Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

copy Intẹc :
Sau sự cưỡng bức Hiến Pháp tình hình sẽ rõ thêm
Đôi lời: Nhưng chỉ là chút thắc mắc. Ở phần đầu, theo tác giả “Thời gian qua, phía quan chức nhà nước, cũng có nhiều phát biểu đi ngược lại với bản Hiến pháp vừa bị cưỡng bức”. Phải vậy không? Rồi, có phải “phía Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đòi …”, hay cái gọi là “đòi” đó chỉ đơn giản là lặp lại tới ngàn lần những lời sáo rỗng, mị dân, vô thưởng vô phạt? 
Những “Họ không muốn …”, “Họ không còn muốn …” , “Họ đề nghị …” thì “họ” là ai, phải chăng là cả nhiều quan chức trong ê-kíp của CT Trương Tấn Sang? Bằng cớ nào để khẳng định “họ không muốn …”, chứ không phải chính là “họ rất muốn”?
Lại có cả “phía Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phần lớn Bộ trưởng cũng đòi …” (đâu ra con số “phần lớn”này), nhưng đều bị màn “răn đe” của TBT Nguyễn Phú Trọng vô hiệu hóa hết, nghe như thể tất cả bộ máy chính quyền đang bị ông ta cùng hệ thống cơ quan đảng áp bức, không ngóc đầu lên được.
Nếu thế thì … mừng quá đỗi!
BT
—–
Nguyễn Trung Chính
Tư duy cằn cỗi thì phải cưỡng bức Hiến Pháp
Từ khi dự thảo sửa đổi HP 1992 (bản thứ nhất) được đưa ra vào đầu năm 2013, TS Tô Văn Trường trong bài “Hiến Pháp của ai” đã đặt ra 4 câu hỏi, trong đó có hai câu nòng cốt là:
1- “Tại sao bản Dự thảo Hiến pháp 1992 không dựa vào mô hình quản trị đã được nhiều nước văn minh trên thế giới thừa nhận: Nhà nước pháp quyền, Xã hội dân sự và Kinh tế thị trường?”.
2- “Liệu Việt Nam ta có hoàn toàn ở tư thế độc lập để sửa Hiến pháp theo những gì mà phía ta (gồm cả Chính quyền và Nhân dân Việt Nam) thấy là tốt nhất?”( có nghĩa là ta có dám dẹp bỏ điểm tựa về ý thức hệ để bất chấp áp lực của Trung Quốc).
Và TS Tô Văn Trường cho rằng chỉ nên tiến hành thảo luận sửa đổi Hiến pháp nếu 4 câu hỏi này có giải đáp thỏa đáng.
Nhưng liền sau đó TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố có tính chất răn đe: “sửa gì thì cũng phải trong khung khổ Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, quyền lực của hệ thống chính trị là thống nhất, không có tam quyền phân lập, gác lại vấn đề sở hữu đất đai…”
Thời gian qua, phía quan chức nhà nước, cũng có nhiều phát biểu đi ngược lại với bản Hiến pháp vừa bị cưỡng bức:
Chẳng hạn, phía Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đòi  “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Họ không muốn nhắc đến trong HP những gì là  “giai cấp, nguyên tắc tập trung dân chủ“. Họ không còn muốn HP ghi  đảng là  “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng“.
Họ đề nghị một “Hội đồng HP có quyền Giải thích HP, có quyền tạm đình chỉ thi hành các văn bản QH nếu phát hiện vi phạm HP và có quyền ngưng thi hành các văn bản cơ quan nhà nước nếu phát hiện vi phạm HP”.
Còn phía Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phần lớn Bộ trưởng cũng đòi “QH không phải là cơ quan lập hiến, Công dân có quyền biểu quyết về HP và các việc trọng đại của quốc gia.“, hoặc “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia và sức khỏe của cộng đồng”. Và về luật đất đai “Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản, hay thu hồi đất thì đều phải bồi thường theo giá thị trường”.
Nhưng răn đe của Nguyễn Phú Trọng đã đạt kết quả trên những “sổ lương hưu” ở Quốc hội. Hiến Pháp đã bị điều lệ đảng cưỡng bức!
Cưỡng bức Hiến Pháp: Đảng đang ở thế yếu?
Quả thật đảng có sức mạnh vì nắm trong tay quân đội, lực lượng công an mà trong đó không thiếu những thành phần côn đồ hành hung trên đường phố, trong đồn bót. Hiến pháp mới buộc những lực lượng này trung thành với đảng, bảo vệ đảng, nếu không sẽ bị ra tòa.  Như vậy Hiến pháp mới, như một thế lực chĩa súng sau lưng Quân đội, công an,và ra lịnh cho họ phải  bảo vệ đảng, nếu cần,  phải hướng nòng súng về phía nhân dân.
Chỉ sự việc này thôi cũng đủ chứng minh rằng dấu hiệu run rẩy đã lộ ra trên nòng súng của thế lực chống lại nhân dân hiện nay.
Ngoài bạo lực ra thì đảng không có điểm mạnh nào khác, từ tư tưởng đến việc tạo dựng một xã hội an bình, trong sạch, thịnh vượng.
Từ trên cao nhất, Hội đồng lý luận Trung Ương từ 30 năm nay vẫn chưa định nghĩa được thế nào là “Định hướng xã hội chủ nghĩa“. Chính phủ cứ van nài các nước tư bản chấp nhận mình là kinh tế thị trường để được hưởng lợi lộc, nhưng chẳng ai tin.
Hơn 750 tờ báo của đảng cùng với gần 600 đại biểu đảng viên ở quốc hội mà không phản bác nổi ý kiến của nhóm 72 trí thức trên vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Họ chỉ chơi trò ém nhẹm thông tin, thóa mạ, chụp mũ bằng những cụm từ “tự diễn biến“, “cơ hội chính trị” nghe đến chán tai mà không đưa ra được một biện luận nào để nhân dân hồ hởi đi theo cái  ”Định hướng xã hội chủ nghĩa không biết là cái gì” mà đảng áp đặt.
Người dân bắt đầu phản đối (ngôn ngữ tuyên giáo là bức xúc) trực diện qua các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo, Chủ tịch Trương Tấn Sang có lúc phải thốt lên đại ý “giải thích đến thế rồi mà đồng bào, các đồng chí vẫn chưa hiểu cho“. Còn TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ than thở  ”Bản thân tôi sáng ra khỏi nhà có bà con chờ, chiều về nhà cũng có bà con chờ, ra đường là có bà con đón“. (Bà con đây là bà con khiếu kiện, phản đối chứ không phải bà con hàng xóm chào đón!). Và Tổng Bí Thư lại hứa đi hứa lại: “Sắp xử tham nhũng lớn, bà con hãy chờ xem“. Nhàm!
Về xã hội thì ngày càng bùng nổ. Người dân có khuynh hướng tự xử lấy, không còn tin vào chính quyền:  Sau khi người dân ở một số vùng tự đứng ra đánh chết kẻ trộm; bắn chết quan tham.  Quan tài diễu phố ở Vĩnh Phúc; quan tài diễu phố ở Thanh Hóa. Người dân phải tự mình đi điều tra sau khi đọc biên bản mờ ám của công an; cả ngàn người dân đã tập trung trước cổng UBND huyện, để phản đối việc khai thác cát, họ đã đốt hai tàu “cát tặc” trước mặt chính quyền. Hàng trăm người dân Bình Thuận bao vây la lối, đánh công an trọng thương. Doanh nhân kiện chủ tịch tỉnh Bình Dương ngâm dự án để vòi tiền. Giáo sư kiện Bộ trưởng bộ Giáo dục,  Sinh viên đại học Đông – Á Đà Nẵng đồng loạt bãi khóa phản đối; …
Rõ ràng khi người dân bị đè nén quá lâu ngày, nỗi sợ đã bắt đầu nhường chỗ cho phản ứng chống lại cường quyền.
Đó là chưa kể trên bình diện vĩ mô, kinh tế, tài chánh, xã hội, giáo dục đều tuột dốc, sức mua của người dân hiện đang cạn kiệt, doanh nghiệp không còn vốn và đang hấp hối, trừ các doanh nghiệp nhà nước, ổ của các nhóm lợi ích, đang làm cho người dân điêu đứng.
Tham nhũng không thể trị nổi, cơ bản là vì bứt dây động đảng.
Cùng với tình trạng nói trên đảng cộng sản cũng đang tuột dốc chứ không phải đang ở thế mạnh.
Lực lượng tiến bộ ngày càng mạnh.
Chưa bao giờ có những tiếng nói thanh niên sinh viên mạnh và thẳng thắn như thế. Khác với thế hệ cha anh, còn dính líu ít nhiều tình cảm hoặc với đảng, hoặc với đồng chí đồng đội, như một mạng nhện cứ dây vào người, thế hệ trẻ Nguyễn Đắc Kiên, thẳng thừng:  ” nếu một ngày tôi phải vào tù / tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản / ở nơi đó giam giữ Tự do / giam giữ những trái tim khao khát Sống“. Còn sinh viên Phương Uyên dõng dạc trước tòa : “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng“.
Đứng trước một Phương Uyên trong sáng như thế đảng chỉ còn biết chơi đòn bẩn: đuổi học cô Phương Uyên.
Với việc cưỡng bức Hiếp Pháp, một thế hệ đảng viên dõng dạc vứt “thẻ đỏ” vào mặt bọn người mang “thẻ đỏ tim đen“. Đáng gọi là thế hệ Lê Hiếu Đằng.
Với sự cưỡng bức Hiếp pháp, một bộ phận quan trọng đã bị đẩy về phía đối lập: họ là những người đã từng lên tiếng nói tiến bộ nhằm xây dựng Hiến pháp, họ có thể là đảng viên thường, họ có thể là chủ tịch ủy ban này khác trong Quốc hội như đã thấy trong thời gian qua, họ có thể là sinh viên, trí thức xéo mãi cũng quằn. Họ sẽ góp tiếng nói với thế hệ đấu tranh hiện nay và thúc đẩy phong trào đấu tranh đi tới.
Ngày hôm nay, những ai đang tranh đấu có thể tự hào nói lên rằng:
         Xin báo cáo với đồng bào trong cả nước
         Xin báo cáo với bạn bè trên thế giới
         Rằng chúng tôi vẫn vững vô cùng.(*)
Thay đổi hay bị đánh đổ
Ông Nguyễn Trung, một người đã 10 năm kiên trì góp ý rất tâm huyết với đảng, với đồng bào , về con đường đất nước phải đi, trong 3 bài viết Viễn Tưởng được phổ biến rộng rãi trên mạng ông có một ưu tư: Mong muốn có một giải pháp “Trần Thủ Độ” để chuyển đổi từ độc tài qua dân chủ một cách tiệm tiến, hòa bình. (tâm huyết như thế mà chưa thấy một tờ báo nào của chính quyền đăng tải). Điều mà ai cũng hằng mong ước như ông. Ông lo sợ một sự thay đổi trong bạo loạn. Ai cũng lo sợ như ông.
Có một số ý kiến cho rằng Việt Nam không cần đánh nhau mới có độc lập, thống nhất. Cũng có thể. Nhưng đó là khi địch thủ của ta, nhạy, chịu nghe phải trái. Xưa kia thực dân Pháp tuy đã  thua trận ở Điện Biên Phủ, thế mà  vẫn không chịu nhả Algéria, vẫn phải đánh nhau đến khi không phân thắng bại mới chịu thương lượng để Algéria độc lập. Đảng cộng sản có giống thực dân Pháp ở điểm ù lỳ, kém thông minh, này không? Đảng viên đảng cộng sản phải có câu trả lời nếu không muốn xảy ra bạo động.
Cũng có một số ý kiến cho rằng hễ có bạo động sẽ có bạo loạn như hiện nay ở một số nước. Tuy nhiên nếu phân tích kỹ chúng ta có thể thấy rằng ở những nước đó, điều đầu tiên là dân đã đứng dậy lật đổ chế độ độc tài, sở dĩ có bạo loạn chủ yếu là vì tôn giáo cực đoan, mà khi tôn giáo thỏa hiệp với chính trị thì khó tránh khỏi thánh chiến. Ở Ai Cập, ở Tunisia bạo loạn là vì một chế độ độc tài bị dẹp đi lại đẻ ra một chế độ độc tài khác ngự trị bởi tôn giáo quá khích. Chế độ độc tài nào cũng xấu như nhau, cũng bóp nghẹt tự do. Ông Nelson Mandela đã nói: “Tôi không hoàn toàn được tự do nếu tôi chiếm đoạt tự do của người khác. Kẻ áp bức cũng như kẻ bị áp bức, cả hai đều bị tước đoạt  nhân tính.“. Con người không còn nhân tính sẽ ứng xử với nhau như con vật, thậm chí tệ hơn vì con người là con vật thông minh. Khi cái thông minh phục vụ cho một nhóm người mất nhân tính thì không còn gì nguy hiểm hơn.
Rút kinh nghiệm này, ở Syria cộng đồng và nhân dân thế giới không hào hứng giúp phe nổi dậy chống độc tài khi khám phá ra phe này phần lớn thuộc tôn giáo quá khích.
Ở Việt Nam chúng ta không có loại tôn giáo quá khích đó. Phật giáo và Công giáo, hai tôn giáo chính không khích bác nhau. Hiện nay ở một số nhà thờ công giáo có bày hương án để thắp nhang. Họ đều là nạn nhân của chế độ độc tài, chế độ này xem tôn giáo là thuốc phiện nên chỉ khuyến khích những gì là thuốc phiện để ru ngủ dân chúng, những việc tâm linh khác đều bị đàn áp.
Ở Việt Nam, sắc tộc Việt chiếm tuyệt đại đa số nên sẽ khó xảy ra bạo loạn sắc tộc. Nhất là một chế độ dân chủ rất tôn trọng con người trong đó có con người của các dân tộc thiểu số, đặc biệt nâng đỡ dân tộc thiểu số, họ chỉ có lợi để đòi hỏi sống trong một chế độ dân chủ.
Thay đổi trong hòa bình chúng ta đều mong muốn, nhưng trả lời câu hỏi Hòa bình hay Bạo động lại không tùy thuộc vào chúng ta. Người dân chỉ biết nâng thuyền hay lật thuyền, khó ai lường trước và cưỡng lại  được.
Đảng cộng sản nắm trong tay câu trả lời Hòa bình hay Bạo động, các đảng viên đảng cộng sản nắm trong tay câu trả lời nói trên.
Với sự áp đặt điều lệ đảng lên Hiến Pháp vừa qua, lãnh đạo đảng cộng sản đang cố thủ, không muốn thay đổi trong hòa bình. Một lần nữa đảng viên đảng cộng sản phải tự thúc đẩy lãnh đạo đảng mình chấp nhận thay đổi trong hòa bình nếu không muốn xảy ra bạo động.
Nếu không sẽ QUÁ MUỘN.
Nguyễn Trung Chính