Một Ý Kiến Về Lịch Sử.
Nguyễn Gia Kiểng
Cuốn Tổ Quốc Ăn Năn đã gây thảo luận sôi nổi ngay sau khi ra mắt. Đối
với một cuốn sách chính luận vào thời điểm này, một sự tiếp thu như vậy
phải coi là may mắn. Nhưng điều may mắn hơn là nó đã được đón nhận rất
nồng hậu ở trong nước. Điều mà tác giả của nó không ngờ là những đánh
giá thuận lợi đã rất đông đảo, dĩ nhiên bên cạnh một số ý kiến phản bác.
Nhiều ý kiến, nhất là các ý kiến phản bác, đã tập trung vào phần lịch
sử, nhưng vào một vài nhân vật lịch sử, như Nguyễn Huệ, và vào mức độ
chính xác của những dữ kiện lịch sử đằng nào cũng không bảo đảm là chính
xác trong hoàn cảnh nước ta. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy có thảo luận về
một cách nhìn lịch sử, hay, nếu độc giả không phê phán là dùng ngôn ngữ
kênh kiệu, một triết lý về lịch sử, trong khi đó là điều mà cuốn sách
chuyên chở và cũng đáng được thảo luận.
Thế nào là một triết lý về lịch sử ?
Một cách giản dị đó là sự suy nghĩ trong chiều sâu về cách tạo thành
của lịch sử và ý nghĩa của nó đối với cộng đồng mà nó diễn tả theo dòng
thời gian.
Người Việt Nam nói chung không đặt vấn đề triết lý của
lịch sử. Hình như đối với chúng ta lịch sử chỉ là sự nối tiếp nhau một
cách không qui luật của các biến cố. Mặt khác chúng ta cũng chỉ coi là
biến cố lịch sử những cuộc chiến tranh, những tranh giành quyền lực,
những thay đổi chính quyền. Cho tới một ngày rất gần đây sử Việt Nam và
Trung Quốc còn ghi chép cả những việc làm đôi khi không có tầm quan
trọng nào đối với xã hội của các vua chúa. Đó là vì chúng ta đã chấp
nhận từ hàng ngàn năm trước một triết lý giản đơn phủ nhận lịch sử,
triết lý tuần hoàn, còn gọi là ''Kinh Dịch'', theo đó cả vũ trụ lẫn cuộc
sống chỉ xê dịch qua lại trong một giới hạn nhỏ hẹp. Thịnh rồi lại suy,
hết trị rồi đến loạn, lập rồi lại phế, cũng như cây cỏ ra lá trổ bông
mùa xuân rồi tàn đi với mùa đông để rồi lại hồi sinh trong mùa xuân tới.
Với một triết lý như vậy thì không làm gì có lịch sử đúng nghĩa bởi vì
không có thay đổi và chuyển động, mà chỉ có những giao động vụn vặt tuần
hoàn, như khu rừng thay cây đổi lá nhưng vẫn chỉ là khu rừng. Cuối cùng
đâu lại về đó và lịch sử chỉ là địa lý.
Với một triết lý như vậy
thì vấn đề triết lý của lịch sử không đặt ra. Đó chỉ là những biến cố
tình cờ trong biên độ giới hạn, có thể rất mãnh liệt lúc xẩy ra đối với
người đương thời nhưng không thay đổi gì về lâu về dài. Những nguyên
nhân của các biến cố, nếu có, cũng chỉ là những nguyên nhân rất gần. Cho
nên, kết quả của một cuộc chiến là do sự tài giỏi của một chủ tướng,
khi không phải là mệnh trời, mà mệnh trời thì con người làm sao hiểu
được? Triệu Đà đã chiếm được thành Cổ Loa vì Triệu Đà giỏi. Nước ta được
tự chủ vì quân Nam Hán bị đại bại trên sông Bạch Đằng do thiên tài quân
sự của Ngô Quyền. Nhà Trần đánh bại quân Nguyên là nhờ Trần Hưng Đạo.
Nước ta đuổi được quân Minh là nhờ Lê Lợi. Tây Sơn diệt được
Trịnh-Nguyễn nhờ Nguyễn Huệ. Nguyễn Ánh mấy lần đại bại suýt mất mạng là
vì bản lãnh thua xa Nguyễn Huệ, nhưng vẫn sống sót, và sau này khôi
phục được được nhà Nguyễn, thống nhất đất nước là vì dầu sao cũng khá
hơn anh em và con cháu Nguyễn Huệ, v.v. Và chúng ta nói chung thoải mái
với cách giải thích lịch sử giản dị như thế.
