Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Báo Trung Quốc: Nhật Bản lôi kéo Việt Nam chống Trung Quốc

GDVN) - "Nhật Bản không chỉ tăng cường phòng thủ hướng tây nam, mà còn gia tăng can thiệp vấn đề Biển Đông, lôi kéo Philippines, Việt Nam đối phó Trung Quốc".
Máy bay trực thăng trinh sát (do thám) không người lái tiên tiến do Nhật Bản tự sản xuất
Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc ngày 2 tháng 7 đưa tin, ngày 1 tháng 7 là ngày kỷ niệm tròn 60 năm thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chọn ngày này để dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể. 
Thực hiện quyền này, có nghĩa là, khi quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản bị nước khác tấn công vũ lực thì Nhật Bản có quyền sử dụng vũ lực tiến hành can thiệp và ngăn chặn. 
Nghị quyết mới do Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra 3 điều kiện cần thiết sử dụng vũ lực là: Nhật Bản bị tấn công vũ lực và nước có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản bị tấn công vũ lực, sự tồn vong của Nhật Bản bị đe dọa, tính mạng, tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc của người dân bị đe dọa căn bản và rõ ràng. 
Để loại bỏ những nguy cơ trên, bảo đảm sự tồn vong của Nhật Bản và bảo vệ nhân dân, không có biện pháp thích đáng khác. Sử dụng vũ lực giới hạn ở mức độ cần thiết nhỏ nhất.
Báo Trung Quốc cho rằng, những điều kiện này không rõ ràng, đem lại khả năng mở rộng giải thích cho Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản có thể tiến hành “đánh đòn phủ đầu”, sử dụng vũ lực khi bản thân còn chưa bị xâm lược. Đây là một bước chuyển ngoặt mang tính lịch sử trong chiến lược phòng vệ của Nhật Bản.
Máy bay trực thăng trinh sát không người lái tiên tiến nội địa của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản
Bài báo coi đây là “chính biến Hiến pháp”. Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng “giải thích Hiến pháp” thay cho “sửa đổi Hiến pháp” để thực hiện quyền tự vệ tập thể, đơn giản hóa trình tự, rút ngắn thời gian, đã đem lại tiện lợi rất lớn cho Nhật Bản thoát khỏi thể chế sau Chiến tranh, trở thành quốc gia bình thường.
Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể hoàn toàn không phải là một sự kiện độc lập, mà là khâu quan trọng của “Học thuyết quân sự Abe”. Ngày 1 tháng 4 năm 2014, nội các Nhật Bản cũng đã thông qua “Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ”, nới lỏng điều kiện xuất khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự, thực ra là đã từ bỏ “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”.
Bài báo cho rằng, Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, không nghi ngờ gì nữa, nó có ý vị sâu xa.
Trước hết, theo bài báo, tham vọng chính trị của ông Shinzo Abe và chính khách cánh hữu Nhật Bản là động lực nội tại để Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể. Từ khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền, đối mặt với xu hướng suy yếu trong phát triển tự thân của Nhật Bản và sự phát triển nhanh chóng của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản trở nên “mất cân bằng” tâm lý và khơi dậy “tham vọng nước lớn”.
Máy bay trực thăng do thám không người lái tiên tiến của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản
Bài báo tuyên truyền, ông Shinzo Abe có ý xấu “bôi son trát phấn lịch sử xâm lược”, mục đích ở chỗ lấy lại vinh quang trước đây của Nhật Bản, tăng cường tinh thần dân tộc của Nhật Bản. 
Sửa đổi Hiến pháp là một tâm nguyện cũ của bản thân ông Shinzo Abe, phương hướng mục tiêu chính là để Nhật Bản thoát khỏi các loại ràng buộc, trở thành quốc gia bình thường phát triển mạnh mẽ thực lực quân sự của mình.
Nhưng, theo bài báo, do hiện nay quốc tế và trong nước còn chưa hình thành môi trường có lợi cho Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp, ông Shinzo Abe buộc phải chuyển sang lấy dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể làm khâu đột phá, thông qua sửa đổi giải thích Hiến pháp, mở đường cho sửa đổi triệt để Điều 9 Hiến pháp trong tương lai.
Thứ hai, theo bài báo, sự thúc đẩy lúc công khai lúc âm thầm của Mỹ là động lực bên ngoài để Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể. Hiện nay, Mỹ đang ra sức thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, đã nới lỏng nhất định tay chân của Nhật Bản, đương nhiên phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Nhưng, bài báo tuyên truyền chia rẽ cho rằng, nhìn về lâu dài, Nhật Bản trước sau có phát triển theo con đường mà Mỹ thiết kế hay không là điều rất đáng nghi ngờ. Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể không chỉ là để phục vụ cho Mỹ, mà còn có tính toán sâu xa hơn. Nhật Bản có tham vọng thoát ly đồng minh Nhật-Mỹ, tìm cách tự chủ phát triển hay không là điều không ai dám khẳng định.
Thứ ba, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc là mục tiêu căn bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản. Từ khi Trung Quốc và Nhật Bản triển khai “đánh cờ chiến lược” về vấn đề quy thuộc chủ quyền đảo Senkaku và các đảo lân cận đến nay, Nhật Bản không còn che giấu gì về ý đồ chiến lược – toàn lực bao vây Trung Quốc về cả ngoại giao và an ninh.
Bài báo cho rằng, Nhật Bản không chỉ tiến hành điều chỉnh quân sự, chuẩn bị vũ lực trên hướng các đảo ở tây nam, coi Trung Quốc là đối tượng để tăng cường các loại diễn tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, mà còn gia tăng mức độ can thiệp vào các vấn đề như Biển Đông, có ý đồ lôi kéo các nước như Philippines, Việt Nam đối phó Trung Quốc. Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, không còn nghi ngờ gì nữa, đã cung cấp cho họ “thẻ bài chiến lược” tiến hành kiềm chế Trung Quốc về quân sự.
Báo chí Trungn Quốc dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam vào đầu năm 2015
 (http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Bao-Trung-Quoc-Nhat-Ban-loi-keo-Viet-Nam-chong-Trung-Quoc-post146908.gd)