh thổ của Việt Nam – điều này ai cũng thấy cả rồi. Khoan xong 2 mũi, 981 di chuyển để tránh bão thì Trung Quốc cử Trưởng ban đối ngoại gặp Hoàng Bình Quân – Trưởng ban đối ngoại TW của Việt Nam – các thông tin được tiết lộ chủ yếu phía Trung Quốc vẫn giữ nguyên luận điệu của BNG Trung Quốc là đe doạ, yêu cầu Việt Nam chấm dứt quấy rối Trung Quốc và đưa ra chỉ trích phản ứng của Việt Nam đã phá vỡ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, người bị Trung Quốc chỉ trích đích danh là ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vì đã có những bài phát biểu mạnh mẽ lên án Trung Quốc và vạch trần sự thật của các chữ “tốt” cấp cao hai nước đã tặng nhau.

Tiếp theo Trung Quốc cử Dương Khiết Trì, Bộ trưởng NG sang Việt Nam và đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tiếp và có cuộc hội đàm với PTT Phạm Bình Minh. Đây được coi là lãnh đạo cao nhất của phía Trung Quốc sang Việt Nam vào lúc quan hệ 2 nước đang căng thẳng do Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Sau cuộc gặp này, các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam đã đưa tin về sự trao đổi “thẳng thắn” ý kiến của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên quan sát kỹ thì lại chưa đưa nội dung Dương Khiết Trì nói gì với các nhà lãnh đạo Việt Nam – điều đó khiến cho dư luận trong và ngoài nước đặt ra nhiều câu hỏi – Tuy có nhiều nhận xét khác nhau nhưng đều thống nhất chuyến đi của Dương Khiết Trì sang Việt Nam lần này mang nhiều tiêu cực hơn tích cực – với động cơ và mục đích rất thâm hiểm, tạm phân tích là:

Một là, củng cố (trấn an) cho 1 số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc như Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh, Phạm Quang Nghị rằng Trung Quốc luôn đứng sau họ, nhưng họ phải kiềm chế được các phản ứng đối với Trung Quốc.

Hai là, chia rẽ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Trung Quốc hiểu rất sâu tình hình nội bộ Việt Nam, vừa qua báo chí Trung Quốc thông tin, Trưởng ban đối ngoại TW của Trung Quốc khi gặp ông Hoàng Bình Quân đã chỉ trích mạnh mẽ sự phản ứng của Việt Nam. Đặc biệt là chĩa vào ông Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng các phát biểu của Thủ tướng Việt Nam đã phá vỡ quan hệ 2 nước Trung-Việt.

Ba là, tiếp tục đe doạ và trói các nhà lãnh đạo Việt Nam vào 4 tốt, 16 chữ vàng, và đưa ra cho các nhà lãnh đạo Việt Nam một số nguyên tắc mới “4 không” là: không được quấy rối Trung Quốc, Hoàng Sa là của Trung Quốc không bàn cãi, xung đột biển Đông do lãnh đạo 2 nước bàn với nhau; Việt Nam không được kiện ra toà án quốc tế; không được lôi kéo các nước vào câu chuyện này, không để Mỹ và phương Tây lợi dụng diễn biến hoà bình phá hoại 2 nước. Nếu Việt Nam vi phạm nguyên tắc đó thì Việt Nam sẽ chịu hậu quả.

Bốn là, chia rẽ và phá hoại, ngăn chặn sự ủng hộ của các nước về các biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bằng việc tạo ra những tín hiệu để các nước cảm nhận giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đi đêm với nhau mà nản lòng.

Qua quan sát các hoạt động của các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cho thấy sau chuyến đi của Dương Khiết Trì thì sự lên tiếng phản đối Trung Quốc có sự hạ giọng hơn. Nguyên nhân, theo các nguồn tin cho biết vừa qua ông Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo nội bộ đấu tranh với Trung Quốc phải mềm mỏng, không làm tổn hại tới 4 tốt và 16 chữ vàng- hạn chế đưa tin, không được để Trung Quốc mất lòng. Tiếp tục cử đoàn đám phán với Trung Quốc, chưa cần thiết phải khởi kiện. Ông Tổng Bí thư còn đưa ra lời cảnh cáo những đơn vị và cá nhân có phản ứng làm Trung Quốc phật ý. Đáng lưu ý còn có rỉ tai trong nội bộ rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị Bộ Chính trị phê bình vì đã lên án Trung Quốc quá mạnh mẽ. Ông Chủ tịch nước cũng nhân chuyện này mà lên tiếng trước bàn dân thiên hạ. Ông đã khôn khéo gọi TTXVN đến phỏng vấn, ông tỏ ra là một người có lập trường cứng rắn bảo vệ chủ quyền của đất nước, phản đối Trung Quốc-rồi ông chỉ đạo đài truyền hình lấy ý kiến người dân ca ngợi bài phát biểu của ông, nhưng ông lại không cân nhắc kỹ bài phát biểu của mình là nhắc lại lời của tiền nhân, đại ý là nếu có vấn để gì làm đại quốc phật ý thì phải cử sứ thần sang đại quốc tâu bẩm cho tường tận. Rốt cuộc CTN Trương Tấn Sang vẫn phải tuân thủ nguyên tắc của Dương Khiết Trì đã đặt ra là việc của 2 nước do 2 nước bàn với nhau, qua đó cho thấy Trương Tấn Sang cũng không thoát được định mệnh lịch sử - thắng hay hoà cũng phải cầu kiến, cống nạp cho đại quốc. Đại quốc quyết định vận mệnh của chư hầu.

Nắm được động thái này mấy ngày cuối tháng 6, Trung Quốc hoạt động hung hăn hẳn lên, họ lại kéo thêm dàn khoan vào vùng biển nước ta, khoan mũi thứ 3- các tàu chấp pháp, kiểm ngư của Trung Quốc hung hăng hơn nhiều, đâm thẳng vào các tàu kiểm ngư của Việt Nam làm hư hỏng nhiều chiếc, tin trong và ngoài nước đã đưa đầy đủ về các hành động bạo ngược của Trung Quốc, có điều là Việt Nam cứ phản đối còn Trung Quốc cứ hành động, Phép thử 981 đã đo được phản ứng của Việt Nam, đã không gây được trở ngại gì cho hoạt động chiếm biển Đông của Trung Quốc. Những gì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông họ sẽ thực hiện quyết liệt vào những năm tới, bao gồm khai thác tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo để khẳng định lãnh thổ của họ. Khi họ hoàn thành các mục tiêu thì có làm gì cũng đã muộn, phải chấp nhận thực tế.

Thế là đã rõ, Trung Quốc đã thắng, thắng ngay từ trong nội bộ của Việt Nam- những kẻ lãnh đạo bị Trung Quốc thuần phục trước mắt đã làm được một điều Trung Quốc vừa ý – là mềm mỏng để giữ đại cục, không cần quốc tế ủng hộ để chống diễn biến hoà bình. Hành động như thế chả khác gì dâng biển Đông cho Trung Quốc để được tình hữu nghị mong manh.

Diễn biến âm mưu của độc chiếm biển Đông của Trung Quốc thì dàn lãnh đạo Bộ Chính trị đều đã biết cả! Vậy vì cái gì và do ai khiến mà họ không đưa ra được biện pháp gì để ngăn chặn mưu đồ Trung Quốc ngoài mềm mỏng đấu tranh ngoại giao??? Các nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu có Hoàng Văn Hoan thứ 2 trong nội bộ cấp cao của Việt Nam không? Rất có thể, nhưng trước tiên phải xét tới yếu tố người đứng đầu Đảng này không đủ tầm lãnh đạo đất nước, họ mê muội không thoát ra được những quan niệm cũ lỗi thời, rơi vào trạng thái bung biêng (mất tự chủ) bạn-thù không rõ, họ bị một đám cơ hội chỉ lối làm những điều thân Trung Quốc, có hại cho đất nước-đắm chìm vào các biện pháp gây mâu thuẫn nội bộ, sợ Trung Quốc mà không nhìn thấy nguy cơ đe doạ đất nước là gì và từ đâu.

Mọi người dân hiện nay đều nhận thức rõ ai là người tâm huyết vì đất nước, ai là người làm hai đất nước – người dân còn như vậy còn họ với tư cách là người lãnh đạo không có lý gì lại không nhận thức được điều đó, họ đã cố tình lờ đi sự thật. Vì vậy, mong rằng những người tâm huyết với đất nước trong giới lãnh đạo phải thoát ra khỏi các nghị quyết không hợp lòng dân – làm cho những người mê muội có cơ hội hiểu được họ không đủ năng lực lãnh đạo đất nước vào lúc này. Nếu họ cứ cố bám vào chức vụ ho đang nắm giữ thì việc đối phó với Trung Quốc xâm chiếm biển Đông sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại, nội bộ sẽ bất yên.

Khó khăn lớn nhất trong việc đối phó với Trung Quốc xâm chiếm biển Đông là nhận thức về mưu đồ của Trung Quốc. Chuyến đi của Dương Khiết Trì tới Việt Nam vừa qua và những gì diễn ra sau đó không phải mang đến những giải pháp tích cực giữa hai nước về biển Đông, nó chứa đựng một mưu đồ nham hiểm, vừa trấn an, vừa đe doạ, tạo các yếu tố mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ quan hệ quốc tế, tạo ra tâm trạng bung biêng, mơ hồ do dự trong hệ thống lãnh đạo Việt Nam và gây sự hoài nghi cho các nước để họ nản chí ủng hộ Việt Nam, để rồi bị cô lập, ngồi nhìn Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm biển Đông của nước ta./.

Một cán bộ Viện Nghiên cứu Quốc tế (xin được phép dấu tên)

