Khi những người phụ nữ nổi trống kêu oan trước tam tòa
07/11/2013
Đào Tuấn
Trong ngày ông Chấn được tạm tha, đại diện pháp quyền, trong sắc áo công tố, đã tự tay thay cho ông Chấn một tấm áo, có lẽ là không ngẫu nhiên, có màu trắng
Năm 1840, bà Nguyễn Thị Tôn, một phụ nữ thôn dã miệt Vĩnh Long, sau cả tháng trời chống chiếc ghe bầu vượt biển đã đến phủ đầu trước Tam Tòa tại kinh thành, gióng lên 3 hồi trống Đăng Văn kêu oan cho chồng. Sau này có người viết rằng: “Tam Tòa là chỗ hệ trọng. Bước vào cửa quan đã là chuyện khó. Cầm tờ đơn kêu oan và bước vào Tam Tòa trong đại nội Hoàng thành không phải là chuyện ai cũng làm được. Cũng may, các vua nhà Nguyễn đã nghĩ đến dân, đã mở ra một cửa, cho dù là nhỏ và khó khăn cách mấy thì có lúc người dân thấp cổ bé miệng cũng được nhờ”.
Sau tiếng trống Đăng Văn của bà Nguyễn Thị Tôn, đích thân vua Minh Mạng duyệt lãm vụ án và sau đó tuyên cáo tha tội tử hình cho một nhân vật sau này đi vào sử sách: Đó là thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Nhưng số phận của người phụ nữ “kích cổ Đăng Văn” năm đó là một sự bạc bẽo của số mệnh. Sau khi cứu được chồng khỏi án tử, bà Nguyễn Thị Tôn, quá lao tâm khổ tứ, chẳng bao lâu sau thọ bệnh và mất tại Biên Hòa, khi thậm chí còn chưa gặp lại chồng.
Niềm tin vào sự trong sạch của chồng, và sự tuyệt vọng vào công lý, hiển hiện dưới hình hài những Bố Chánh Truyện, Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển đã khiến những người phụ nữ như bà Nguyễn Thị Tôn năm xưa, nhất mực kêu oan, cho dù, “kích cổ Đăng Văn” cũng chẳng khác gì việc vuốt râu hùm.
Phải chăng những hồi “kích cổ Đăng Văn” vẫn đang hãi hùng vang lên đến tận bây giờ khi những người vợ nhẫn nại, với hy vọng và tuyệt vọng, suốt 10 năm qua ròng rã kêu oan cho chồng?!
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói ông đã bật khóc khi đọc về vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. “Tôi cứ nghĩ nếu bản thân hoặc gia đình mình rơi vào cảnh ngộ thế này thì sẽ ra sao!”.
Sẽ ra sao ư?
Sẽ ra sao ư?
Bốn đứa con thất học vì bị chúng bạn kỳ thị là con của một kẻ sát nhân. Một người con gái 30 tuổi không dám lấy chồng vì sợ miệng lưỡi thiên hạ “bố nó ngồi tù vì hiếp dâm”. Và một người vợ phải vào viện tâm thần khi kêu oan khản cổ mà trời xanh chẳng thấu.
Hôm qua, khi nói về cảm giác của mình trước vụ oan sai 10 năm trời ở Bắc Giang, câu đầu tiên mà nhà sử học Trung Quốc nói là ông nghĩ tới những bộ phim hình sự Mỹ, nơi mà những nạn nhân tuyệt vọng với công lý, phải tìm cách “tự xử”, tìm cách “tự giải oan cho mình”.
“Thúc trống Đăng Văn” suốt 10 năm trong sự mù lòa của nữ thần công lý, người vợ của bị án chung thân Nguyễn Thanh Chấn đã phải “tự xử” bằng cách mua máy ghi âm. Ghi lén lại toàn bộ lời tố cáo hung thủ từ chính người nhà y. Và sau đó, đã đem những bằng chứng đó nộp cho chính những người đã luận tội oan chồng mình.
Và thật chua chat, công lý bấy giờ mới chợt tỉnh giấc. Thậm chí còn chưa kịp nhận ra rằng việc để người dân phải tự giải oan, còn có thể nói gì hơn, đang là một biểu hiện cho sự bất lực của công lý.
Công lý đã ở đâu khi “tiếng trống kêu oan” vẫn không ngừng được những Nguyễn Thị Tôn đương đại với thân tàn ma dại gõ suốt 10 năm qua?
Người tù oan Nguyễn Thanh Chấn vừa nói lý do mình buộc phải ký vào những bản cung nhận tội giết người rằng ông bị ép phải nhận khi có lúc 4-5 ngày đêm không được ngủ. Hóa ra, công lý, trong vụ án Bắc Giang, đang bị giam cầm sau 4 bức tường đá. Hóa ra công lý đang được thực thi bằng cách không cho ngủ, bằng cách để “đại bàng” thăm hỏi, bằng cách “dạy thực nghiệm hiện trường”. Hỏi rằng làm sao người ta có thể tin vào một thứ công lý chỉ tạo ra oan khiên, thứ công lý như những lưỡi kiếm cắt phựt sợi dây niềm tin cuối cùng. Và không chừng, với kiểu công lý hà hiếp đó, sẽ đến một lúc người dân sẽ tự xử để tìm công lý, bằng chính cái cách người ta đã thực “thi công lý” đối với họ.
Trong ngày ông Chấn được tạm tha, đại diện pháp quyền, trong sắc áo công tố, đã tự tay thay cho ông Chấn một tấm áo, có lẽ là không ngẫu nhiên, có màu trắng.
Nhưng giá như việc trả lại sự trong sạch cho ông được những nhà chức trách, với trách nhiệm với đồng lương từ thuế của chính những thường dân như ông Chấn, được tiến hành ngay từ cái ngày một tờ báo đã chuyển đơn kêu oan cho chính Viện trưởng VKSND TC. Thì có lẽ những tiếng trống Đăng Văn đã không dồn dập suốt 10 năm qua. Thì có lẽ, ít nhất một gia đình đã không nhà tan cửa nát với con gái chịu nhục 30 tuổi không dám lấy chồng, người vợ vào viện tâm thần vì tuyệt vọng. Thì có lẽ người dân đã không mất niềm tin công lý đến mức tự mình trở thành những pháp quan.
Năm xưa, bên mộ chí người vợ can đảm, người tù oan Bùi Hữu Nghĩa đã đọc tạ mấy câu văn tế:
Nơi kinh quốc, mấy hồi trống gióng, biện bạch này oan, nọ ức,
Đấng hiền lương mắt thấy thẳy đau lòng
Có một sự vĩ đại ẩn chứa trong liễu yếu đào tơ. Nhưng giá như không cần phải có những chiếc trống Đăng Văn đặt cửa tam tòa để những liễu yếu đào tơ không phải 10 năm thúc trống để bất đắc dĩ trở thành vĩ đại.