Việt Nam phóng thích Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi: Một “phép màu”?
Xin chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Trước hết xin anh vui lòng cho biết cảm nhận của anh khi biết tin hai tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi được trả tự do trong cùng ngày hôm nay?
Ngày hôm nay tôi nghe được hai tin vui, phải nói là rất vui. Niềm vui đầu tiên là thông tin ông Vi Đức Hồi – một cựu trưởng ban tuyên huấn đảng – được tự do trước thời hạn, và Con đường Việt Nam đã ghi điểm với tư cách là tổ chức đầu tiên đưa tin về sự kiện đáng nhớ này. Còn trường hợp thứ hai ghi điểm lại chính là Thụy My khi nữ đồng nghiệp cho tôi biết Nguyễn Tiến Trung cũng được trả tự do trước thời hạn.
Dù gì cuộc sống buồn khổ này cũng có những lúc lãng mạn. Câu chuyện Nguyễn Tiến Trung đột ngột nhận quyết định “tha bổng” vào buổi sáng ngày 12/04/2014 trong lúc anh đang tưới cây, làm tôi nhớ đến mẩu chuyện Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry quan tâm đến việc bảo tồn môi trường tự nhiên ở U Minh cùng số tiền 17 triệu USD dành cho dự án môi trường. Cả hai câu chuyện này đều nhằm tái tạo một cái gì đó sắp mất và vun xới một cái gì đó đang nảy nở.
Đúng, đầu năm 2014 đã chứng kiến một đợt thả tù nhân chính trị lớn nhất và mang tính “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” sắc nét nhất tính từ thời điểm năm 1975 đến giờ. Vào cuối năm 2013, gia đình ông Nguyễn Hữu Cầu – một cựu đại úy quân lực Việt Nam cộng hòa đã nhận được tin ông Cầu sẽ được về nhà sau 37 năm bị cầm tù, còn nhiều hơn Nelson Mandela đến 10 năm. Tuy vậy phải đến tháng Ba năm nay, “người tù thế kỷ” ấy mới được đoàn tụ với người nhà nhờ lệnh đặc xá trong tay, trong tình trạng miệng chỉ còn đúng một cái răng cùng 11 thứ bệnh tật trong người.
Cùng lúc, thầy giáo Đinh Đăng Định cũng được phóng thích, nhưng quá đau xót là thân phận của ông không khác gì “những con chim ẩn mình chờ chết”. Bởi cái chết thực sự đã đến với ông ngay sau lệnh đặc xá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Và đến đầu tháng 4/2014, giới dân chủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế chứng kiến hết Cù Huy Hà Vũ, đến Vi Đức Hồi rồi Nguyễn Tiến Trung được “tại ngoại”, tuy sự tự do của mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau.
Đợt thả tù nhân chính trị hết sức bất thường này chắc chắn khiến dư luận nảy sinh hàng loạt câu hỏi: phải chăng tự do đến từ “chính sách khoan hồng” của Nhà nước Việt Nam? Hay đã đến lúc Nhà nước Việt Nam “hồi tâm” và bắt đầu nhận ra việc giam giữ chẳng làm được gì tốt hơn là nung nấu tình cảm bất đống chính kiến và phản ứng xã hội? Hoặc còn nguyên do nào khác, chẳng hạn như sức ép của cộng đồng dân chủ và nhân quyền trong nước và từ quốc tế? Và liệu việc thả người được xem là chưa có tiền lệ như lần này có liên đới gì đến “quy chế thị trường” và một cái ghế dành sẵn cho Việt Nam trong Hiệp định TPP?
Hai tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung vừa được trả tự do ngày 12/04/2014.
Theo anh, những câu hỏi trên cần được lý giải thế nào?
Chỉ nhìn vào sự việc thời hạn thả ông Nguyễn Hữu Cầu bị lui lại đến sau Tết 2014 là đủ thấy những tính toán chính trị và lợi ích nhóm vượt trên mọi độ lượng khoan hồng. Nói thẳng ra là chẳng có khoan hồng gì cả, vì cả ông Nguyễn Hữu Cầu và ông Đinh Đăng Định đều kiệt lực khi được thả ra. Hơn nữa, từ trước tới nay rất hiếm có trường hợp tù nhân chính trị được “khoan hồng” theo cách thả người như vừa rồi.
Còn nếu cho rằng Nhà nước Việt Nam đang “hồi tâm” thì trong trường hợp lạc quan nhất, đó cũng là một sự hồi tâm có điều kiện và chắc chắn không thiếu tính toán.
Cần nhắc lại là khi nữ sinh Phương Uyên được tòa án Long An trả tự do ngay tại tòa trong phiên xử vào tháng 8/2013, không ít người đã tưởng lầm rằng đó là lòng nhân đạo của chính quyền. Song sau này người ta mới nghe tin là trước đó có một danh sách 5 người được đề nghị thả do phía Hoa Kỳ nêu ra với Chính phủ Việt Nam sau cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Barak Obama tại Washington; và Việt Nam đã chọn nhân vật “bé nhỏ” nhất là Phương Uyên, cũng là người được đánh giá là ít nguy hiểm nhất, để thả ra. Cũng cần lưu ý rằng vào thời điểm đó, Nhà nước Việt Nam hết sức sốt sắng cho cuộc vận động chiếm một cái ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và tất nhiên muốn giải tỏa cả những vòng đàm phán TPP vốn đang bị bế tắc.
Quá khó khăn đến mức đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, lại phải đối phó đủ chuyện với ông bạn “Bốn Tốt” Trung Quốc, cộng thêm khung cảnh nội tình không mấy thuận hòa, chưa bao giờ giới lãnh đạo Việt Nam rơi vào thế đáng cảm thán như hiện nay, nếu tính từ năm 1975. Khó khăn kinh tế và bất ổn xã hội lại tỉ lệ nghịch với biểu đồ tự tin và quyền năng của chính thể, hay nói cách khác là nghịch đảo với thái độ “tự kiêu cộng sản”. Đây cũng chính là quy luật kinh tế quyết định chính trị mà bất cứ một nhà nước nào cũng không thoát khỏi, đặc biệt là đối với những nhà nước không bao giờ nghĩ được điều gì tốt hơn là thể chế một đảng.
Chỉ còn cách lý giải duy nhất theo cách phải hội nhập và tốt nhất là hòa nhập với những gì đáng hòa nhập để cứu vãn tình thế tập thể và cả tình trạng cá nhân. Đó là lý do vì sao mối hy vọng về “đối tác chiến lược toàn diện” với người Mỹ được giới lãnh đạo Việt Nam mong đợi như một gia cố mạnh mẽ nhất giúp giữ thăng bằng cho con thuyền chính thể đang có nguy cơ bị lật úp.
Bởi thế, khác với thái độ khá “kiên định” vào năm 2012, từ giữa năm 2013 đến nay có nhiều dấu hiệu cho thấy ngay cả trường phái “thân Trung Quốc” ở Việt Nam cũng bị dao động, trong khi quan điểm “thân thiện với phương Tây” ngày càng tỏ ra lấn lướt hơn. Sự kiện thả đến 5 tù nhân chính trị trong thời gian qua chính là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất cho xu hướng đó, và cho thấy cả vấn đề mối tương quan lực lượng chính trị trong đảng đang có những biến động ngầm chuyển.
Còn nếu nhìn theo cách của CPJ – Tổ chức quốc tế Bảo vệ nhà báo – hẳn Nhà nước Việt Nam đang thực hiện chủ trương “đổi nhân quyền lấy viện trợ”.
Như vậy theo anh có thể hy vọng sắp tới sẽ còn những đợt thả tù nhân chính trị khác?