Tác giả gửi Quê Choa
(Nguồn http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/06/bo-truong-ngoai-giao-trung-quoc-duong.html)
‘Cơ hội thoát Trung ngàn năm có một’
Phỏng Vấn T/S Alan Phan – VOA – 26/6/2014
lang-gieng-gan
‘Muốn thoát Trung Quốc, phải vượt qua chính mình’… Đó là các hàng tít trên báo chí Việt Nam những ngày qua. Mới đây, Bộ Công thương Việt Nam đã nêu một giải pháp cụ thể, đó là đưa vải thiều vào tiêu thụ tại các tỉnh phía nam để giúp loại trái cây nổi tiếng của miền Bắc này tránh bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Để tìm hiểu xem liệu Việt Nam có thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của Trung Quốc hay không, VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện Tiến sỹ kinh tế người Mỹ gốc Việt Alan Phan, người từng có nhiều năm hoạt động kinh doanh tại cả Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Trước hết, kinh tế gia này nói về sự áp đảo của kinh tế của nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam:
Thực tình thì sự áp đảo này đã kéo dài lâu rồi vì có nhiều lý do: một là họ ở rất gần, hai là họ rất quen thuộc với thị trường và thứ ba là nhà nước Việt Nam đã dành cho họ rất nhiều ưu đãi.
Điều quan trọng nhất là hệ thống pháp luật của Việt Nam dễ bị trục lợi vì vấn đề tham nhũng hiện diện gần như là khắp nơi. Trong các vấn đề chính này, Trung Quốc đã lợi dụng tối đa thành ra họ có một lợi thế gần như tuyệt đối trong vấn đề giao thương với Việt Nam; so với các nhà đầu tư hay các doanh nhân khác trên thế giới.  Do đó nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay tùy thuộc rất nhiều vào vấn đề xuất khẩu qua những xí nghiệp FDI. Và quan trọng hơn, tất cả các nguyên liệu, phụ liệu cũng như là máy móc dùng cho việc xuất khẩu này phần lớn là từ Trung Quốc. Tôi cho là một cái điều sẽ gây ra những hệ lụy nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp ngăn chận. Hiện bây giờ vẫn chưa thấy nhưng có thể trong tương lai, đó là một vũ khí bén nhọn của họ.
VOA: Như vậy, có nghĩa là trong tương lai gần, Việt Nam khó mà thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế đúng không, thưa ông?
Tiến sỹ Alan Phan: Đúng, bởi vì ngoài vấn đề họ đang nắm giữ nhiều lợi thế quan trọng.  thì thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam quá thấp thành ra họ ưa chuộng những mặt hàng rẻ tiền. Có thể nói, Trung Quốc có lợi thế không những tại Việt Nam mà gần như khắp toàn cầu về các đồ rẻ tiền, kém chất lượng.
Dĩ nhiên là người Việt Nam vẫn thích những hàng hóa từ Âu – Mỹ; nhưng  họ không có thể nào trả nổi giá cao được, thành ra hàng Trung Quốc rẻ tiền tràn ngập Việt Nam, nhất là tại những vùng quê. Nói về số lượng thì nó khủng khiếp lắm.
Một điều cần lưu ý là doanh nhân Trung Quốc họ rất khôn khéo nếu so với doanh nhân Việt Nam. Các chiến lược về thị trường hay mô hình kinh doanh cũng như cách thức để bán hàng Trung Quốc vào Việt Nam thì họ đã rất thành công.
VOA: Thưa ông, vừa qua các nhân sỹ, trí thức ở Việt Nam có đề cập tới điều họ nói là ‘thoát Trung’, theo ý kiến của ông, tính khả thi của lời kêu gọi này như thế nào?
Tiến sỹ Alan Phan: Vấn đề thoát Trung, ngay cả kinh tế, chính trị cũng như quân sự, thì tôi cho là hiện bây giờ, sự khả thi gần như là zero (0) bởi vì trên hết, thượng tầng của lãnh đạo Việt Nam, vẫn còn một sự liên kết khá bền chặt với chính trị của Trung Quốc.
Vấn đề là ngay cả chính phủ, dù họ nói bất cứ điều gì, thì quyền lợi, quyền lực của họ dựa rất nhiều vào chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc. Thành ra tôi nghĩ là ngay cả những người cầm đầu cũng không muốn làm gì để ảnh hưởng tới quyền lực, quyền lợi đó. Những chuyện khác sẽ tùy thuộc vào quyết định này.
Còn vấn đề thoát ra khỏi kinh tế thì cũng là một điều khó bởi vì, như tôi nói, nó đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện về cách thức làm ăn, về cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, về những người đã được hưởng thụ rất nhiều từ Trung Quốc hiện giờ đang điều khiển nền kinh tế Việt Nam. Muốn họ thay đổi thì tôi nghĩ đó là điều không thể có.
Sau cùng, thị trường Việt Nam với một GDP quá thấp thì doanh nhân cũng như người tiêu dung khó có thể đi tìm hàng hóa từ những nơi khác để mà thay thế. Xuất khẩu Việt Nam cũng tùy thuộc rất nhiều vào giá rẻ của nguyên liệu Trung Quốc nên việc sử dụng nguyên liệu của Ấn Độ hay của những nơi khác thì tôi nghĩ đó là chuyện nhà sản xuất không muốn làm.
VOA: Giới quan sát cho rằng trong khi tình hình ở biển Đông hiện vẫn chưa lắng dịu, có lẽ trong thời gian tới, những khó khăn mà kinh tế Việt Nam sẽ vấp phải cũng không phải là nhỏ. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Tiến sỹ Alan Phan: Đương nhiên, nhất là khi đã có những trục trặc xảy ra từ vấn đề chính trị. Trung Quốc là một nước lớn, họ muốn trở thành một cường quốc và họ muốn có một nguồn tài nguyên chắc chắn, ổn định, muốn một láng giềng có thể nói là yếu kém và lệ thuộc hoàn toàn với họ, thành ra họ sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề biển Đông.
Tuy vậy, Việt Nam cũng có nhu cầu chính trị về địa phương, về dân tộc nghĩa là các lãnh đạo Việt Nam cũng không muốn tỏ ra là quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng tất cả những chuyện này tôi nghĩ nó cũng giống như là ‘a storm in a teacup’, tức là quậy lên vậy thôi, chứ còn đâu cũng vào đấy. Tôi nghĩ về lâu về dài nó không thay đổi gì lắm. Còn hiện tại, trong một thời gian ngắn, nó có thể gây ra vài bất cập cho nền kinh tế Việt Nam.
Từ gocnhinalan (http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/co-hoi-thoat-trung-ngan-nam-co-mot.html)

Bốn khó khăn về mặt tâm lý - xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lăng


Mạc Văn Trang
Mưu đồ xâm lăng, thống trị Việt Nam đã được Trung Cộng tính toán từ lâu, thực thi từng bước, mà bất cứ ai là người dân Việt có chút lương tri, trách nhiệm với đất nước đều thấy rõ. Một số vụ việc cụ thể, tiêu biểu là: Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa 1974; chiếm đoạt một số cứ điểm quan trọng sau chiến tranh biên giới phía Bắc 1979; đánh chiếm đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa 1988; lấn chiếm khoảng 1500 km2 trong quá trình xác định, ký kết Hiệp định biên giới Việt – Trung (1999) và gần đây là hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kèm theo đó là những hành động xâm lăng tàn bạo, thái độ trâng tráo, bất chấp tất cả, đúng nghĩa một kẻ xâm lược trắng trợn, đòi độc chiếm Biển Đông…
Thực tế là “ta càng nhân nhượng, giặc càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta”, khuất phục dân ta, bắt dân ta phải sống dưới sự cai trị của chúng. Ách cai trị của Trung Cộng không phải để “khai hóa văn minh” như các nước tư bản phương Tây, mà là sẽ phát động những cuộc “cách mạng văn hóa” để tiêu diệt hàng chục triệu người làm Trung Cộng “ngứa mắt” (?); là thực hiện mưu đồ diệt chủng như Pôn Pốt đã làm ở Campuchia; là tiến hành quá trình Hán hóa như ở Tây Tạng, Tân Cương; là sẵn sàng cho xe tăng nghiền nát nhiều ngàn người trong một đêm, tại cuộc biểu tình mồng 4 tháng 6 năm 1989 ở quảng trường Thiên An Môn… Đó là viễn cảnh của Việt Nam dưới ách cai trị của Trung Cộng.
Trước thực tế này, Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng cầm quyền duy nhất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc trong cuộc chiến chống xâm lăng của Trung Cộng. Đây là cuộc chiến khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với cuộc kháng chiến chông Pháp (1946 – 1954) và “Chống Mỹ cứu nước” (1955 – 1975). Khó khăn về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao… xin dành cho các nhà chuyên môn. Tôi chỉ nói mấy khó khăn về khía cạnh tâm lý - xã hội.
1. Nhân dân Trung Hoa không thể như nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ, thấy được tính phi lý của giới cầm quyền và tính chính nghĩa của Việt Nam. Do sống trong chế độ cộng sản toàn trị, tàn bạo hàng nửa thế kỷ, với cơ chế tuyên tuyền áp đặt một chiều, bưng bít thông tin, khủng bố những người khác ý kiến với Đảng Cộng sản, người dân Trung Hoa bị thuần hóa để chỉ “nghĩ, nói, làm theo Đảng”, lại bị nhồi sọ tư tưởng dân tộc cực đoan đại Hán, nên hiếm người biết sự thật và dám lên tiếng phê phán chính quyền, ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam. Ngay cuộc chiến tranh xâm lược biên giới 1979 mà đến nay người dân Trung Hoa vẫn tin đó là “cuộc chiến tự vệ”, “Đi dạy cho bọn khiêu khích Việt Nam một bài học” (!?). Trong cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lăng hôm nay chẳng hy vọng có những Henri Martin, Raymondienne và phong trào nhân dân Pháp phản đối chiến tranh Đông Dương; cũng chẳng hy vọng có Norman Morrison tự thiêu và phong trào xuống đường rầm rộ của nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam… Như vậy là giới cầm quyền Trung Cộng có hậu phương yên ổn, để huy động sức người, sức của cho cuộc chiến xâm lăng một cách thuận lợi. Hơn nữa Trung Cộng còn dùng thủ đoạn “đánh ngoài, để dẹp trong” như hồi chiến tranh biên giới 1979…
2. Cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lăng không được thế giới ủng hộ mạnh mẽ. Cuộc chiến này không có “Liên Xô, Trung Quốc, phe xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế” ủng hộ như trước nữa. Những nước “xã hội chủ nghĩa” Triều Tiên, Cu Ba èo uột có ủng hộ Việt Nam không? Hai người anh em “sống chết có nhau” trên bán đảo Đông Dương, bây giờ nghe Trung Cộng hay nghe Việt Nam? Còn nhân dân thế giới chẳng quan tâm đến cuộc chiến này đâu, vì nó không phải là những trận B52 ném bom hủy diệt, chấn động nhân loại; nó là cuộc xâm lược âm thầm, “vừa ăn cướp vừa la làng”, “vừa đấm vừa xoa”, “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”… Chính phủ các nước cũng chẳng ủng hộ Việt Nam lắm đâu, vì “kệ hai thằng cộng sản diệt nhau cho chết nốt”. Nhiều chính phủ các nước có dính líu nợ nần, làm ăn với Trung Cộng, dễ gì bỏ qua những món lợi do chúng mồi chài… Hơn nữa, Trung Cộng luôn lớn tiếng “giải quyết song phương”, bên ngoài đừng can thiệp vào; và ông Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng của ta cũng tuyên bố tại hội nghị Shangri-La (31/5/2014) về tính chất của xung đột Trung – Việt chỉ là: “Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi. Vậy là chuyện có tính “nội bộ”, còn ai muốn xía vô!
3. Lòng dân trăm mối ngổn ngang. Các cuộc chiến trước đây “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một ý chí”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Trên dưới một lòng”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”!... Biết bao nhiêu cán bộ, đảng viên chỉ có hai bàn tay trắng, cứ bám vào dân là được dân che chở, nuôi sống, giúp đỡ… Nay thì khác hẳn. Nhiều người, nhiều nhóm lợi ích coi quyền và tiền trên cả độc lập, tự do. Thực ra độc lập, tự do đã bị Đảng Cộng sản Việt Nam đem đi cầm cố cho Trung Cộng ở Thành Đô năm 1990 để đổi lấy sự sống còn của Đảng và chế độ cho đến hôm nay. Các giai tầng trong xã hội có sự phân tâm ghê gớm. Tôi vừa nghe một doanh nhân nói oang oang trước một đám người đáng bậc cha chú: “Nó hơn một tỉ ba dân, chỉ ra lệnh cho mỗi người uống một chai la-vi rồi đái ra là dân mình chết ngập mẹ hết rồi, cần gì phải đánh” (!). Lại nghe một Đại tá quân đội nghỉ hưu nói: “Âm binh nó yểm khắp nơi rồi. Phải vũ trang toàn dân, từng thôn, xã, huyện, tỉnh là những đơn vị sẵn sàng chiếu đấu tại chỗ, quân đội tập trung vào những mũi chính”… Ông Trung tá công an hưu trí liền nói: “Chúng nó không dám phát súng cho dân đâu. Nó sợ dân có súng, chưa bắn Tàu, bắn bể đầu chúng nó trước” (?). Trong khi đó rất nhiều người dân cho rằng: mình càng hèn, nó càng bắt nạt, mình dám đương đầu, nó sẽ chờn. Hơn nữa, mình không sợ, dám dũng cảm đương đầu thì mới nghĩ ra được cách đánh và cách thắng, chứ hèn nhát, run sợ thì còn nghĩ ra cái con mẹ gì! Bà hàng xóm nhà tôi bảo: Đêm nào em cũng cầu kinh, mong cho Trời Phật, anh linh bác Hồ, bác Giáp và các anh hùng liệt sĩ về gây bão tố đánh chìm tan tác cái giàn khoan với tàu bè chúng nó đi! Gần đây, “tứ trụ triều đình” đều lên tiếng khá mạnh mồm, nhưng dân không mấy tin tưởng, thậm chí có người còn bảo “Nó diễn đấy!”