Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?
Trên thế giới,
sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ cho thấy sự kém bền vững của
nền kinh tế dựa vào nhà nước. Trong nước, nợ công, thất nghiệp, yếu kém
công nghệ cùng nhiều vấn đề về tài nguyên khác cho thấy một thể chế
kinh tế không khỏe mạnh. Đã hơn hai thập kỷ kể từ khi đất nước ta chuyển
đổi sang cơ chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế
thị trường đúng nghĩa mà mới chỉ dừng lại ở “Kinh tế thị trường định
hướng Xã hội Chủ nghĩa” Liệu rằng khi mà kinh tế thế giới đang diễn biến
ngày càng phức tạp, số lượng những nước theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa
trên Thế giới ngày càng giảm về 0 và thực tế còn lại chỉ là những nước
đang phát triển, nếu vẫn tuân theo tôn chỉ này, Việt Nam có cơ hội nào
để sớm đưa nền kinh tế bứt lên khỏi vị trí thấp kém của mình?
Không mạnh dạn
như Trung Quốc, một quốc gia tự đẻ ra khái niệm “Kinh tế thị trường xã
hội chủ nghĩa”, chúng ta gọi cơ chế kinh tế của mình là “Kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Mổ xẻ cụm từ
trên, ta có “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một cơ
chế kinh tế kết hợp cả cơ chế kinh tế thị trường và cơ chế kinh tế của
chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cơ chế kinh tế
thị trường là một cơ chế trong đó các thành hoạt động kinh tế được thực
hiện thông qua quy luật thị trường. Người mua và người bán tác động với
nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng
hoá, dịch vụ trên thị trường. Đây là sản phẩm của tư bản chủ nghĩa.
Cơ chế kinh tế
của chủ nghĩa xã hội là cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao
cấp, trong đó nhà nước lên kế hoạch tất cả mọi hoạt động kinh tế. Nhà
nước phải thực hiện quốc hữu hóa, hợp tác hóa, công nghiệp hóa và văn
hóa cách mạng tư tưởng. Mọi hoạt động trao đổi thương mại đều là phi
pháp. Sở hữu tư nhân không tồn tại. Ngân hàng được coi là ma quỷ. Đây là
sản phẩm của xã hội chủ nghĩa.
Không có cách
nào để kết hợp hai cơ chế này lại với nhau. Một khi đã cho phép tự do
thương mại, thành lập ngân hàng, thành lập doanh nghiệp, cho phép xuất
nhập khẩu…thì làm sao có thể tồn tại cơ chế kinh tế tập trung quan liêu
bao cấp? Vì thế không thể nào tồn tại thứ gọi là “Kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo giáo trình
cũng như định nghĩa do Việt Nam cung cấp, “Kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa” là cơ chế kinh tế hoạt động theo quy luật thị
trường, đồng thời đảm bảo công bằng xã hội, hướng tới mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, xã hội công bằng – dân chủ - văn minh.
Nêu lên định
nghĩa này, Việt Nam ngầm khẳng định chỉ có “Kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa” mới có thể đem lại một xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh mà không một quốc gia nào ở trên thế giới đạt được. Có
nghĩa, khẳng định rằng các nước tư bản chủ nghĩa hoạt động theo cơ chế
kinh tế thị trường nhưng không đem lại công bằng, dân chủ, văn minh. Vì
theo định nghĩa đó, điểm khác biệt duy nhất giữa Việt Nam và các nước tư
bản khác là tính “công bằng, dân chủ, văn minh”. Khẳng định như vậy là
rất mơ hồ. Hiện nay Việt Nam thuộc số những nước có chỉ số minh bạch
thấp nhất và tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới. Các vấn đề tiêu cực xã
hội cũng thường xảy ra với cường độ lớn. Trong khi đó, những tổ chức
nhân quyền, từ thiện lớn lại đặt trụ sở ở những nước tư bản phát triển.
Lý do gì khiến cho một nước luôn hướng tới “công bằng, dân chủ, văn
minh” như vậy mãi không có được dân chủ, văn minh, công bằng như những
nước tư bản thực sự?
Một lý luận
khác mà chế độ bổ sung cho định hướng của mình là “Kinh tế thị trường
không phải là sản phẩm của tư bản chủ nghĩa mà là sản phẩm của toàn nhân
loại”. Khi mà hệ thống lý luận chính trị đã bị lỗi thời quá lâu, điều
thường thấy ở các nhà lãnh đạo các nước cộng sản là họ luôn luôn sửa đổi
lại tư tưởng, phát ngôn, lý tưởng, lý luận,… để phù hợp với thời đại và
với những quyết định với của mình, mà hầu hết là những quyết định mâu
thuẫn với tư tưởng trong quá khứ. Trước đây, họ khẳng định tư bản chủ
nghĩa là chủ nghĩa ma quỷ, là công cụ bóc lột của giai cấp tư sản đối
với người lao động, là công cụ xâm lược của các nước đế quốc, là mầm
mống của sự băng hoại đạo đức xã hội… Trước đây, các nước xã hội chủ
nghĩa giành nhiều năm để lên án, để chống lại kinh tế thị trường. Nay
đầu não là Liên Xô sụp đổ, XHCN ở Đông Đức cũng sụp đổ, họ lại bất chợt
nhận ra kinh tế thị trường là sản phẩm của toàn nhân loại! Nghĩa là đây
vừa là sản phẩm của tư bản chủ nghĩa, vừa là sản phẩm của xã hội chủ
nghĩa. Và như thế, họ đi theo kinh tế thị trường mà không cảm thấy thất
bại.
