Người Việt Nam chém gió trong nước rất giỏi
Theo Nguyên Thao – Vneconomy – 27 Aug 2015
“Người Việt Nam chém gió trong nước rất giỏi. Lãnh đạo còn chém
gió giỏi hơn bọn tôi. Nhưng ra nước ngoài thì hầu hết là im hơi lặng
tiếng, chứ mấy ai thể hiện được”, TS. Võ Trí Thành phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015, ngày 27/8.
Cũng như nhiều vị khác, ông Thành khá hào hứng với chủ đề “Kinh tế Việt Nam: Hội nhập và phát triển bền vững” của diễn đàn.
“Tôi thực sự cảm kích tham dự diễn đàn này, vì cứ về Hà Nội là chỉ
nghe hỏi có hai câu là tỷ giá sắp tới là bao nhiêu và ai sẽ là lãnh đạo
của đất nước”, ông Thành nói.
Khu vực công mới đáng lo
Nhận xét “chém gió” được TS. Võ Trí Thành nêu ra sau khi nhấn mạnh sâu xa của câu chuyện chủ động hội nhập chính là con người.
Và đã đến lúc, Việt Nam phải tham gia xây dựng luật chơi và phải cài người vào được các tổ chức quốc tế.
Thế nhưng theo ông, nỗi lo chính là người Việt Nam chỉ giỏi “chém gió” trong nước.
Dẫn lại con số chỉ khoảng 30% doanh nghiệp hiểu đôi chút về hội nhập,
ông Thành cho rằng với công chức tỷ lệ này còn thấp hơn 30%.
Bởi vậy, lo ngại đặt ra không phải với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp
cạnh tranh cùng lắm là “chết” (có thể “chết” một lúc 100.000 doanh
nghiệp, nhưng sau đó sẽ có 200.000 doanh nghiệp mới mọc lên). Còn công
chức, nhà nước không cạnh tranh được thì cũng không cho… “chết” được.
“Tôi không lo cho doanh nghiệp bằng lo cho khu vực công, vì doanh
nghiệp có công cụ điều chỉnh bằng thị trường, còn khu vực công thì sức
nào điều chỉnh được? Đó là sức ì lớn nhất khi hội nhập”, ông Thành nhấn
mạnh.
Vào WTO là bài học rất lớn
Không còn ở vị trí đề dẫn tổng quan như mọi diễn đàn khác, Viện
trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tham gia thảo luận khá dài.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, ông Thiên cùng quan điểm với TS. Nguyễn
Đình Cung và nhiều vị khác là Việt Nam đàm phán thì tốt, nhưng khi hội
nhập thực sự thì có vấn đề.
“Bác Tuyển (nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển – PV) có
lần nói là “thằng đàm phán cứ đàm phán còn ở nhà chẳng chuẩn bị gì cả.
Còn anh Cung (Viện trưởng CIEM – PV) đã thể hiện thực tế rất chua chát
của Việt Nam là việc chuẩn bị năng lực hội nhập rất là kém”.
“Chủ động hội nhập là nói cho vui thôi, còn chỉ có mấy ông đàm phán cứ hì hục đàm phán”, ông Thiên nhìn nhận.
Việc gia nhập WTO, theo Viện trưởng Thiên là bài học rất lớn, khi
Việt Nam vào biển lớn trời cao, nhưng năng lực thị trường không có, cạnh
tranh không có, nên cơ hội lại biến thành thách thức. Mà một trong
những biểu hiện là Việt Nam đã không đỡ được dòng tiền chảy vào thị
trường nhiều quá, nên lạm phát.
Thuyền thúng chẳng thể nào ra khơi
“Tại sao từ khi vào WTO thì Nhà nước phải chống đỡ nhiều hơn, xu thế
hành chính hóa nền kinh tế, phân tán quyền lực lại tăng lên? Cần kiểm
điểm nghiêm khắc và nghiêm túc”, ông Thiên nói.
“Vậy lần này chuẩn bị năng lực hội nhập đến đâu, hạm đội thuyền thúng
ra khơi thế nào? Có khi còn tệ hơn lần trước ấy chứ không phải hay hơn
đâu”, ông lo ngại.
Theo Viện trưởng Thiên, triển vọng gặt hái được cơ hội từ hội nhập là
thấp. “Với lực lượng thế này chúng ta hội nhập thế nào, thì nên trả lời
nghiêm khắc, nghiêm túc, chứ chơi với thế giới mà cứ ôm hôn, sau đó lại
quại nhau thì không được”, ông bày tỏ quan điểm.
Bàn về bước đi sắp tới, ông Thiên cho rằng mọi nỗ lực phải nhằm vào
hệ thống doanh nghiệp mà trụ cột phải là tập đoàn lớn, còn chỉ có doanh
nghiệp nhỏ thì hạm đội thuyền thúng không thể nào ra khơi được.
Vấn đề nữa được vị chuyên gia này nhấn mạnh là hội nhập của Việt Nam
khó nhất là bài toán với Trung Quốc. Khi mà công nghệ lạc hậu hàng hóa
thừa họ chuyển sang ta, còn ta thì dễ dàng nhập và sử dụng thì liệu có
phát triển được không?
Bàn thêm về chủ động chính sách trong hội nhập – vấn đề được nhiều vị
đề cập, ông Thiên bình luận, từ trước đến nay ta có chủ động, nhưng là
chủ động đánh cờ nước một, đến đâu hay đến đó chứ chưa chủ động từ tầm
nhìn. Nói chủ động chỉ là an ủi, ông thẳng thắn.
Ôm lấy Trung Quốc là ôm lấy bất ổn!
Theo P Nhung – Báo Người Lao Động – 27 Aug 2015
Theo TS Trần Đình Thiên, trước diễn biến xấu của nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua, nhất là động thái điều chỉnh phá giá đồng nhân dân tệ thì về ngắn hạn, Việt Nam được thụ hưởng hàng hoá giá rẻ.
Nhưng cần cảnh báo là tình hình này chứa đựng nguy cơ thích hàng rẻ,
thích hàng hoá đẳng cấp thấp của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Thiên,
cấu trúc công nghiệp dựa vào đầu vào từ Trung Quốc hoàn toàn không tốt
và diễn biến gần đây có thể là cơ hội để chúng ta thay đổi cấu trúc.
“Cũng như sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trước đây là cơ hội để
chúng ta thay đổi thị trường. Nhưng ngược lại, chúng ta vẫn ôm chặt lấy
cơ cấu cũ. Vậy làm sao thoát được cơ cấu này? Cần lưu ý là nền kinh tế
Trung Quốc trong tương lai dự kiến là xu hướng xấu đi, bài ca oai hùng
không còn vang như ngày xưa. Một nền kinh tế bất ổn mà chúng ta ham rẻ ôm lấy tức là ôm lấy cái bất ổn” – TS Trần Đình Thiên thẳng thắn nói.
TS Thiên cũng nhấn mạnh là Trung Quốc đang trong giai đoạn
chuyển đổi cấu trúc kinh tế. Mà muốn thay đổi cấu trúc kinh tế thì họ
phải tìm cách “di” cấu trúc cũ đi hoặc đào hố chôn nó. “Vậy cái hố đó ở
đâu? Họ có thể chuyển sang Việt Nam. Việt Nam cần theo nguyên lý chung
là không nên tiếp nhận cơ cấu cũ của họ bởi vì họ cũng không cao lắm, họ
bỏ đi mà mình xài thì được cái lợi là rẻ nhưng lại mất đi vài chục năm
phát triển” - ông Thiên cảnh báo.
TS Thiên cho rằng về cơ bản, Việt Nam cần tái cấu trúc đuợc, đồng thời, cố gắng hướng đến những mục tiêu với tầm nhìn dài hơn.
(https://www.blogger.com/blogger.g?blogID=4037257684025536948#editor/target=post;postID=5308594422441041313)