Sách sử nói quá ít về Trường Sa, Hoàng Sa
( theo tuoitre )
22/03/2014 08:11 (GMT + 7)
TT - Đó là phản ảnh của nhiều học sinh tại buổi đối thoại sáng 21-3, giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với 150 học sinh đại diện cho học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.
Trực tiếp đối thoại với học sinh là các ông Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc Sở GD-ĐT, cùng trưởng, phó phòng chuyên môn của sở.
Vừa khô, vừa thiếu
"Sở GD-ĐT nên tổ chức cho chúng em được trải nghiệm thực tế bằng một chuyến đi Trường Sa, Hoàng Sa để chúng em cảm nhận, học tập và tự hào hơn về lịch sử dân tộc"
Trần Thiên An (học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)
|
Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Hoài Chương gợi ý: “Buổi đối thoại hôm nay sẽ không hạn chế về nội dung. Các em có thể nêu suy nghĩ của mình về tất cả vấn đề liên quan tới chuyện học tập, sinh hoạt, rèn luyện, đến những vấn đề mang tính thời sự hiện nay”.
Đáp lời ông Chương, học sinh Cao Thanh Liêm, Trường Thiếu sinh quân, phát biểu: “Học sinh chúng em đều ý thức là lịch sử rất quan trọng nhưng chương trình quá khô khan. Ở một số trường còn thiếu trang thiết bị dạy học và ít tổ chức các hoạt động ngoại khóa về môn sử nên học sinh không hứng thú với môn học này. Đã vậy, những sự kiện hấp dẫn mà chúng em quan tâm như: hải chiến Trường Sa, bãi đá Gạc Ma... lại không có trong sách giáo khoa”.
Tương tự, Lưu Yến Bình, Trường THPT Trường Chinh, phản ảnh: “Chương trình lịch sử hiện nay vẫn còn thiếu nhiều kiến thức mà học sinh chúng em cần biết. Như các nội dung về Hoàng Sa, Trường Sa sách giáo khoa nói quá ít”. Thái Anh, học sinh Trường THPT An Đông, cũng thắc mắc: “Tại sao sách giáo khoa môn sử không nói gì về chiến tranh biên giới phía Bắc?”.
Ngoài những “chứng cứ” rằng môn sử không hấp dẫn học sinh, nhàm chán và nặng nề nên ít học sinh yêu thích, các đại biểu dự buổi đối thoại còn nêu bức xúc. “Chương trình các môn bậc THPT bắt chúng em phải học lý thuyết quá nhiều, cần tăng cường thực hành nhiều hơn” - Mai Trân, Trường THCS - THPT Trí Đức, đề nghị. Tiếp theo đó là hàng loạt ý kiến của đại diện học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Bình Phú, Trường THPT Bình Khánh yêu cầu Sở GD-ĐT cần tăng thêm giờ học về kỹ năng sống cho học sinh như: kỹ năng ứng phó với tai nạn, kỹ năng hòa nhập vào môi trường mới, kỹ năng vượt qua những thử thách của cuộc sống..., cần tăng thêm các chương trình cho học sinh trải nghiệm thực tế chứ đừng dạy kỹ năng sống bằng các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề chung chung, sau khi về nhà là quên hết.
Trả lời các câu hỏi của học sinh, ông Nguyễn Hoài Chương thừa nhận chương trình phổ thông hiện nay nặng nề và mang tính hàn lâm. Tuy nhiên, ông cũng “bật mí” về định hướng giáo dục trong thời gian tới là tích hợp, giải quyết vấn đề bằng kiến thức liên môn: “Thầy là “dân” toán nhưng thầy xin khẳng định thầy dùng rất nhiều kiến thức về lịch sử, địa lý trong cuộc sống. Do vậy các em đừng coi thường hai môn này. Thầy không chê trách việc các em có định hướng thi đại học khối A, khối B, các em không đăng ký thi tốt nghiệp môn sử, địa. Nhưng học lệch là điều không thể chấp nhận bởi nó khiến tâm hồn, khả năng chúng ta bị què quặt. Sự thành công trong cuộc sống, ngoài kiến thức chuyên môn, chúng ta phải cần thêm rất nhiều kiến thức phụ” - ông Chương giải thích.
Mới lớp 10 đã phải học triết
Được xem là một trong những đại biểu có ý kiến dài nhất buổi đối thoại, Phạm Thái Tiểu My, lớp 11A1 Trường THPT Bình Khánh, cho biết: “Mới lớp 10, chúng em đã phải học về triết học trong môn giáo dục công dân. Tại sao ngành giáo dục không đưa môn học này về đúng với vị trí của nó là giáo dục con người? Thời gian qua có học sinh nữ phải nghỉ học vì có thai, có học sinh đâm chém nhau... tình trạng này có phải lỗi do môn giáo dục công dân chưa thực hiện đúng nhiệm vụ của nó không?”.
Tiểu My cũng “đặt hàng”: “Em được biết khi chọn môn thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều bạn trong nội thành đã chọn thi tiếng Anh. Thế nhưng ở Cần Giờ thì ngược lại. Thậm chí, nhiều bạn còn liệt môn tiếng Anh là môn học sinh Cần Giờ sợ nhất. Em mong rằng Sở GD-ĐT quan tâm hơn đến việc dạy và học tiếng Anh ở Cần Giờ, đồng thời đầu tư nhiều hơn cho môn học này”. Trong khi đó Nguyễn Hữu Thái Anh, học sinh Trường THPT An Đông, đặt câu hỏi: “Việc dạy và học tiếng Anh ở TP đã đi đúng hướng chưa? Bởi trên thực tế, hầu hết các bạn học giỏi tiếng Anh đều phải học thêm ở trung tâm ngoại ngữ”.
Tại buổi đối thoại, nhiều học sinh đã trình bày mong ước về giáo dục trong tương lai như: đưa môn học kinh tế, nghệ thuật vào nhà trường; giáo dục ý thức công dân cho học sinh ngay từ bậc mầm non... Nói như một học sinh Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý: “Việc giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh hiện đã có nhưng chỉ dừng lại ở mức cơ bản. Em mong chương trình học sẽ có nhiều nội dung về văn hóa VN. Ví dụ như chén nước mắm của người Việt ta cũng chứa đựng cả một nền văn hóa trong đó. Những chi tiết này dù nhỏ nhưng tạo sự thú vị cho học sinh chúng em”.
HOÀNG HƯƠNG
Quy chế thi thay đổi nhanh và bất ngờ quá
Nhiều ý kiến của học sinh tập trung vào quy chế thi cử, trong đó có việc bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH, cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT, tầm quan trọng của môn tiếng Anh trong thời đại hội nhập nhưng Bộ GD-ĐT lại không đưa môn tiếng Anh là môn bắt buộc khi thi tốt nghiệp THPT... Có học sinh ở Trường THPT Trường Chinh lo lắng: “Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay thay đổi nhanh và bất ngờ quá, năm sau có thay đổi nữa không?”. Có học sinh còn đề nghị gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một để đỡ mất sức: “Vì trước sau gì học sinh cũng chỉ thi một khối thi”.
|