Tóm lại, chính
Việt Nam cũng không thể định nghĩa được một cách chính xác thế nào là
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì đây là một điều
hoàn toàn không tưởng. Việc tồn tại cái gọi là “Kinh tế thị trường xã
hội chủ nghĩa” hay “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là
điều không thể.
Vậy chính xác Việt Nam đang áp dụng cơ chế gì?
Việt Nam đang
đi theo một cơ chế phức tạp, không phải cơ chế tập trung quan liêu bao
cấp và nhất định không phải là kinh tế thị trường. Nói cách khác, Việt
Nam chưa theo tư bản chủ nghĩa, và thực sự cũng chẳng theo xã hội chủ
nghĩa. Thực tế hiện nay trên thế giới, Việt Nam không được công nhận là
một nền kinh tế thị trường. Tự do thương mại, tự do ngoại thương, tự do
lập công ty, thành lập và hoạt động ngân hàng… chưa đủ để biến một nền
kinh tế từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Kinh tế Việt Nam là tư
bản đỏ, dựa vào nhà nước.
Nếu tiếp tục đi theo con đường mình đang đi, đất nước Việt Nam sẽ phải lãnh chịu những hậu quả nặng nề, to lớn. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, sở
hữu công về đất không tạo điều kiện cho giới kinh doanh hoạt động hiệu
quả. Đất đai có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Thu hồi đất đai luôn đi
kèm với bồi thường không đúng mức. Các doanh nghiệp ắt sẽ không cảm thấy
đủ tin tưởng để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình trong tình
trạng bấp bênh như vậy. Dân không giàu thì nước không thể mạnh được.
Chính các doanh nhân, chứ không phải những nhà hoạch định chính sách, là
những người tạo ra tăng trưởng kinh tế. Khu vực tư nhân không phát
triển, kinh tế khó mà phát triển.
Thứ hai, không
có sự phá hủy sáng tạo (creative destruction). Giáo dục Việt Nam không
tạo ra lao động có chất lượng và sản phẩm công nghệ mới. Thêm vào đó là
sự bảo hộ lỏng lẻo với quyền sở hữu trí tuệ. Tất cả làm cho người dân
không có động lực sáng tạo và cống hiến, khoa học không phát triển. Muốn
tăng trưởng dài hạn, phải có tiến bộ khoa học công nghệ. Nếu không có
động lực thúc đẩy, công nghệ sẽ trì trệ và sớm muộn sản xuất cũng sẽ đạt
“điểm dừng” và trải qua điều tương tự với Liên Xô.
Thứ ba là tình
trạng độc quyền kinh tế. Độc quyền kinh tế gây ra nhiều hậu quả nghiêm
trọng hơn chúng ta tưởng. Hiện nay nhà nước nắm giữ các mặt hàng chủ
chốt như điện, nước, xăng dầu… Bấy nhiêu đủ để làm cho chi tiêu hàng
tháng của người dân bị đội lên nhiều lần. Chưa kể những mặt hàng nhạy
cảm như viễn thông. Hơn nữa, độc quyền kinh tế cũng khiến cho nhiều công
ty không chịu nổi sức ép, làm ăn thua lỗ…đây chính là biểu hiện rõ rệt
nhất của một nền kinh tế không có cơ chế thị trường.
Vấn đề còn lại
của Việt Nam chính là cơ chế một đảng. Đây là cội nguồn gốc rễ của tất
cả mọi thất bại về mặt kinh tế. Nếu không sớm thay đổi, nền kinh tế có
thể phát triển nhanh nhưng sớm muộn gì cũng đạt tới “điểm dừng”, kèm
theo đó là nhiều hệ lụy. Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, phải phát triển
kinh tế trước, chính trị sẽ tự thay đổi. Tuy nhiên, kể từ cải cách năm
1986 tới nay đã hơn 20 năm, kinh tế còn nhiều bất cập mà dường như chính
trị vẫn không hề thay đổi.
Điều tương tự
cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc – đất nước hiện nay đang cạnh tranh gay
gắt với Hoa Kỳ trong lĩnh vực kinh tế nói riêng. Những sự kiện gần đây
càng cho thấy tính không bền vững của nền kinh tế này. Trong khi người
anh lớn của mình còn không dám chắc về một nền kinh tế giàu mạnh và bền
vững trong tương lai, làm sao các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể khẳng
định rằng “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ giúp chúng
ta “sánh vai với các cường quốc năm châu?”.
Kinh tế Việt
Nam hiện nay là một mớ bòng bong hỗn loạn với nhiều phe cánh chằng chịt,
tham nhũng gần hết GDP của đất nước. Nếu không sớm thay đổi, trong
tương lai chính người dân và con cháu của họ sẽ phải gánh chịu nhiều hậu
quả nặng nề.
http://www.ijavn.org/2015/09/kinh-te-thi-truong-inh-huong-xa-hoi-chu.html
Theo Hương Thanh (Dân Luận)