. Khi tôi đăng bài: “Khí phách của Thủ tướng và trí, dũng của ngư dân” trên Tễu blog, có người nhắn vào điện thoại: “Đả đảo Mạc Văn Trang”! Một ông bạn GS gọi điện bảo: “Nó diễn thế mà cậu cũng tin à?”… Dân vẫn không hiểu, sao đến giờ ta vẫn chưa dám kiện Trung Cộng ra Tòa án quốc tế? Khi người Việt ở hải ngoại sôi sục biểu tình phản đối Trung Cộng xâm lăng, có người ở trong nước phải ra nước ngoài để được tự do biểu tình, thì Chủ tịch Quốc hội kêu gọi người Việt ở hải ngoại “gìn giữ quan hệ hữu nghị Việt - Trung”… (tại phiên họp bế mạc của Quốc hội, 24/6/2014). Dân ta không hiểu ông có ý gì? Ngày 26/6/2014 tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri, đã bị chất vấn rất nhiều về vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Khi ông nói rằng: Vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, “Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy”... (Tuổi Trẻ 27/6/2014), nhiều người dân đã có phản ứng tiêu cực… Tóm lại, đa số dân ta quyết chống Trung Cộng xâm lăng, nhưng không còn tin Đảng và cũng không biết tin ai, tin vào cái gì! Một trạng thái tâm lý - xã hội cực kỳ nguy hiểm.
4. Khó khăn lớn nhất, đẻ ra mọi khó khăn trên, là do Đảng Cộng sản Việt Nam coi Trung Cộng là đồng chí, anh em cùng ý thức hệ, dựa vào Trung Cộng để bảo vệ sự sống còn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của chế độ “xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, nhưng cũng luôn sợ hãi và không tin Trung Cộng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lừa dối dân để đi đêm với Trung Cộng nhiều chuyện mờ ám; những quan hệ mập mờ đó suốt mấy chục năm qua đã bị Trung Cộng tận dụng gây ra biết bao hậu họa khôn lường và giờ đây các thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đều như “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ”, “há miệng mắc quai”… Nhiều người dân nói rằng: Cảm ơn cái giàn khoan Hải Dương 981, nhờ nó mà bản chất đại Hán, xâm lăng, lật lọng, đểu cáng của Trung Cộng (xưa nay vẫn được Đảng Cộng sản Việt Nam lập lờ che đậy), mới phơi bày ra hết, để mọi người dân Việt Nam nhận ra Trung Cộng vẫn là kẻ thù truyền kiếp nguy hiểm nhất, độc ác nhất… Ấy vậy mà trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lúc này vẫn có những người muốn bấu víu vào cái “viển vông” “bốn tốt”, “16 chữ” để cứu vãn tình thế… Có ông tuyên huấn vẫn nói: Mặc dù bị tàu “bạn” đâm, va nhiều lần, nhưng các chiến sĩ của ta vẫn bĩnh tĩnh, tuyền truyền, giải thích… “Bạn” cái con mẹ gì nữa! Nó là giặc cướp biển rõ rành rành ra đó. Đảng Cộng sản Việt Nam nói năng ấp úng, thái độ bất nhất, hành động ngập ngừng là vì lướng vướng những ràng buộc với Trung Cộng, khiến đầu óc bấn loạn, tư duy lộn xộn, mặc cảm sợ hãi, ám ảnh chứa chất trong tâm can… Như thế thì còn đâu bản lĩnh, dũng khí của đảng cầm quyền để dẫn đạo nhân dân!
*
* *
Giải pháp tốt nhất để vượt qua những khó khăn trên là: Đảng Cộng sản Việt Nam phải dũng cảm, dứt khoát thoát khỏi những ràng buộc lướng vướng với Trung Cộng, vì chính nó đã xé bỏ trước rồi; thoát khỏi ý thức hệ “đồng chí, anh em”, vùng ra khỏi nanh vuốt của con ác thú, dù phải đau đớn nhất thời; phải dựa hẳn vào dân, tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh vô địch là lòng yêu nước của mọi tầng lớp dân ta. Nếu lịch sử cần thì cũng sẽ xuất hiện những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… của thời nay. Chỉ khi Đảng dám tuyên bố “Không có gì quý hơn Độc lập của Tổ quốc, Tự do của nhân dân”, dám thoát khỏi nanh vuốt của Trung Cộng và thay đổi “căn bản toàn diện” thể chế, đem lại dân chủ, tự do thật sự cho nhân dân mới đoàn kết được toàn dân, lấy lại niềm tin của dân, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc. Nhờ đó mới cứu được nước, cứu được dân và cứu được Đảng. Bởi vì quy luật xã hội đã chỉ rõ: Độc đảng, độc quyền dẫn đến độc tài, tàn bạo là tất yếu sẽ bị diệt vong như mọi chế độ độc tài trong lịch sử nhân loại. Nếu Đảng đủ trí, dũng tự “xoay trục” lần này thành công, dân cũng thể tất cho những lỗi lầm đã qua. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn một cơ hội thôi! Nếu Đảng tự “thoát Trung” và đưa đất nước phát triển theo con đường sáng của nhân loại, thì ba khó khăn còn lại cũng sẽ được giải tỏa:
- Cải cách thể chế, dân chủ hóa ở Việt Nam sẽ có tác động mạnh mẽ đến xã hội Trung Quốc – điều mà Trung Cộng sợ nhất. Tác động đôminô chuyển đổi thể chế ở Việt Nam đến Trung Quốc, một xã hội đang chất chứa đầy những ung nhọt, trên đất nước bao la với gần 1,4 tỉ dân, sẽ khó lường hết những gì sẽ diễn ra. Phong trào dân chủ của nhân dân Trung Hoa khi xuất hiện chắc sẽ nhìn rõ bản chất xấu xa của giới cầm quyền và có những phản ứng thích đáng. Sẽ xuất hiện những người lên tiếng phê phán đường lối đối nội và đối ngoại phản động của Trung Cộng… Chỉ khi cả Việt Nam và Trung Quốc chuyển sang thể chế dân chủ thực sự thì mới hy vọng xây dựng được tình hữu nghị thân thiện, hợp tác, bình đẳng…
- Một khi Việt Nam đưa đất nước hòa nhịp vào quỹ đạo của các nước văn minh, tiến bộ, thực sự chấp nhận những giá trị chung phổ quát của nhân loại thì nhất định sẽ được nhân dân tiến bộ trên thế giới đồng cảm, ủng hộ mạnh mẽ; chính phủ nhiều nước sẽ sẵn lòng hợp tác, ủng hộ Việt Nam… Một liên minh quốc tế mới để bảo vệ độc lập, tự do và phát triển đất nước sẽ được hình thành.
- Và điều cơ bản nhất, khi đó mọi tầng lớp nhân ta ở trong và ngoài nước sẽ xóa bỏ những rào cản tâm lý - xã hội, thật lòng đoàn kết thành một khối thống nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Yêu nước không còn phải gắn với “yêu Đảng Cộng sản”, “yêu chủ nghĩa xã hội”, yêu nước không còn bị kiểm duyệt… Tổ quốc và nhân dân trên hết! Lòng yêu nước sâu thẳm của mọi người dân Việt lại trỗi dậy, thăng hoa trước thử thách sống còn: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh).
30/6/2014
M. V. T.
Tác giả gửi BVN.
(Theo Bauxite http://boxitvn.blogspot.com/2014/06/bon-kho-khan-ve-mat-tam-ly-xa-hoi-cua.html)

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Giáo dục Việt Nam phục vụ cho ai?

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY: 
Dương Đình Giao
Theo blogÔng Giáo Lang
Theo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – World Economic Forum – vào đầu tháng 9/2013, nền giáo dục Việt Nam so với khu vực Asean vào hạng “đội sổ”,  thua kém hơn cả Cam-pu-chia! Trong đó, Singapore vượt lên đứng đầu (nên nhớ rằng ông Lý Quang Diệu đã từng mơ ước Singapore có được nền giáo dục khai phóng của Việt Nam  từ những năm 1960.


Thật là xót xa!

Qua 68 năm, đảng cộng sản Việt Nam đã đẩy nền giáo dục nước ta xuống tới đáy. Nguyên nhân hàng đầu chính là do giáo dục dưới sự lãnh đạo của đảng không phải để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước mà giáo dục chỉ có một mục đích phục vụ chính trị, phục vụ cho đảng cũng như văn học nghệ thuật. Điều này đã được khẳng định ngay từ năm 1948 trong Đề cương văn hóa Việt Nam trong bài viết của ông Trường Chinh.

Hiện nay, giáo dục chỉ được coi là một phần của công tác dân vận, công tác tuyên huấn, làm giáo dục để phục vụ cho đảng, chứ  giáo dục chưa được coi  là một khoa học. Vì thế, giáo dục:

1. Chỉ nhằm chứng minh nhờ có đảng cộng sản Việt Nam (từ sau sẽ viết gọn là “đảng”, không viết hoa) tài ba, sáng suốt đã lãnh đạo giáo dục không ngừng phát triển. Trong chiến tranh thì dù bom đạn của đế quốc Mỹ ác liệt thế nào nhưng học sinh vẫn đến trường, vẫn lên lớp, vẫn đỗ tốt nghiệp 100%. Kinh tế vô vàn khó khăn nhưng nhờ đảng lãnh đạo sáng suốt nên vẫn phổ cập giáo dục tiểu học rồi đến phổ cập trung học cơ sở. Đến bây giờ, dù kinh tế có suy thoái, nhưng trường trung học, đại học ở khắp nơi. Nhiều tới mức không có người học! Nhưng những trường ấy mở ra nhằm phục vụ cho ai? Học sinh có nhu cầu học tập thật sự không hay chỉ là học theo phong trào, là tâm lý chạy theo đám đông. Học xong đều nằm dài chờ việc, tới nay, đã có tới 72.000 người có bằng cử nhân thạc sĩ  mà không sao kiếm được việc làm.  Điểm thi đầu vào 3 môn mà chỉ 6, 7 điểm, thấp như thế thì học đại học thế nào? Nhưng bất chấp tất cả, trường vẫn cứ như nấm sau cơn mưa. Vì những người mở trường có lợi nhuận, giáo viên thêm chỗ dạy, có thể kiếm thêm bù vào tiền lương do nhà nước trả quá rẻ mạt, các cấp quản lý do đảng lập ra cũng có lợi vì anh nào mở trường mà chẳng phải có phong bì, xin một cái dấu ở phường ở xã còn phải phong bì nữa là xin mở cả một trường đại học. Khá nhiều trường không có địa điểm, không có  giáo viên cơ hữu, thậm chí còn không có cả người học (vì không đủ điểm sàn),  người dạy thì cũng chỉ là “cử nhân đào tạo cử nhân”.  Đất nước chậm phát triển, lạc hậu nhưng vẫn tự hào vì số lượng tiến sĩ nhiều nhất Đông nam Á. Từ đó, gian dối trở thành căn bệnh phổ biến. Cái gì, ở đâu cũng trong tình trạng “nói vậy mà không phải vậy”. Tỷ lệ lên lớp luôn luôn là 100% mặc dù nhiều học sinh học đến lớp 6 lớp 7 vẫn chưa biết đọc, học sinh tiên tiến của lớp 9 vẫn không làm nổi một phép tính chia. Số lượng tiến sĩ thì nhiều nhất Đông nam Á  nhưng chẳng có mấy tiến sĩ viết được luận văn, phần lớn là phải “đạo” ở các “chợ luận văn”, chẳng có công trình nghiên cứu nào được thế giới ghi nhận. Và suốt ngần ấy năm, con Lạc cháu Hồng vẫn đứng đội sổ trong  những đóng góp cho nhân loại. Gian dối bất chấp quy luật. Đi học phải có người giỏi, người kém, người đủ khả năng lên lớp, người phải ở lại học thêm một năm nữa, …nhưng luôn luôn lên lớp 100%. Phụ huynh thấy con mình học kém, cần phải học lại để củng cố kiến thức lớp dưới mới hy vọng tiếp thu được kiến thức ở lớp trên, xin học lại một năm nữa, nhà trường  cũng không cho vì như thế “ảnh hưởng đến thi đua”. Lẽ ra,  gia đình học trò nghèo thì chỉ nên giúp họ đạt một trình độ tối thiểu (hết tiểu học, hay trung học cơ sở chẳng hạn), rồi giúp họ đi học nghề. Còn ít tuổi, đi học nghề, tiếp thu càng nhanh, càng có thời gian rèn luyện tay nghề, trau dồi phẩm chất của người làm nghề. Nhưng vì đảm bảo chỉ tiêu đến lớp nên tìm mọi cách vận động họ đến lớp, dù họ chẳng có hứng thú gì để học. Thế là suốt mấy năm học, tưởng là sẽ tốt hơn nhưng thực ra chỉ hư hỏng con người. Kiến thức thì chẳng thêm được bao nhiêu nhưng tiêm nhiễm thêm bao nhiêu thói xấu nhất là lười biếng và gian dối.
2. Chương trình học lạc hậu, rất nhiều tri thức đã bị người ta vứt vào sọt rác của lịch sử rồi nhưng vẫn bắt học sinh phải học. Tục ngữ có câu “Nó lú nhưng chú nó khôn”. Sách giáo khoa, thầy cô thì dạy như thế, nhưng gia đình học sinh không ít người hiểu biết họ thừa biết đó là những điều đã lỗi thời, chẳng lẽ học trò không biết. Biết rồi liệu có hy vọng học sinh toàn tâm toàn ý mà học không? Vì sao học sinh chán môn sử? Một nguyên nhân quan trọng là do sách giáo khoa lịch sử chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của đảng. Gọi là lịch sử Việt Nam nhưng thực chất là lịch sử đảng. Lịch sử chỉ chứng minh là đảng tài giỏi, “công ơn đảng như biển rộng núi cao”, chiến đấu thì “ta thắng địch thua”, xây dựng chú nghĩa xã hội thì “thắng lợi rực rỡ”, lúc nào, ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào cũng “chiến thẳng vẻ vang” cả, không bao giờ có sai lầm khuyết điểm thất bại. Thậm chí, nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử cũng bịa đặt nhằm phục vụ cho lợi ích của đảng. Sao học trò có thể hứng thú mà học được? 
   
3. Vì chỉ để phục vụ cho mục đích của đảng nên sử dụng con người cũng vô cùng sai lầm. Ai làm đúng ý đồ của đảng thì được đảng sử dụng, đề bạt, bất kể tài năng, đức độ. Gần đây đã xuất hiện tục ngữ mới, đó là những người “tài năng có hạn, khốn nạn vô biên”. Ai hành xử theo lương tâm nghề nghiệp, tâm huyết với sự nghiệp thì bạc đãi, vô hiệu hóa. Chỉ nói chuyện nhỏ, như việc  coi, chấm thi. Ai coi thi nghiêm túc không cho học trò gian lận thì không cử đi coi nữa. Vì như thế ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua. Những người mặc kệ cho thí sinh muốn làm gì thì làm, phòng thi ồn ào như cái chợ thì chẳng sao. Khi nào có cấp trên đến kiểm tra, khi xe ô tô “toe toe”  còi ngoài cổng trường, trong lúc bảo vệ từ từ đi mở khóa cổng, lãnh đạo hội đồng coi thi đi từng phòng nhấm nháy ra hiệu, trông thật bất lương đáng xấu hổ. Sau khi dạo qua một vòng,  nhận thấy “tình hình coi thi rất nghiêm túc”, cấp trên nhận cái phong bì thế là xong cuộc thanh tra. Ô tô cấp trên ra khỏi cổng trường thì đâu lại hoàn đấy. Đi chấm thi ai chấm đúng đáp án, biểu điểm, không chịu thay đổi, nâng điểm cho những bài do lãnh đạo chấm thi đưa xuống thì lần sau không cử đi chấm nữa. Để dễ sai khiến, người ta dùng tiền “bồi dưỡng”. So với tiền lương, tiền bồi dưỡng coi, chấm thi không phải là nhỏ. Tiền này do học sinh đóng góp, dân gian gọi là tiền “chống trượt”. Thực chất, đây là một khoản tiền “lót tay” để thầy cô giáo làm ngơ cho  học sinh gian dối  khi coi thi, dễ dãi lúc chấm thi. Từ trước khi bước vào thiên niên kỷ mới, ngoài số tiền phụ huynh đóng góp cho nhà trường ra, đã có hiện tượng thí sinh trong một phòng thi nộp tiền, cho vào phong bì đặt trên bàn của giám thị.Thế là hai bên đều có lợi. Học sinh thì đỗ cao, còn đảng thì được mang tiếng lãnh đạo tài tình. Chỉ có dân là thiệt. Dân thiệt là vì mất tiền cho con đi học, cứ tưởng con mình được học hành “đến nơi đến chốn” nhưng thực chất là học hành chẳng ra gì, chỉ có cái đầu rỗng tuếch; dân thiệt là vì, mất tiền cho con đi học, đã không được kiến thức, còn nhiễm thêm cái tính dối trá, dối trá ngay từ khi vào lớp 1 nên đến lớp 12 thì bệnh dối trá này đã trầm trọng lắm rồi, cho đến  hết đời không chữa nổi, thế là cả đời thành kẻ dối trá, dối trá mà không mảy may áy náy; dân thiệt là vì tiền thuế đóng góp tưởng là để xây dựng đất nước, nhưng thực tế, cái tiền thuế mồ hôi nước mắt ấy cuối cùng nó  quay lại hại chính mình.

Cấp dưới  dối cấp trên, cấp trên thừa biết nhưng vẫn làm như không biết, vẫn tỏ ra tin là thật. Rồi cấp trên lại dối cấp trên nữa…Cấp trên nói, cấp dưới nghe, biết thừa là cấp trên “xạo”, nhưng vẫn tỏ ra tin tưởng, xoa tay khen cấp trên sáng suốt. Vì cứ  “Tít mù nó lại vòng quanh” như thế thì hai ba bên đều có lợi.

Lối làm ăn gian dối khiến cho những người có tâm huyết chán nản. Nếu thi cử nghiêm túc thì ai dạy thế nào có thể biết ngay. Tỷ lệ thi đỗ sẽ là công cụ nhắc nhở hữu hiệu cho người thầy. Trò không cố, vì không làm được thì nhìn bài của người bên cạnh, thì sẽ có người ném bài cho. Sự kiện Đồi Ngô (Bắc Giang) năm ngoái, Nam Lương Sơn (Hòa Bình) năm nay đâu có hiếm. Chỉ có người ta làm như thể không biết mà thôi. Thầy cũng chẳng cố nữa, vì cố để làm gì, mình chẳng dạy “nó” cũng vẫn cứ đỗ. Học trò đỗ là “hoàn thành xuất sắc rồi”! Có những thầy do lương tâm cắn rứt vẫn cố thì học trò cũng chẳng học.

Tôi vẫn hay nói vui, ngày trước thực dân Pháp ngu dân bằng cách không cho đi học (số người đi học chỉ khoảng 5% ), còn ta bây giờ ngu dân bằng cách cho đi học nhưng không cho biết gì. Cứ xem cách học ngoại ngữ là đủ biết. Trước đây, học trò chỉ cần học hết trung học cơ sở (thành chung) là đã có thể sử dụng thành thạo tiếng Pháp, ai học hết trung học (đỗ tú tài) thì trình độ đã cao lắm rồi. Tôi biết các dịch giả nổi tiếng như nhóm Lê Quý Đôn (các cụ Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn,…)dịch tiếng Pháp. Các cụ Bùi Phụng, Bùi Ý, Đặng Thế Bính, Vũ Cận, …dịch tiếng Anh đâu có học đại học, làm gì có điều kiện đi du học nước ngoài? Nhưng đến nay hình như cũng chưa thấy có ai vượt được các cụ. Nhưng nay, học tiếng Anh từ lớp 6 dến lớp 12, 7 năm tất cả, trình độ thế nào? Sinh viên các trường ngoại ngữ học thêm 4, 5 năm nữa, có mấy ai đọc hết được một cuốn sách bằng thứ tiếng ấy. Thế mà đang định dạy tiếng Anh từ cấp tiểu học. Thật “xót tiền dân”!

Nhân đây, tôi mong các cụ đã học qua thời Pháp kể lại cách học ngoại ngữ cũ để các vị quan chức Bộ Giáo dục được “mở rộng tầm nhìn”.

Từ mục đích đã không được xác định một cách đúng đắn, giáo dục ta suốt gần bảy mươi năm nay vẫn lạc hướng, vẫn chẳng làm được những điều có lợi cho dân cho nước.
copy từ Quê Choa ! (http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/06/giao-duc-viet-nam-phuc-vu-cho-ai_30.html)

Nhiều tàu Trung Quốc đâm tan nát tàu KN 951 Việt Nam

(GDVN) - Trong khi thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, tàu KN 951 bị nhiều tàu của Trung Quốc vây đuổi, cố tình đâm chìm.
Sau khi cập cảng Đà Nẵng gần một ngày, ngày 29/6, các công nhân đang tiến hành sửa chữa lại tàu kiểm ngư KN 951 bị hư hỏng nặng sau khi thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam bị nhiều tàu Trung Quốc đâm vào sáng ngày 23/6 vừa qua.
Tính đến nay đã gần 1 tháng tàu KN 951 thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Sau khi trở về, trên tàu đầy thương tích. Những "vết thương" chằng chịt trên tàu là minh chứng rõ nét nhất về sự hung bạo của các tàu Trung Quốc.
Theo các kiểm ngư viên trên tàu KN 951, tàu bị nhiều tàu của Trung Quốc đâm gây hư hỏng nặng với những cú đâm trực diện và cực mạnh khiến mạn trái của tàu bị nứt gãy rất nghiêm trọng. Rất nhiều chỗ trên tàu bị hư hỏng, vỡ bể, biến dạng, như tại các phòng, boong trên, cầu thang, xuồng… 
Nhìn đâu cũng thấy "vết thương" trên thân tàu...
Xuồng cứu hộ trên tàu KN 951 cũng bị tàu Trung Quốc đâm gây hư hỏng nặng.
Nhiều cú đâm mạnh khiến nhiều chỗ trên tàu KN 951 tan nát...
Một số bình CO2 trên tàu may mắn chưa bị đâm, nếu những bình CO2 này bị đâm với lực mạnh sẽ nổ như bom và không biết lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra...
Mạn trái và mạn phải của tàu KN 951 đều bị các tàu của Trung Quốc đâm tan nát.
Theo một số kiểm ngư viên trên tàu KN 951 kể lại thì hành động của các tàu Trung Quốc rất ác độc. Họ cố tình đâm chìm tàu KN 951 giữa biển. Tuy nhiên, với sự mưu trí, dũng cảm của anh em kiểm ngư viên trên tàu đã điều khiển tàu không bị chìm nhưng con tàu hư hỏng rất nặng và có hai kiểm ngư viên bị thương.
Hiện các công nhân đang nhanh chóng hàn và sửa chữa lại những "vết thương" trên tàu KN 951.
Dự kiến, sau khi được sửa chữa lại, tàu KN 951 cùng các kiểm ngư viên sẽ tiếp tục ra vùng biển Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền.

(Nguồn http://giaoduc.net.vn)