Có thể và cũng có cơ sở cho hy vọng ấy.
Đồ thị biểu diễn bắt/thả ở Việt Nam đang biến diễn khá khác biệt từ năm 2012 đến nay. Nếu vào năm 2012, chính quyền bắt đến gần 50 người bất đồng chính kiến, thì năm 2013 chỉ bắt có ba người, còn quý đầu năm 2014 chỉ bắt có một người. Ngược lại, năm 2013 là thời điểm có thể được coi là trung hòa giữa đường biểu diễn bắt và đường biểu diễn thả. Còn đầu năm 2014 đang chứng kiến xu thế “xuất kho” lấn áp cơ chế “nhập kho”.
Tình hình đó cho thấy có hy vọng là cùng với sức ép liên tục của cộng đồng quốc tế và đặc biệt từ phía Hoa Kỳ, Nhà nước Việt Nam rốt cuộc sẽ thể hiện sự tôn trọng hơn với điều mà họ thường nhắc đi nhắc lại là “luôn quan tâm và bảo đảm quyền con người”.
Đợt thả tù nhân chính trị lần này có thể vẫn chưa kết thúc, và vẫn còn một, hai tù nhân khác có thể được phóng thích trong những ngày tới. Trong những ngày qua đã có tin hành lang về việc một tù nhân đặc biệt – “linh mục bị bịt miệng tại tòa” Nguyễn Văn Lý đã được “gợi ý” cho tự do. Chỉ có điều, hình như người ta vẫn đang giằng kéo ông linh mục này nhằm định hướng “xuất ngoại” cho ông, tương tự như đối với luật sư Cù Huy Hà Vũ. Cũng có thông tin người Mỹ đang đặc biệt quan tâm đến trường hợp của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, luật sư công giáo Lê Quốc Quân và cả nhóm Việt Khang…
Nhưng có thể đây mới chỉ là đợt thả đầu tiên của năm 2014. Tôi tin là giữ Nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ đã xác lập một lộ trình nào đó cho việc phóng thích tù nhân lương tâm trong năm 2014 này. Việc đó là có thể dự đoán được.
Tuy nhiên, điều làm tôi khá ngạc nhiên là chính quyền lại quyết định thả Nguyễn Tiến Trung.
Vì sao, thưa anh?
Khác với Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung là một người trẻ khỏe. Tôi được nghe kể là trong những ngày trong tù, Trung vẫn tập tạ và học ngoại ngữ không ngơi nghỉ. Ý chí sắt thép như thế cho thấy Trung vẫn là một người hoạt động sôi nổi. Mà như vậy thì đối với Nhà nước, Nguyễn Tiến Trung thuộc loại “nguy hiểm”. Thế nhưng một khi chính quyền chấp nhận thả Trung có nghĩa là họ đã phải thể hiện một bước nhượng bộ đáng kể trước cộng đồng quốc tế. Đó là một biểu hiện rất có ý nghĩa trong phân tích và dự đoán về tương lai đối ngoại và chính trị đối nội trong thời gian tới.
Tương lai ấy có ý nghĩa như thế nào đối với chính quyền Việt Nam?
Nếu nói về tương lai trong ngắn hạn, xin thành tâm chúc mừng Nhà nước Việt Nam! Cuối cùng, họ đã chứng tỏ một chút thành tâm chính trị và đang đặt một chân qua khe cửa hẹp của Hiệp định TPP. TPP có thể được cấp cho Việt Nam ngay trong năm 2014 này. Thậm chí nếu khả quan hơn, sân bay quốc tế Nội bài còn có cơ hội để đón tiếp Tổng thống Obama, tương tự chuyến viếng thăm của người đứng đầu nước Mỹ đến Miến Điện vào cuối năm 2012.
Xin vô cùng cám ơn nhà báo Phạm Chí Dũng đã dành cho Thụy My phần bình luận về sự kiện Việt Nam thả hai tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi.