Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Đại biểu Quốc hội là gì ? đại diện cho ai ? trách nhiệm là gì ?...đây có là chuyện... những người thích đùa...tập cuối !!??
  theo tuoitre
TT - Về hiện tượng “lãnh đạo địa phương căn dặn đại biểu nói gì cũng được trừ tham nhũng”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói:
 - Đây là hiện tượng mà người ta e ngại trước các mối quan hệ, nhất là bộ phận các đại biểu Quốc hội hiện đang gánh vác công việc ở cơ quan hành pháp các cấp. Thực chất của vấn đề đúng như anh Lê Như Tiến đã phân tích là quan hệ xin cho. Cho nên lời căn dặn nhiều khi không hẳn vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích của địa phương mình.
Họ e ngại những sự phê phán đối với cấp quản lý trực tiếp mình, nhất là phê phán liên quan đến chuyện nhạy cảm như tham nhũng thì sẽ phương hại đến mối quan hệ và lợi ích của địa phương. Vì sao như vậy? Tôi lấy ví dụ có một con đường đi qua địa phương xuống cấp, muốn tu sửa đàng hoàng thì phải xin ngân sách trung ương, như vậy đại biểu Quốc hội là người có cương vị trong bộ máy chính quyền địa phương ngày nào đó sẽ phải ra Hà Nội gặp ông bộ trưởng này, ông bộ trưởng kia. Nếu chỉ vì phát biểu ở nghị trường mà không bằng lòng nhau thì ai cũng e ngại dẫn đến ảnh hưởng. Cho nên chừng nào còn quan hệ xin cho là còn nể nang, né tránh.
* Là người đã có nhiều phát biểu về đấu tranh chống tham nhũng rất thẳng thắn ở nghị trường, cá nhân ông từng gặp áp lực nào tương tự như vậy chưa?
- Chúng ta đều sống dưới một gầm trời và chịu những mối quan hệ đang chi phối hiện nay, vấn đề là ý thức của mình thôi. Cho nên tôi thấy rằng mình không chịu áp lực nào cả. Tất nhiên khi đóng góp ý kiến nào cũng đặt mình vào vị trí của người ta, mục đích nói để họ nghe chứ không phải không nghe. Muốn họ nghe thì mình phải có lý lẽ chứ không được chủ quan phán xét.
* Việc tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách liệu có hạn chế được hiện tượng nêu trên?
- Tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách là một chuyện, nhưng gốc rễ là phải xóa bỏ dần quan hệ xin cho. Càng xây dựng và triển khai được nhiều kế hoạch trung hạn, dài hạn trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội thì xin cho càng ít có đất tồn tại. Chẳng hạn như trên diễn đàn Quốc hội cũng đã nói nhiều đến việc xây dựng kế hoạch trung hạn cho tất cả các địa phương và công khai các khoản ngân sách có liên quan, rõ ràng sẽ tạo nên sự chủ động và sử dụng vốn hiệu quả hơn. Các bộ ngành và địa phương biết mình có bao nhiêu tiền trong khoảng ba năm tới, họ không còn phải vất vả chạy xin cho từng năm nữa vì tất cả nằm trong quy hoạch, kế hoạch rồi.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện