Xung đột quân sự trên Biển Đông: Hãy định giá đúng!
(Bình luận quân sự) - Nếu như có xung đột quân sự trên Biển Đông thì kẻ bị thảm họa không lường trước được chắc chắn không phải là Việt Nam.
Vài chục chiếc máy bay, tàu chiến Trung Quốc diễu võ dương oai xung quanh giàn khoan hạ đặt phi pháp trong thềm lục địa và EEZ của Việt Nam có vẻ như để sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự với Việt Nam, có vẻ như Biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc mà dựa vào Hạm đội Nam Hải đằng sau, họ có thể đưa giàn khoan HD 981 hay “hàng trăm giàn khoan vào Biển Đông” như tướng diều hâu La Viện hô hào, vào nơi nào họ muốn mà không phải trả giá.
Đừng đánh giá quá cao về con số như, 30 vạn quân, 60 vạn quân; trăm tàu tên lửa, khu trục, tàu ngầm vân vân. Những con số này không có ý nghĩa gì với Việt Nam, một dân tộc đã từng, đã quen “lấy ít địch nhiều” trên trận mạc.
Biển Đông không phải của riêng ai!
Trung Quốc và Nhật Bản đều có tuyến hàng hải trùng nhau, đồng thời tuyến hàng hải cũng là con đường quyết định sự sống còn của 2 nền kinh tế này, do đó cũng là sự sống còn của an ninh 2 quốc gia Trung, Nhật.
Chiếm hết Biển Đông để khống chế được tuyến hàng hải có nghĩa tham vọng này của Trung Quốc đã đụng chạm đến Nhật Bản, uy hiếp nhiều nhất đến an ninh Nhật Bản.
Senkaku với Nhật Bản không quan trọng bằng Biển Đông về lợi ích chiến lược. Nếu mất Biển Đông về tay Trung Quốc, Nhật Bản sẽ bị Trung Quốc ép mạnh ở Hoa Đông và đòn phong tỏa tuyến hàng hải trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ khiến cho Nhật Bản rơi vào tình cảnh lựa chọn khắc nghiệt một mất một còn. Nhật Bản sẽ chọn Sekaku hay an toàn hàng hải trên Biển Đông?
Vì vậy trên Biển Đông, Trung Quốc muốn chiếm trọn là điều không thể chấp nhận được đối với Nhật Bản. Biển Đông, trước tiên là nơi đụng độ, đối đầu chiến lược của 2 cường quốc khu vực là Nhật Bản và Trung Quốc mà đã, đang bắt đầu bằng một cuộc chiến địa chính trị quyết liệt trên khu vực ĐNA.
Nhìn vào các tuyến hàng hải sống còn của các quốc gia liên quan từ Trung Đông, Ấn Độ Dương qua Biển Đông đến Đông Bắc Á-TBD, chúng ta đều nhận thấy, nếu như có xung đột quân sự xảy ra trên Biển Đông thì tuyến hàng hải thương mại, năng lượng sẽ bị gián đoạn, cắt đứt là điều không tránh khỏi. Hai cường quốc khu vực châu Á-TBD là Trung Quốc và Nhật Bản có hai nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến hàng hải này sẽ bị điêu đứng đầu tiên.
Ngay với Australia, tưởng như miễn nhiễm với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng hơn 2/3 hàng hóa xuất khẩu và ? nhập khẩu cũng đều phải qua tuyến hàng hải Biển Đông, trước việc Trung Quốc hung hăng hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam khiến nguy cơ xung đột quân sự xảy ra cũng đang vô cùng lo ngại và dư luận trong nước đang đòi phải chơi rắn với Trung Quốc… là đủ hiểu Biển Đông không phải của riêng ai.
Hãy tưởng tượng nếu một khi quốc gia nào đó khống chế được hoặc bị gián đoạn hay bị cắt đứt do xung đột quân sự thì cục diện kinh tế , chính trị khu vực Châu Á-TBD sẽ ra sao.
Vì thế, tự do, an toàn hàng hải trên Biển Đông luôn là vấn đề đặt ra cấp bách với mọi quốc gia liên can. Không những thế đây là vấn đề thuộc “lợi ích quốc gia” sống còn của các bên có tuyến hàng hải.
Xung đột quân sự trên Biển Đông nghĩa là…như thế nào?
Có lẽ trên báo Đất Việt, tên tuổi của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, viên tướng đánh thủy giỏi nhất dưới thời Trần Hưng Đạo đã hiện lên không ít lần. Đoàn thuyền chiến của Trần Khánh Dư trong trận đầu đối đầu với hơn 500 thuyền chiến của Ô Mã Nhi đã thất bại nhưng trận tiếp theo, lợi dụng đoàn thuyền chiến Ô Mã Nhi đang hăm hở tiến về Thăng Long, Trần Khánh Dư tập hợp lực lượng nhấn chìm toàn bộ đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ. Đây là đòn cực hiểm, một thắng lợi mang tầm chiến lược khiến quân Nguyên Mông phải rút chạy và chiến thắng Bạch Đằng đã lưu danh vào lịch sử.
Trên Biển Đông, “đoàn thuyền lương” hay dòng hàng hóa khổng lồ của Trung Quốc, Nhật Bản của Australia…luôn rất tấp nập trên tuyến hàng hải “cắt mặt Việt Nam” mà ngay Trung Quốc cũng coi như “đường sinh mạng” của mình.
Ngày nay một cuộc đối đầu giữa 2 quốc gia với nhau không chỉ đơn thuần là dùng các đòn quân sự mà dùng đòn kinh tế còn đánh sập đối phương nhanh hơn, hiệu quả hơn đòn quân sự rất nhiều. Cấm vận, trừng phạt, phong tỏa…đã làm cho không ít quốc gia điêu đứng, tan rã, mà ngay cường quốc quân sự như Nga hiện giờ cũng phải lo sợ. Người ta có thể trốn tránh được tên lửa, bom đạn nhưng khi bị đói rét, đói khát thì trốn, tránh nơi đâu cũng không thể thoát .
Hãy xem tuyến hàng hải của các tàu thương mại, vận chuyển năng lượng mà Trung Quốc cần phải bảo vệ an toàn (có viền đỏ bao quanh).
|
Với một tuyến hành lang dài và xa căn cứ như vậy thì về nguyên tắc Trung Quốc phải phân tán lực lượng để bảo vệ, đó là chưa nói đến nghệ thuật phân tán lực lượng địch của Việt Nam buộc Trung Quốc phải phân tán.
Nếu xung đột quân sự trên Biển Đông xảy ra, với nhãn quan quân sự của mình, tôi cho rằng Việt Nam không dại gì dốc hết lực lượng để đối đầu một trận với PLAN mà nhằm vào các tử huyệt của địch trên tuyến hàng hải để kéo căng lực lượng địch, tạo điều kiện cho ta thực hiện các đòn đánh khác…
Chỉ ngay vụ giàn khoan HD 981, đối đầu với tàu Kiểm Ngư và CSB Việt Nam mà Trung Quốc cứ tăng dần lực lượng từ 80 nay lên đến 134 tàu chiến máy bay thì liệu Trung Quốc có mấy chục Hạm đội Nam Hải để phủ kín Biển Đông?
Với tư tưởng tác chiến đó, thì Cam Ranh hay đúng ra là lực lượng hải quân, không quân tinh nhuệ hiện đại của Việt Nam tại căn cứ Cam Ranh sẽ như một thanh kiếm sắc lẹm cận kề trong gang tấc các tử huyệt của tuyến hàng hải quan trọng này.
Chúng ta không chủ quan, duy ý chí, để khẳng định thắng hay bại khi đối đầu với một lực lượng hải quân, không quân hùng hậu, hùng mạnh của đối phương, nhưng để cắt đứt hay làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ vận chuyển qua Biển Đông thì chắc chắn không khó với lực lượng hiện có tại Cam Ranh.
Bất kỳ tuyến hàng hải nào cũng đều buộc phải“qua mặt” Cam Ranh
|
Nếu như tại eo biển Malacca, Malaysia chỉ cần vài quả thủy lôi và pháo binh tầm xa là phong tỏa được yết hầu này thì với Cam Ranh, khó hơn một chút nhưng, chỉ cần một lực lượng máy bay tiêm kich bom, máy bay diệt hạm…xuất phát từ những sân bay gần như là sát với tuyến hàng hải là chúng đủ sức thực hiện nhiệm vụ.
Trung Quốc gây xung đột quân sự trên Biển Đông nếu chỉ đơn thuần là đánh chiếm mấy hòn đảo thì đó mới chỉ là khó khăn ban đầu và Trung Quốc muốn chiến cuộc hạn chế trong phạm vi đó thôi thì hộ đã đánh giá quá thấp ý chí, bản lĩnh của dân tộc Việt. Đừng hoang tưởng!
Tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa, chỉ cần có đủ cơm, muối và nước uống là Việt Nam đánh giặc đến khi nào thắng thì thôi, mà những thứ đó Việt Nam bây giờ không thiếu, không giống như thập kỷ 80. Còn Trung Quốc, tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa trên nền tảng một nội bộ bất ổn, lòng dân không thuận thì nước loạn chỉ là vấn đề thời gian.
Xung đột quân sự xảy ra trên Biển Đông là vậy đó. Đừng dại dột đem búa thử kính.
- Lê Ngọc Thống (cọp từ http://baodatviet.vn/)