Không phải là trong
suốt dòng lịch sử chúng ta không có lúc hoài nghi về quan niệm lịch sử
giản dị đó. Chúng ta đã có quan niệm về Thời, Vận và Thế. Chúng ta đã
nhận xét là có những người rất tài ba mà thất bại vì thất thế trong khi
có những kẻ chẳng ra gì mà vẫn thành công vì gặp thời. Thời thế tạo anh
hùng. Nhưng chúng ta vẫn chưa ra khỏi Kinh Dịch và vì thế vẫn chưa thể
đạt tới một triết lý về lịch sử. Giải thích của chúng ta về các biến cố
lịch sử cuối cùng vẫn là vì đã có những cá nhân đã góp phần quyết định
làm nên lịch sử. Và khi không thể giải thích bằng những nhân vật lịch sử
thì chúng ta giải thích bằng chữ ''Thời'' và tiếng thở dài.
Đạt
tới một sự hiểu biết sâu xa về lịch sử không phải là dễ. Người phương
Tây từ thời cổ Hy Lạp đã có những tư tưởng vượt trội, nhưng sự tìm hiểu
nguyên lý của lịch sử đã đến rất chậm. Có thể nói Hegel là người đầu
tiên đưa ra một lý thuyết về lịch sử. Hegel giải thích lịch sử bằng biện
chứng (dialectic). Nhưng biện chứng là gì? Đó là tiếng mà Plato đặt ra
để chỉ cách lý luận của Socrates. Phương pháp của Socrates là liên tục
nêu ra những mâu thuẫn trong lý luận của người đối thoại, bắt họ phải
giải quyết và dần dần đi tới lý luận đúng. Hegel chấp nhận phương pháp
biện chứng nhưng mở rộng hơn hẳn phạm vi ứng dụng. Khác với Socrates,
Hegel không coi mâu thuẫn chỉ là sự thiếu sót của lý luận được nêu ra
với mục đích sửa chữa lý luận để không còn mâu thuẫn; nói cách khác, mâu
thuẫn là điều được nêu ra chỉ để tìm cách loại bỏ. Hegel coi mâu thuẫn
là cốt lõi của tiến hóa. Khác biệt quan trọng hơn nữa là đối với Hegel
biện chứng không phải chỉ là một phương pháp lý luận mà còn là nguyên lý
của mọi sự vật, cả vũ trụ và nhân sinh. Bất cứ một sự kiện nào cũng chỉ
là một ''đề'' tự nó chứa đựng hoặc làm nẩy sinh ra một ''phản đề''. Đề
và phản đề mâu thuẫn với nhau dẫn đến kết quả là một ''hợp đề'', hay
tổng hợp, chứa đựng những sự thực trong cả ''đề'' và ''phản đề''. Tổng
hợp là sự kết hợp của hai đối kháng (union of opposites) và cũng là phủ
định của chính phủ định (negation of the negation). Ngay khi thành hình,
tổng hợp lại là một đề, làm nảy sinh một phản đề, và biện chứng lại
tiếp tục trong một tiến hóa vô cùng tận. Vạn vật biến hóa như vậy bởi
vì, theo Hegel, có một Tuyệt đối qui định tất cả phải như vậy. Biện
chứng là qui luật của Tuyệt đối. Tuyệt đối này là chân lý toàn vẹn và
mọi sự vật đều thể hiện một phần của chân lý. Triết lý của Hegel như vậy
vừa siêu hình (bởi vì Tuyệt đối của Hegel không khác bao nhiêu Thượng
đế của các tôn giáo) vừa thuần lý (bởi vì không có gì là vô lý cả, mọi
sự đều là một thể hiện một phần và nhất thời của chân lý).
Triết
lý của Hegel thật ra rất phức tạp, nhưng ta có thể tạm tóm lược như vậy
để trình bày triết lý lịch sử của ông. Theo Hegel thì lịch sử không phải
chỉ là một chuỗi của những biến cố ngẫu nhiên mà là sự thể hiện và tiết
lộ dần dần của Tuyệt đối. Từ quan niệm này Hegel rút ra hai hệ luận cơ
bản. Hệ luận thứ nhất là trong mọi quốc gia, ở mọi giai đoạn nhà nước là
thể hiện của Tuyệt đối. Hệ luận thứ hai là mỗi quốc gia hình thành và
mạnh lên đều tự nhiên có phản đề là một quốc gia đối kháng. Hai quốc gia
xung đột với nhau và kết quả là một quốc gia mới lành mạnh hơn được
hình thành, qui tụ những điểm tốt nhất của hai quốc gia xung đột. Quốc
gia mới này cũng sẽ gặp một quốc gia đối nghịch khác và biện chứng cứ
thế mà tiếp tục, mỗi giai đoạn đánh dấu một bước tiến đến sự hoàn chỉnh
theo qui luật của Tuyệt đối.
Kẻ viết bài này hoàn toàn không phải
là một triết gia mà là một người hoạt động đã bị bắt buộc phải tìm hiểu
triết để hiểu những tư tưởng chính trị của thời đại mình. Sự tiếp xúc
với triết cho tôi một nhận định là triết thực ra không phức tạp. Nó
không hề sử dụng một dụng cụ khoa học kỹ thuật tinh vi nào cả. Nhưng
triết vẫn rất khó, khó đến nỗi làm nản lòng đại đa số những người muốn
tìm hiểu nó. Cái khó nhất khi tìm hiểu một tư tưởng triết học là không
biết tác giả khởi hành từ đâu. Nói chung thì trừ môn luận lý (logic) và
môn tâm lý học (psychology), mọi triết gia đều khởi hành từ một xác
quyết cá nhân không có chứng minh. Và nhiều khi chính họ cũng không nhớ
rõ họ đã khởi hành từ đâu và đang thực sự nói về cái gì. Đây hình như là
nhược điểm của mọi triết gia. Plato định nghĩa biện chứng như là phương
pháp lý luận của Socrates, nhưng trong tác phẩm Cộng hòa (The Republic)
của ông có lúc ông lại coi nó là môn học đứng trên mọi môn học, nghĩa
là toán học và luận lý học ứng dụng vào vũ trụ và con người. Một khó
khăn khác là đôi khi họ cũng gượng ép lý luận cho bằng được để cố chứng
minh một điều mà thực ra họ đã định kiến từ trước vì một lý do hoàn toàn
cá nhân, như Descartes đã cố hành hạ lý luận để chứng minh là có thượng
đế. Khi một lý luận khó hiểu thì có nhiều triển vọng là vì nó không
đúng. Đó cũng là trường hợp của Hegel mặc dầu ông là người đã chế ngự bộ
môn triết học trong thế kỷ XIX.
Cả hai hệ luận mà Hegel rút ra
từ biện chứng của ông đều không khách quan. Hệ luận thứ nhất gần như đem
lại một sự chính đáng thiêng liêng cho kẻ cầm quyền và do đó biện minh
cho một chính quyền toàn trị. Hệ luận thứ hai -thu gọn lịch sử vào sự
xung đột, và chiến tranh, giữa các quốc gia- thực ra đã dựa trên sự quan
sát tiến trình hình thành của nước Đức trong thế kỷ XIX. Trong vòng hơn
một nửa thế kỷ, nước Đức đã hình thành do sự thống nhất của hơn ba mươi
vương quốc. Theo quan niệm lịch sử của Hegel thì số các quốc gia sẽ dần
dần nhỏ lại và tất cả cuối cùng sẽ qui về một mối. Đó là một triết lý
bá quyền rất tiện lợi cho tham vọng bành trướng của Friedrich Wilhelm
III mà Hegel là cố vấn. Nhưng nới rộng trường hợp nước Đức ra cho toàn
thế giới là một lạm dụng lý luận. Các vương quốc Đức đều cùng một chủng
tộc, một văn hóa, và một ngôn ngữ, lại không có biên giới thiên nhiên,
cho nên sự thống nhất là một tiến trình tự nhiên. Ra khỏi nước Đức bối
cảnh hoàn toàn khác. Vả lại lịch sử cũng đã phản bác lập luận của Hegel.
Lịch sử không phải là sự tiết lộ liên tục của một tiến trình thuần lý
hóa dẫn đến hoàn mỹ như Hegel quả quyết. Trong hầu hết mọi trường hợp
các cuộc chinh phục và sáp nhập đã chỉ dựa trên bạo lực, theo lô-gích
mạnh diệt yếu, lớn nuốt nhỏ ; và không phải bao giờ cũng đem lại một mức
độ văn minh cao hơn ; kẻ thắng và kẻ bại cũng có thể thay ngôi đổi vị
với thời gian.
Triết lý lịch sử của Hegel còn rất hụt hẫng, và có
thể nói là không lương thiện ở chỗ nó không định nghĩa được thế nào một
quốc gia đối kháng theo tiêu chuẩn biện chứng. Không có gì ngăn cản một
nước mạnh khuất phục một nước yếu rồi nói đó là quốc gia đối kháng và
mình đã chỉ hành động theo một tiến trình bắt buộc. Biện chứng lịch sử
của Hegel vì vậy mở đường cho mọi cuộc chiến tranh xâm lược tùy tiện.
Trên thực tế nó đã là nền tảng lý luận cho hai cuộc thế chiến mà nước
Đức gây ra. Và nếu lịch sử đã được qui định từ trước do một Tuyệt đối
huyền bí và cao siêu thì vai trò của con người và trí tuệ là gì, ngoài
đón nhận và chịu đựng ? Điều nổi bật trong triết lý của Hegel là cá nhân
hoàn toàn vắng mặt, trong khi chính quyền lại là thể hiện của Tuyệt
đối. Chính vì thế mà triết lý lịch sử của Hegel đã là nền tảng cho những
chủ nghĩa và chế độ bạo ngược nhân danh tập thể và nhà nước để chà đạp
cá nhân và xã hội dân sự.
Cần minh định một điều quan trọng :
triết lý biện chứng của Hegel là một triết lý có giá trị của nó. Nhưng
chính cái quan niệm về lịch sử, và qua lịch sử về chính trị, của ông mới
tệ hại. Bài này không bình luận về triết học của Hegel mà chỉ bàn về sử
quan của ông. Sử quan này đã đẻ ra những quái thai kinh khủng trong thế
kỷ 20 : quốc xã Đức, phát xít Ý và cộng sản. Hitler và Mussolini đã là
những đứa con chính trị của Hegel, hai chế độ quốc xã và phát xít đã là
thể hiện trực tiếp của tư tưởng chính trị của ông : nhà nước là tuyệt
đối đè bẹp cá nhân, nước lớn thôn tính nước nhỏ, chủng tộc hùng mạnh
khống chế và tiêu diệt các chủng tộc yếu nhược.
Karl Marx là một
đứa con hoang khác. Tư tưởng của Marx trong chiều sâu chỉ là tư tưởng
của Hegel. Marx đã chỉ thay đổi và làm trầm trọng hơn sự độc hại của
triết lý lịch sử của Hegel. Cũng như Hegel, Marx coi lịch sử biến đổi
một cách không đảo ngược được theo một qui luật biện chứng, nhưng Marx
đã khác Hegel trên hai điểm. Một là, đối với Marx, lịch sử không phải là
sự xung đột giữa các quốc gia mà là đấu tranh giữa các giai cấp trong
quan hệ sản xuất. Hai là, không phải như Hegel nói, lịch sử không những
chỉ giải thích quá khứ mà vai trò đích thực của nó là dự báo tương lai.
Hai khác biệt này đã khiến Marx huênh hoang tuyên bố là triết lý của ông
không những khác mà còn trái ngược với triết lý của Hegel, nhưng khẳng
định này không thuyết phục được nhà tư tưởng nào. Lý luận của Marx hoàn
toàn dựa trên biện chứng của Hegel, nó chỉ khác ở cách ứng dụng, nghĩa
là ở những điểm không thuộc phạm vi triết học.
Khẳng định thứ
nhất của Marx, lịch sử là xung đột giai cấp, là một sự thách đố trắng
trợn đối với chính lịch sử. Cho đến thế kỷ XIX của Marx chưa hề có đấu
tranh giai cấp do quan hệ sản xuất trên thế giới, đã chỉ có những xung
đột giữa các bộ tộc, rồi các quốc gia mà thôi, và trong mỗi quốc gia
giữa những thủ lãnh. Xung đột giai cấp do quan hệ sản xuất đã chỉ xuất
hiện tại một vài nước châu âu với cuộc cách mạng kỹ nghệ và cũng không
diễn ra theo lô-gích một mất một còn như Marx đã tiên liệu.
Khẳng
định thứ hai, lịch sử quyết định tương lai, là cả một sự thách đố đối
với trí tuệ. Điều này chứng tỏ Marx không phải là một triết gia, cùng
lắm ông chỉ là một học giả và một nhà báo có tài. Marx khác Hegel ở chỗ
nào ? Hegel ít ra lý luận một cách lương thiện, coi lịch sử là sự tiết
lộ dần dần của qui luật Tuyệt đối và vì không có gì là Tuyệt đối cả,
Tuyệt đối là tất cả, trên cùng và sau hết, nên lịch sử chỉ giải thích
quá khứ chứ hoàn toàn không cho phép dự đoán tương lai. Trong cố gắng để
tỏ ra mình đã vượt lên trên Hegel, Marx cho rằng lịch sử có thể và phải
cho phép khẳng định tương lai. Dựa vào quan điểm ''đấu tranh giai cấp''
của mình và rập khuôn theo thuyết tiến hóa của Darwin, một nhà bác học
đương thời với ông, Marx cho rằng đấu tranh giai cấp đã khiến xã hội
loài người tiến hóa từ xã hội bộ tộc lên xã hội phong kiến, rồi từ xã
hội phong kiến lên xã hội tư bản, cuối cùng đấu tranh giai cấp cũng sẽ
khiến xã hội tư bản bị đào thải nhường chỗ cho xã hội cộng sản không
giai cấp. Nhưng Marx đã không bao giờ chứng minh được rằng đấu tranh
giai cấp đã khiến xã hội con người từ bộ tộc tiến lên phong kiến, hay
tại sao các xã hội châu Á, điển hình là Trung Quốc, đã không có đấu
tranh giai cấp. Việc Darwin từ chối vinh dự được Marx đề tặng cuốn Tư
bản Luận đã là cả một sự bẽ bàng cho ông.
Không phải là Marx đã
không cố gắng để chứng minh những khẳng định của ông. Sự thực là ông đã
rất bối rối và khổ sở để chứng minh một điều không thể chứng minh vì
không đúng. Marx đã khẳng định từ giữa thập niên 1840, vào lúc ông mới
ngoài 20 tuổi, rằng sự đào thải của chế độ tư bản và sự ra đời của xã
hội cộng sản (giai đoạn cuối cùng của tiến hóa xã hội) là một điều chắc
chắn và không thể đảo ngược được. Người ta đã chờ đợi ông chứng minh và
ông đã hứa sẽ chứng minh. Nhưng mãi tới hơn 20 năm sau ông mới hoàn tất
phần đầu của cuốn Tư bản Luận, một công trình mà, theo chính lời ông,
ông đã hy sinh cả gia đình và cuộc sống của mình. Và đó đã là một thất
bại ê chề. Nó dầy cộm nhưng vẫn không chứng minh được sự tiến hóa tất
yếu không thể đảo ngược được lên xã hội cộng sản. Thay vào đó là những
biện luận dài dòng và nhàm chán. Đã chỉ có phần đầu được xuất bản khi
ông còn sống. Các cuốn còn lại đã phải đợi rất lâu sau đó vì ít ai muốn
đọc.
Sự bối rối và bế tắc trong lý luận càng về sau càng đẩy Marx
vào sự ngụy biện và quá khích. Thay vì chứng minh sự tất yếu của sự đào
thải của xã hội tư bản nhường chỗ cho xã hội cộng sản, Marx đã gào thét
phải tiến tới xã hội cộng sản thật nhanh chóng bằng mọi giá, kể cả kinh
qua một nhà nước vô sản chuyên chính thẳng tay tiêu diệt những phần tử
phản cách mạng. Cũng như Hegel, Marx sử dụng biện chứng một cách tùy
tiện, nhưng lại đẩy rất xa mức độ tùy tiện. Muốn lấy gì làm đề cũng được
và một đề có thể có bất cứ phản đề nào và dẫn đến bất cứ tổng hợp nào
vừa ý ''nhà nước vô sản chuyên chính''. Tổng hợp thường thường là phải
tiêu diệt một thành phần xã hội nào đó, khi nó không biện minh cho một
quyết định của người cầm quyền. Và dĩ nhiên người có quyền chọn phản đề
và quyết định tổng hợp là người nắm trong tay ''bạo lực cách mạng''.
Lenin đã phát triển và lạm dụng tối đa cách sử dụng biện chứng tùy tiện
của Marx để biến chủ nghĩa cộng sản thành một tai họa kinh khủng cho
nhiều dân tộc.
Lịch sử không phải là sự an bài tuần tự có qui
luật biện chứng nhưng không thể dự báo trước được của một Tuyệt đối như
Hegel đề xướng. Triết lý của Hegel đã bị ném bỏ vào một dĩ vãng đen tối.
Lịch sử càng không phải là diễn tiến của một cuộc đấu tranh giai cấp
không ngừng và tất yếu dẫn đến xã hội cộng sản như Marx rêu rao. Chủ
nghĩa cộng sản, nếu ta muốn dùng cách nói không trang nhã của chính Karl
Marx, đã bị ném vào xọt rác tư tưởng và chắc chắn sẽ mãi mãi định cư ở
đó.
Vậy lịch sử là gì và có vai trò nào ?
Lịch sử chắc
chắn là do con người tạo ra trong khi ứng xử với môi trường sinh sống.
Trong một bối cảnh địa lý nhất định, lịch sử của một dân tộc phần lớn là
sản phẩm của dân tộc đó. Phần lớn dù không phải là tất cả, bởi vì cũng
có những điều kiện thiên nhiên và những yếu tố ngoại lai, thí dụ như
những trận động đất và những cuộc xâm lăng của nước ngoài. Nhưng ngay cả
trong những trường hợp ấy, nếu dân tộc phản ứng một cách khác thì hậu
quả cũng sẽ khác và lịch sử cũng sẽ khác. Các nước châu Á đã ứng xử khác
nhau khi tiếp xúc với phương Tây và các lịch sử cận đại của họ đã khác
nhau. Một dân tộc càng văn minh và đông đảo thì phần chủ động trên lịch
sử lại càng lớn.
Lịch sử có phải là một chuỗi biến cố tình cờ hay không ?
Câu hỏi có vẻ ngây ngô nếu ta đã nhìn nhận con người có khả năng thay
đổi lịch sử, nhưng cho tới một ngày rất gần đây quan niệm của chúng ta
là như thế. Chúng ta không hề đặt câu hỏi tại sao lịch sử lại diễn ra
như nó đã diễn ra. Hay dù có đặt câu hỏi chúng ta cũng hài lòng với
những giải đáp hời hợt. Thí dụ sở dĩ nước ta đã bỏ lỡ cơ hội canh tân và
bị ngoại thuộc là vì các vua Minh Mạng và Tự Đức quá tăm tối, hay chủ
nghĩa cộng sản đã được thiết lập tại Việt Nam là vì có ông Hồ Chí Minh.
Như vậy thì cũng chỉ là những tình cờ mà thôi. Tình cờ mà chúng ta đã có
những ông vua nhà Nguyễn mù quáng và cũng tình cờ mà Việt Nam đã có ông
Hồ Chí Minh.
Nhưng tại sao dưới thời nhà Nguyễn chúng ta cũng đã
có những con người nhìn thấy nhu cầu canh tân mà họ không làm gì được ?
Tại sao đã có và có nhiều người nhìn thấy sự độc hại của chủ nghĩa cộng
sản, và nhiều người đã hy sinh tính mạng để chống lại nó, nhưng chế độ
cộng sản vẫn được thiết lập ? Và câu hỏi nhức nhối hiện nay là tại sao
đa số đảng viên của chính Đảng Cộng sản đã thấy là phải dân chủ hóa mà
Đảng Cộng sản vẫn ngoan cố trong độc tài toàn trị ? Như vậy chắc chắn
phải có một cái gì đó mạnh hơn quyết định các biến cố.
Nhưng ''cái gì đó'' là cái gì ?
