theo bbc :
Cầu siêu để đối phó tai nạn giao thông?
Cập nhật: 10:12 GMT - thứ ba, 19 tháng 11, 2013
Có câu hỏi phải chăng chính quyền Việt Nam đang mượn tới liệu pháp 'tâm linh', 'tâm lý' và 'siêu nhiên' để thu hút sự chú ý của cộng đồng trong giải bài toán về tai nạn giao thông ở trong nước.
Đây là nhận xét của một chuyên gia nghiên cứu văn hóa và tín ngưỡng dân gian nhân dịp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam vừa tổ chức cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam một đại lễ cầu siêu quy mô ở chùa Bái Đính cho nạn nhân tai nạn giao thông.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Hôm thứ Bảy, 500 đại đức, trụ trì nhiều chùa ở Việt Nam và các quan chức Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong đó có Bộ trưởng Giao thông - Vận tải BấmĐinh La Thăng đã phối hợp cầu siêu cho hàng trăm nạn nhân.
Bộ trưởng Thăng, người cũng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban nói:
"Đây là một sự kiện đặc biệt, là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ," Bộ trưởng Thăng nói.
"Bộ Giao thông - Vận tải, với tư cách cơ quan của một nhà nước thế tục, không nên đứng ra tiến hành một hành vi thực hành tín ngưỡng như thế, rất dễ gây ra những hiểu lầm."
Giáo sư Ngô Đức Thịnh
"Đại lễ cũng là một cơ hội nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng hãy làm tất cả những gì có thể để giao thông ở đất nước chúng ta ngày càng phát triển theo hướng văn minh, an toàn, hãy sống có ý thức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông."
Được biết đây không phải là lần đầu tiên một lễ cầu siêu được sự phối hợp giữa chính quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện để cầu siêu cho nạn nhân giao thông.
'Cầu siêu và vô thần'
Nhận xét với BBC hôm 18/11 từ Hà Nội, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian nói:
"Đây là một hành động của Phật giáo mà cá nhân các vị lãnh đạo hoặc nhà nước, có thể đến tham gia việc đó. Chứ theo tôi, Bộ Giao thông - Vận tải, với tư cách cơ quan của một nhà nước thế tục, không nên đứng ra tiến hành một hành vi thực hành tín ngưỡng như thế, rất dễ gây ra những hiểu lầm."
Nhà nghiên cứu cho rằng ở Việt Nam hiện nay cần có một sự 'rạch ròi' về vấn đề này.
"Chứ không sẽ có nhiều cái dẫn đến hiểu lầm, một sự đánh giá, nhất là vấn đề rất nhạy cảm về tôn giáo, tín ngưỡng. Bản thân nhà nước Việt Nam là nhà nước theo ý thức hệ cộng sản, một ý thức hệ dù sao trước kia cũng theo chủ nghĩa vô thần."
Một chuyên gia khác cũng từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Đức Truyến, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Văn hóa, Viện Xã hội học cũng chia sẻ quan điểm này.
Ông nói với BBC: "Vì có yếu tố tâm linh ở trong đó, nên để người dân người ta tự nguyện thì hay hơn là bây giờ mình lại chính thức hóa đời sống tâm linh ấy.
"Tức là nhà nước thừa nhận đời sống tâm linh ấy thì nó sẽ khó nhiều mặt như giải thích hệ tư tưởng của nhà nước là gì."
Nhà xã hội học nhân sự kiện này đặt câu hỏi về sự bình đẳng của các tôn giáo:
"Và thứ hai là giữa các hệ tư tưởng ấy, nó có được bình đẳng với nhau hay không. Tôn giáo này thì được thừa nhận, cái khác thì sao?"
Số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Việt Nam được công bố trên trang mạng của Bộ Giao thông - Vận tải hôm thứ Bảy cho biết mỗi ngày có gần 30 người bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông cùng với hàng trăm người bị thương tật suốt đời.