GS TS Nguyễn Đình Cống
Mác là một triết gia lớn, được
nhiều người đánh giá rất thông minh, có đạo đức tốt, rất yêu mến giai cấp vô
sản, suốt đời phấn đấu cho tự do và giải phóng vô sản. Mác là con người tuyệt
vời được hàng tỷ người ngưỡng mộ. Những kết luận do Mác đưa ra đã trở thành lý
luận cách mạng của nhiều đảng cộng sản và những đồ đệ của Mác cho rằng đó là
những điều duy nhất đúng, còn cái gì ngược lại là sai, là phản động. Hàng tỷ
người, trong đó có nhiều người thông minh, ưu tú, trong thời gian dài đã tin
vào điều đó, ca ngợi điều đó.
Người ta tin, rất tin vào Mác vì động cơ rất tốt đẹp của
ông, vì sự chứng minh, sự suy luận có hình thức bên ngoài chặt chẽ, vì lý
thuyết của Mác phù hợp với lòng mong ước của số đông. Lý thuyết đó đã thắng lợi
lớn ở một số nước, nhưng rồi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, Trung Quốc đưa ra
thuyết ba đại diện mà thực chất là không còn theo Mác một cách tuyệt đối. Tại
sao lại như vậy? Phải chăng trong lý thuyết của Mác có cái gì đó không đúng,
phải chăng Mác có nhầm lẫn điều gì?
Năm 1922, trong bài giảng về “Chủ nghĩa tam dân”, Tôn Trung
Sơn nhận xét như sau: Mác là người rất giỏi và có đạo đức tốt, chỉ tiếc
rằng luận thuyết đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người
của ông là một sai lầm nghiêm trọng.
Tôi không phải người nghiên cứu triết học
và sử học, càng không phải người hoạt động chính trị nên không có những nghiên
cứu sâu về Mác. Thời trẻ tôi học và thi các học thuyết của Mác đạt điểm khá
cao, rất tin vào các học thuyết đó, nguyện suốt đời phấn đấu theo các học
thuyết đó. Lớn lên tôi thấy một số điều trong thực tế cách mạng không giống như
lý thuyết, về già tôi ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm thực tế, xem một số tài liệu viết
về chủ nghĩa Mác mới cảm nhận thấy Mác có thể đã nhầm một cái gì đó. Tôi chỉ
viết ra những cảm nhận để trao đổi với bạn bè chứ không phải công bố một tài
liệu nghiên cứu khoa học. Mà đã là cảm nhận thì không cần chứng minh.
Theo tôi Mác đã có nhầm lẫn.
Tiếc rằng những nhầm lẫn đó là do lòng tốt của ông tạo ra,
nó được ẩn dấu rất kín đáo và ngấm ngầm tạo ra hạt giống độc hại.
Khi tuyên truyền, khi tiếp xúc với chủ nghĩa Mác người ta
chỉ chú ý đến, chỉ thấy, chỉ nói về những mặt tốt đẹp của nó mà chưa thấy được
hạt giống độc hại còn ẩn dấu rất kín. Chưa thấy được vì quá tin, quá yêu, quá
tôn sùng hoặc vì trình độ chưa đủ, chưa có con mắt và trí tuệ thật tinh tường.
Những hạt giống này chỉ có thể nẩy mầm khi có điều kiện thuận lợi, đó là khi
đảng cộng sản đã chiếm được độc quyền lãnh đạo xã hội và thi hành sự toàn trị.
Nếu chưa có điều kiện thuận lợi thì hạt giống đó cứ nằm yên, được giấu kín,
nhiều người không thể biết, chỉ có một số rất ít người, nhờ điều kiện khách
quan thuận lợi hoặc nhờ có linh tính cao mới biết được (ví dụ như Tôn Trung
Sơn, Gandhi, Bertrand Russell, Mandela, v.v.). Khi hạt
đã nảy mầm, thành cây, có cành lá, hoa quả thì mọi người mới thấy.
Tôi cũng vừa mới thấy trong thời gian gần đây thôi!
Khi hoa lá tiết ra chất độc làm hủy hoại môi trường người ta
mới đi tìm nguyên nhân. Nhưng phần lớn chỉ thấy nguyên nhân ở hoa lá mà không
thể, không muốn hoặc không dám tìm đến gốc rễ, đến hạt giống. Người ta đổ lỗi
cho môi trường, cho hoàn cảnh mà không dám đụng đến bản chất là hạt giống.
Tôi tạm dừng lại một chút để kể hai câu chuyện.
1- Chuyện của anh Ngữ, giảng viên của trường Đại
học Xây dựng. Ngữ sinh ra khỏe mạnh, thông minh, học giỏi từ phổ thông đến đại
học, được giữ lại làm giảng viên. Anh là một giảng viên có nhiều năng lực, được
tập thể tin cậy, đánh giá cao và đặt nhiều hy vọng. Anh rất tự tin vào thể
trạng và trí tuệ của mình, thường than phiền về người anh ruột hơi bị tâm thần.
Thế nhưng, đùng một cái, Ngữ phát bệnh tâm thần, chữa trị một thời gian không
khỏi và qua đời. Nhiều người tiếc thương cho một tài năng, đổ lỗi cho môi
trường đã gây ra bệnh, họ có biết đâu mầm bệnh đã được nằm sẵn ở gen từ trong
bào thai, chẳng qua mấy chục năm trời nó được giấu kín mà thôi, nó chỉ phát
bệnh khi đã tích lũy được năng lượng cần thiết, gặp được điều kiện phù hợp.
2- Chuyện Tề Hoàn Công. Là một ông vua khỏe
mạnh, giỏi giang, làm bá chủ, ông rất tự tin vào năng lực, uy tín và sức khỏe
của mình. Một hôm Tần Hoãn vào chầu, thưa với Tề Hoàn là vua đang có bệnh. Tần
Hoãn là một thầy thuốc nhờ có Tiên giúp mà có khả năng chỉ nhìn người mà biết
bệnh. Vua không nghe, tin rằng mình khỏe mạnh, chẳng có bệnh gì. Một thời gian
sau Tần Hoãn lại tâu là mầm bệnh đã phát triển, vua vẫn gạt đi vì không những
tự tin mà còn tin vào lời tâu của các quan, các thái y trong triều là vua vẫn
mạnh khỏe. Sau thời gian nữa Tần hoãn lại nài nỉ xin vua cho chữa bệnh thì bị
đuổi đi. Đến khi vua phát bệnh nặng cho tìm Tần Hoãn thì ông đã bỏ trốn. Sau
khi bị tìm được, bắt về chữa bệnh thì Tần Hoãn thưa: Ban đầu bệnh của Hoàng
thượng mới là mầm mống, có thể uống thuốc để chữa. Tiếp đến, bệnh phát triển
vào máu, có thể dùng châm cứu để chữa, nhưng vì không chữa nên để nặng thêm.
Đến khi bệnh phát ra da, tuy nặng rồi nhưng trong uống, ngoài xoa vẫn còn có
thể chữa. Còn đến bây giờ bệnh đã vào đến tủy thì hạ thần đành chịu bó tay. Tề
Hoàn Công và thân tín của ông trong thời gian dài không dám nói là ông có bệnh,
chỉ có một người biết và dám nói thì bị đuổi đi.
Mầm bệnh của chủ nghĩa Mác cũng giống như của hai người vừa
kể, nó đã tồn tại rất lâu, ngay từ lúc chủ nghĩa mới hình thành, ngay cả lúc
chủ nghĩa tỏa hào quang rực rỡ, làm say đắm hàng triệu chiến sỹ cách mạng. Hình
như một lúc nào đó Mác cũng cảm nhận được là nếu không khéo thì sau khi cách
mạng thành công sẽ phát sinh những bệnh không mong muốn. Nhưng Mác, vì bị lòng
tốt và tình cảm với giai cấp vô sản chi phối mà đã tin rằng bệnh có thể được
ngăn ngừa. Mác tưởng rằng những người theo học thuyết của ông để làm cách mạng
đều có được nhận thức và đạo đức như ông. Nếu quả như thế thì đó là một nhầm
lẫn lớn!
Nhiều học thuyết về xã hội, về triết học thường bắt đầu bằng
việc đánh giá con người (nhân chi sơ tính bổn thiện hoặc là tính bổn ác). Mác
cũng đánh giá: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Mác thấy con
người của xã hội tư hữu có nhiều đức tính xấu xa, tham lam, ích kỷ, không dung
hòa được mâu thuẩn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng, là cá lớn nuốt cá bé,
v.v. Mác thấy giai cấp vô sản không những đáng thương vì bị bóc lột mà còn đáng
yêu, đáng tin, đáng kính trọng vì họ đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau, sẵn
sàng hy sinh vì quyền lợi giai cấp. Mác bị ảnh hưởng nhiều bởi học thuyết
Đac–uyn, cho rằng môi trường, hoàn cảnh có ảnh hưởng quyết định đến sự tiến hóa
của muôn loài. Mác tin chắc thói xấu của con người là do tư hữu sinh ra. Khi
làm được cách mạng vô sản, đưa người vô sản lên cầm quyền để quản lý xã hội,
xóa bỏ tư hữu, thiết lập nền công hữu thì giai cấp vô sản dễ dàng xử lý mâu
thuẩn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng, xóa bỏ thói tham lam ích kỷ, mọi
người sẽ đoàn kết, thương yêu nhau, làm việc tự giác, đối xử công bằng.
Mác đã nhận thức nhầm về bản chất con người, đánh giá quá
cao những đức tính của giai cấp vô sản. Điều này cũng do vận dụng học thuyết
duy vật của ông. Ông cho rằng vật chất có trước và quyết định ý thức, ông phủ
định phần tâm linh nơi con người, ông không biết rằng tính tham lam, ích kỷ đã
được hình thành từ trong bào thai, là một phần thuộc tiên thiên, hoàn cảnh xã
hội chỉ làm tăng thêm hoặc giảm bớt mà thôi. Ông không biết rằng một con người
khi còn là vô sản có nhiều đức tính tốt vì hạt giống xấu chưa có điều kiện nẩy
mầm, nhưng khi đã trở thàmh người có quyền, mà lại là độc quyền thì các hạt
giống tốt sẽ thui chột đi, nhường miếng đất màu mỡ cho các hạt giống tư lợi,
độc đoán phát triển.
Khi quan sát sự nghèo đói của vô sản, Mác quá đề cao nguyên
nhân không có tư liệu sản xuất mà coi nhẹ một nguyên nhân khác cũng vô cùng
quan trọng, đó là những người nghèo đói nhất trong giai cấp vô sản thường là do
ngu dốt, lười biếng.
Mác quá tin, quá đề cao vai trò của vô sản nên đã suy đoán
rồi rút ra kết luận là cách mạng vô sản là tất yếu. Đã hơn 150 năm kể từ khi
Mác công bố Tuyên ngôn của các đảng cộng sản, lời dự đoán về cách mạng vô sản
đã không được kiểm chứng.
Mác là người tạo ra tiên đề để Lênin rút ra kết luận tất yếu
phải thiết lập chuyên chính vô sản, cho rằng chính quyền nhà nước là của giai
cấp này nhằm thống trị giai cấp khác đối lập. Đó là những kết luận rất sai lầm,
nó tạo ra sự độc quyền, chuyên chế, đàn áp những tư tưởng và xu hướng khác
biệt. Nhà nước của giai cấp theo Lênin có lẽ chỉ xảy ra dưới thời phong kiến và
cộng sản, còn bình thường thì nhà nước là cơ quan quản lý xã hội, nhằm dung hòa
quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tầng lớp. Lý luận về đấu tranh giai cấp, về
chuyên chính vô sản, về công hữu hóa tư liệu sản xuất do Mác và Lênin vạch ra
đã được những người kế tiếp như Stalin, Mao Trạch Đông phát triển thành những
thảm họa như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, cách mạng văn hóa, đàn áp
những xu hướng tư tưởng và xã hội khác biệt.
Trong khi đảng cộng sản thắng lợi ở một số nước nông nghiệp
nghèo như Nga, Trung Quốc, Việt Nam thì ở nhiều nước tư bản phát triển, các
đảng xã hội đi ngược lại với Mác, chủ trương không làm cách mạng vô sản mà tiến
hành cải cách xã hội theo phương hướng dung hòa quyền lợi. Họ đã tạo nên xã hội
tốt đẹp, phát triển như các nước Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Anh,
Thụy Sĩ, v.v.
Mác đã rất tin vào thắng lợi tất yếu và rất tốt đẹp của cách
mạng vô sản mà không thấy hết sự phá hoại nhiều thứ do cuộc cách mạng đó mang
lại. Mác đã rất đơn giản khi tin và cố chứng minh rằng trong xã hội do vô sản
lãnh đạo với sự công hữu tư liệu sản xuất thì mọi thứ đều phát triển tốt đẹp.
Mác rất nhầm khi cho rằng giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất hiện
đại, đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. Mác đã không dự đoán được rằng
một số không nhỏ những người, mới hôm qua, lúc đang vận động làm cách mạng thì
tỏ ra rất tốt, rất ưu tú, nhưng hôm nay, khi đã nắm quyền lực thì trở nên tư
lợi, độc đoán, họ lại đi theo vết xe của bọn thống trị đã bị họ lật đổ trước
đó. Điều ấy là nằm trong bản chất của số đông con người chứ không phải thuộc
bản chất giai cấp.
Tôi nhớ ở đâu đó Mác có viết là độc quyền sẽ dẫn đến thoái
hóa, điều đó là đúng cho mọi lĩnh vực, thế nhưng người ta lại chỉ vận dụng cho
kinh tế tư bản, còn đối với chính trị cộng sản và kinh tế quốc doanh thì người
ta lại cố bảo vệ sự độc quyền.
Khi phân tích sự sụp đổ của Liên xô, nhiều người chỉ ra 2
nguyên nhân cơ bản là sự thiếu dân chủ trong đảng cộng sản cầm quyền, là cán bộ
cấp cao chưa thực sự giác ngộ về giai cấp, thiếu rèn luyện nên thoái hóa, biến
chất. Khi phân tích những tiêu cực, những tệ hại của xã hội VN hiện nay người
ta cũng cho rằng nguyên nhân cơ bản là một số đông đảo cán bộ các cấp, các
ngành thoái hóa, biến chất, không giữ được đạo đức cách mạng. Tôi nghĩ rằng
những nguyên nhân đó chỉ là lá, là ngọn, dễ thấy, còn có nguyên nhân của nguyên
nhân, là thân, là gốc được ẩn dấu trong đất sâu mà người ta không thấy hoặc
thấy mà không dám đụng tới, không dám đào bới.
Thử hỏi một đảng cộng sản hùng mạnh như của Liên xô, của VN,
điều lệ viết rõ ràng về quyền dân chủ, về phê bình và tự phê bình, về nghĩa vụ
tu dưỡng đạo đức, mỗi lần đại hội đều nêu cao khẩu hiệu chọn người đủ đức, đủ
tài vào cấp ủy, thế thì cái gì sinh ra và dung dưỡng cái bọn mất dân chủ, cái
bọn thoái hóa ấy? Tôi đoán rằng chúng được sinh ra từ hạt giống đã được gieo từ
trước, đã được dấu kín trong một thời gian từ trong bản chất của học thuyết. Đó
là hạt giống chuyên chính, hạt giống độc quyền. Hạt giống này do Mác và Lênin
do vô tình hoặc cố ý đã gieo vào học thuyết chuyên chính vô sản, nó cứ nằm im,
nằm im mãi, chờ cho đến khi đảng cộng sản nắm được quyền lực thống trị thì mới
nẩy mầm và phát triển.
Có một câu châm ngôn từ xưa như sau: “muốn biết đạo đức một
người như thế nào hãy trao cho quyền lực và xem họ sử dụng quyền ấy như thế
nào”. Ngày nay có thể suy ra, muốn biết thực chất một đảng như thế nào, hãy xem
họ sử dụng quyền lực ra sao. Còn việc nói cho hay, tuyên truyền cho giỏi để lừa
nhân dân thì tầng lớp thống trị nào cũng nói được rất tốt, kể cả Napoléon,
Hitler, Nhật hoàng phát xít, Pol Pot…
Trong tác phẩm Karl Marx, Peter Singer viết “Quan niệm
của Mác về bản tính con người là sai lầm, nó không dễ thay đổi như ông
tưởng”. Peter còn nhận xét “chúng ta có những bằng chứng mà Mác
không có” do đó chúng ta phát hiện ra sai lầm của Mác. Trong tác phẩm
Giai cấp mới, Milovan Djilas vạch ra tính tất yếu của việc “toàn trị của một
giai cấp mới, đó là các đảng cộng sản cầm quyền”.
Nguyễn Ái Quốc đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào VN với mong
muốn vận dụng để lãnh đạo nhân dân đánh đuổi thực dân, giành độc lập, làm cách
mạng dân tộc phản đế. Ông cũng nhận thấy chuyên chính vô sản có thể gây ra
những bệnh tật không mong muốn nên đã sớm viết tài liệu “Sửa đổi lề lối làm
việc” để huấn luyện đảng viên, cán bộ nhằm ngăn ngừa các thói hư tật xấu từ độc
quyền đến mất dân chủ, từ độc quyền đến thoái hóa, biến chất, tham ô, lãng phí.
Thế nhưng ông đã phải chấp nhận lý thuyết đấu tranh giai cấp mà làm luôn cách
mạng dân chủ phản phong, cách mạng vô sản xây dựng XHCN. Ông đã rất muốn ngăn
ngừa sự thoái hóa biến chất nhưng rồi không thể nào ngăn được vì nó đã có sẵn
trong chủ thuyết.
Chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam mang theo sự chuyên chính, sự
độc quyền của đảng cộng sản, làm phát sinh một giai cấp mới với đặc quyền đặc lợi,
với sự độc đoán và tham nhũng, làm chậm lại sự phát triển của đất nước. Trong
tình hình của thế giới hiện nay nhiều điều cơ bản của chủ nghĩa Mác tỏ ra không
còn đúng.
Trong phương châm phát triển đất nước, trong dự thảo hiến
pháp vẫn nêu quyết tâm kiên trì chủ nghĩa Mác – Lê nin, kết hợp tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Trong một hội thảo khoa học của Hội Cựu giáo chức tôi có
liều mạng phát biểu là để bảo vệ sự đúng đắn và trong sáng của tư tưởng Hồ Chí
Minh thì nên tách tư tưởng đó ra khỏi chủ nghĩa Mác, và để phát triển đất nước
trong giai đoạn mới thì nên từ bỏ chủ nghĩa Mác. Lời phát biểu ấy đã bị một số
người lên án một cách thầm lặng hoặc công khai, nhưng cũng được nhiều người tỏ
ra tán thành một cách dè dặt.
N. Đ. C.
copy từ boxitvn
copy từ boxitvn