Trước một thử thách và một thực tại xã hội, mỗi cá nhân cũng như mỗi
dân tộc đều có thể có những cách ứng xử khác nhau : phấn khởi tham gia,
chấp nhận, chịu đựng, đào thoát, phản kháng v.v. Cách ứng xử đó quyết
định những gì sẽ xảy tới, nghĩa là một thực tại mới. Nhưng tại sao các
dân tộc lại ứng xử cách này thay vì cách khác ? Đó là do một cấu trúc
tâm lý khiến ta thấy nên và phải làm như thế. Mỗi cá nhân quyết định cho
mình, nhưng một cộng đồng luôn luôn có một mẫu số văn hóa chung nào đó
nếu không thì không phải là một cộng đồng. Do đó các quyết định cá nhân
(chấp nhận một cách ứng xử bắt buộc cũng là một quyết định) trong một
dân tộc cuối cùng cũng vẫn có những điểm giống nhau tạo ra một cách ứng
xử áp đảo của đa số và quyết định những gì sẽ xảy tới. Cấu trúc tâm lý
của một dân tộc là kết quả của một văn hóa chung. Văn hóa chung này,
trong phạm vi xã hội, là toàn bộ những giá trị được đại bộ phận dân
chúng chia sẻ và quyết định cách suy nghĩ và hành động của xã hội. Các
giá trị này có thể hình thành với thời gian do điều kiện sinh sống, cũng
có thể do bị một thế lực thống trị lâu đời áp đặt và cũng có thể do
những cố gắng suy tư của chính dân tộc đó.
Văn hóa quyết định
cách ứng xử, cách ứng xử tạo ra một thực tại, thực tại này đặt ra những
thử thách mới và chờ đợi những phản ứng mới. Lịch sử tiến hành như thế,
thực tại của giai đoạn trước là lịch sử của giai đoạn sau. Nói một cách
khác, động cơ chính, dù không phải duy nhất, của lịch sử là văn hóa.
Thực tại, trong chiều ngược lại, cũng có thể tác động lên văn hóa và làm
thay đổi văn hóa ; nhưng sự khác biệt là ở chỗ tác động của thực tại
lên văn hóa đến rất sau và rất chậm. Cuối cùng thì chính văn hóa là yếu
tố chính quyết định thực tại xã hội, chế độ chính trị và tổ chức xã hội.
Lịch sử như vậy là thể hiện của văn hóa. Lịch sử vừa giải thích số phận
vừa phơi bày chân dung văn hóa của các dân tộc.
Cần lưu ý là
nhận thức về lịch sử, chủ yếu là cách đánh giá tầm quan trọng của các
biến cố và cách đánh giá các nhân vật lịch sử, cũng là một phần khắng
khít của lịch sử bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp lên sự chọn lọc và trình
bày các biến cố mà các thế hệ sau gọi là lịch sử. Như vậy văn hóa không
những chỉ là động cơ chính của lịch sử mà còn viết ra lịch sử bởi vì
nhận thức về lịch sử cũng phần lớn là sản phẩm của văn hóa.
Con người có thể tác động lên lịch sử và thay đổi dòng lịch sử được không ?
Có, nếu tác động được lên văn hóa. Nhưng ai có thể tác động được lên
văn hóa. Đó là các triết gia và các nhà tư tưởng. Dụng cụ làm việc của
họ có thể đa dạng. Một nhà tư tưởng có thể viết sách hoặc viết báo như
đa số các nhà tư tưởng thường làm, cũng có thể chỉ diễn thuyết như
Socrates ; nhưng họ cũng có thể làm nhạc, làm thơ hoặc vẽ tranh, nếu tác
phẩm của họ chuyên chở tư tưởng thì họ vẫn là những nhà tư tưởng.
Như thế, một dân tộc chỉ có thể chủ động được lịch sử của mình nếu có
những triết gia và những nhà tư tưởng. Nếu không dân tộc đó sẽ chỉ chịu
đựng chứ không làm chủ được lịch sử, nghĩa là không làm chủ được số phận
của mình. Nhưng tác động lên văn hóa rất khó. Văn hóa là kết tinh của
cuộc sống tinh thần và vật chất trong suốt quá trình tồn tại kéo dài
nhiều ngàn năm. Nó được bảo vệ bởi cả một thành trì kiên cố của tập
quán, thành kiến, tín ngưỡng, quyền lợi, quyền lực và cả đam mê. Muốn
thay đổi nó phải có những con người thật xuất chúng và dũng cảm, những
con người mà một mình thực tại không tạo ra được. Cái giá phải trả cho
một khai thông tư tưởng thường rất cao. Trong đại bộ phận nó là những
cuộc sống hẩm hiu, âm thầm cống hiến cho những cố gắng bị người đương
thời chối bỏ. Nó cũng có thể là những tai họa. Socrates và Jesus-Christ
đã phải đem tính mạng để trả giá cho tư tưởng của mình. Nhưng các nhà tư
tưởng vẫn là những người thực sự lãnh đạo xã hội ngay cả khi họ phải bỏ
mình nơi pháp trường giữa tiếng hò hét thù ghét của đám đông. Các chính
quyền và những người cầm quyền chỉ là sản phẩm và công cụ của lịch sử
do văn hóa quyết định, những con người do thời thế tạo ra và đàng nào
cũng có trong mỗi giai đoạn.
Chúng ta là một dân tộc không có
triết gia và tư tưởng gia vì thế chúng ta không chủ động được lịch sử và
số phận của chúng ta. Văn hóa của chúng ta là kết hợp của nếp sống phù
sa - lúa nước và văn hóa Khổng giáo mà kẻ thống trị phương Bắc áp đặt
trong hàng ngàn năm. Chúng ta đã không xây dựng ra nền văn hóa đó bằng
cố gắng tư tưởng của chính mình và cũng không thay đổi nó. Văn hóa của
ta không thay đổi cho nên ta không có lịch sử đúng nghĩa. Cái mà ta gọi
là lịch sử chỉ là những xung đột không tránh khỏi của một khối người
ngày càng đông mà không có ý thức xây dựng một tương lai chung. Văn hóa
không thay đổi thì xã hội cũng không thay đổi. Những biến cố lịch sử của
chúng ta hoặc chỉ là những xáo động trong một khuôn khổ có sẵn và xảy
đến một cách tình cờ, hoặc chỉ do sự áp đặt của những biến cố ngoại lai
mà chúng ta không hiểu và đón nhận một cách bối rối. Chúng ta giải thích
những lúc thịnh - suy, chiến tranh - hòa bình, những thay ngôi đổi vị
bằng hành động của những con người, chúng ta tôn vinh hay kết án những
nhân vật lịch sử như là tác giả những phúc họa trong khi thực ra chính
họ không đem lại thay đổi thực sự nào. Họ chỉ là những con người hợp lý
nhất trong một thực tại xã hội nào đó.
Vấn đề hiện nay của chúng
ta là phải rũ bỏ chế độ độc tài này để có dân chủ mà vươn lên. Nhưng chế
độ cộng sản có phải ngẫu nhiên mà có không ? Đảng Cộng sản đã trải qua
nửa thế kỷ phấn đấu cam go mới giành được chính quyền (họ dùng chữ
''cướp'' chính quyền). Trong suốt quá trình phấn đấu đó họ luôn luôn ít
phương tiện hơn đối phương, phương tiện vật chất cũng như phương tiện
trí tuệ. Nhưng sau cùng họ vẫn vượt qua được trở ngại và toàn thắng. Vậy
thì chế độ cộng sản mà họ thiết lập có thể tồi dở nhưng không nghịch
lý. Nó thể hiện một tổng hợp văn hóa giai đoạn của chúng ta, giữa văn
hóa Khổng giáo mà chúng ta trân trọng từ hàng ngàn năm và văn hóa phương
Tây mà chúng ta bắt đầu tiếp nhận từ thế kỷ 16, nhất là từ hơn một thế
kỷ nay.
Văn hóa nào chế độ đó. Chống lại chế độ cộng sản mà lại
khăng khăng bảo vệ văn hóa truyền thống là một thái độ rất sai, sai một
cách bi đát, bởi vì chế độ này không gì khác hơn là một sản phẩm của
chính văn hóa truyền thống của chúng ta trong khi va chạm với phương
Tây. Nó được chính văn hóa truyền thống của chúng ta đẻ ra và nuôi
dưỡng. Như thế, người ta vẫn có thể vô tình tiếp tay củng cố nó trong
khi tưởng rằng mình đang chống lại nó. Muốn thay đổi chế độ này thì phải
thay đổi văn hóa. Sẽ không thể có giải đáp trong đường xưa lối cũ.
Những ý kiến mới có thể là sai, nhưng cách suy nghĩ và hành động cũ chắc
chắn là không giúp ta tìm ra lối thoát. Một cách có vẻ nghịch lý chỉ
những ý kiến khi mới phát biểu đã gặp chống đối gay gắt mới có thể là
giải đáp cho tình thế.
Chúng ta đã nói thay đổi văn hóa rất khó
và rất lâu. Nhưng trong thời đại này tư tưởng có thể truyền bá rất nhanh
chóng, vả lại tâm lý và văn hóa Việt Nam cũng đã thay đổi. Cách đón
nhận cuốn Tổ quốc Ăn năn là một bằng chứng.
Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận 151, tháng 9-2001)