Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Chống tham nhũng: đả hổ, đập ruồi?

Nguyễn Quang A
Mấy ngày qua báo chí Việt Nam rầm rộ đưa tin trên diễn đàn Quốc hội hàng loạt đại biểu quốc hội Việt Nam bàn về chống tham nhũng đã đòi hỏi phải “đánh cả hổ lẫn ruồi” với hàm ý “hổ” là quan to tham nhũng lớn, “ruồi” là quan nhỏ tham nhũng vặt. Liệu đả hổ đánh ruồi có giảm giải quyết được nạn tham nhũng?
Thực ra, cách nói đả hổ đánh ruồi đã được Mao Trạch Đông dùng trong chống tham ô từ các năm 1950 ở Trung Quốc. Suốt từ đó đến nay các vị lãnh đạo Trung Quốc kế vị nhau đều đã lên tiếng và đưa ra các chính sách quyết liệt theo kiểu “đả hổ đánh ruồi” tuy không nhấn mạnh đến các từ này. Đả hổ đánh ruồi lại rộ lên ở Trung Quốc từ tháng 3 năm nay khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc sau khi đã trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc mấy tháng trước đó, và chống tham nhũng là một chính sách ưu tiên của ông (cũng như của bao đời lãnh đạo Trung Quốc khác).
Như thế ý tưởng của nhiều đại biểu quốc hội Việt Nam cũng cũ lắm rồi! Hãy không bàn về khía cạnh “lệ thuộc tư duy” hay “ăn theo nói leo” theo cách nói dân dã, mà chỉ xét về tính hiệu quả của phương sách “đả hổ đánh ruồi” trong chống tham nhũng.
Tại Trung Quốc từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, đến Hồ Cẩm Đào đã đều quyết liệt chống tham nhũng và dẫu được nhấn mạnh hay không thì phương thức “đả hổ đánh ruồi” đã đều được áp dụng. Nhiều “con hổ”, Bộ trưởng thậm chí ủy viên Bộ chính trị, đã bị trừng trị và cơ man nào là “ruồi” đã bị diệt, nhưng tham nhũng vẫn là vấn đề sống chết của chế độ. Chính việc ông Tập Cận Bình phải sử dụng lại cách nói này của Mao đã minh chứng cho vấn đề tham nhũng không được giải quyết ở Trung Quốc.
Liệu phương sách đó có mang lại kết quả quyết định? Chắc chắn phong trào ấy có tác dụng răn đe, nhưng nhất định không có kết quả quyết định trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Bởi vì nó không giải quyết được nguyên nhân chính của tham nhũng: độc quyền quyền lực. Tham nhũng luôn gắn với quyền lực. Không thể xóa bỏ tham nhũng chừng nào còn có quyền lực, và quyền lực sẽ còn cần cho loài người chí ít vài chục ngàn năm nữa! Chỉ có thể đấu tranh để làm giảm tham nhũng. Quan trọng nhất là có cơ chế để nhanh chóng phát hiện ra tham nhũng, trừng trị những kẻ tham nhũng, tạo ra những khuyến khích để người ta khó và phải tính toán cẩn trọng khi tham nhũng. Nói cách khác tham nhũng là vấn đề thể chế, là vấn đề của hệ thống. Chỉ có cải cách thể chế, xây dựng nền dân chủ thật sự, đảm bảo tự do ngôn luận, xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh, đảm bảo các quyền tự do, các quyền con người, và có nền pháp trị nghiêm minh cùng với sự kiềm chế sự lạm dụng quyền lực (mà sự độc lập và kiềm chế lẫn nhau của 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp là một cách tuy không hoàn hảo nhưng loài người chưa tìm ra cách tốt hơn) mới là phương sách tốt nhất để đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ngược lại, thì đả con hổ này sẽ sinh ra những con hổ khác, đánh lũ ruồi này lại có thêm những lũ ruồi khác, như lịch sử đã cho thấy.
Cho nên “đả hổ đánh ruồi” không phải là cách hữu hiệu trong chống tham nhũng. Chính vì thế, không nên thấy người ta nói, mình cũng họa theo, bởi vì nó chỉ chứng tỏ sự nông cạn về tư duy và thậm chí tạo cơ hội cho việc suy luận về sự không độc lập, sự lệ thuộc về tư duy, thậm chí về việc lạm dụng cách đó để hạ bệ lẫn nhau trong đấu đá tranh giành quyền lực.
 ————-
02/11/2013 06:42

Bàn về “đả hổ đánh ruồi”

Dân Việt - Mấy ngày qua báo chí đưa tin trên diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu khi bàn về tình hình phòng chống tham nhũng đã đòi hỏi phải “đánh cả hổ lẫn ruồi” với hàm ý “hổ” là quan to – tham nhũng lớn, “ruồi” là quan nhỏ – tham nhũng vặt.
Liệu “đả hổ đánh ruồi” có giảm, có giải quyết được nạn tham nhũng? Thực ra, cách nói “đả hổ đánh ruồi” đã được Mao Trạch Đông dùng trong chống tham ô từ những năm 1950 ở Trung Quốc. Suốt từ đó đến nay các vị lãnh đạo Trung Quốc kế vị nhau đều đã lên tiếng và đưa ra các chính sách quyết liệt theo kiểu “đả hổ đánh ruồi” tuy không nhấn mạnh đến các từ này. “Đả hổ đánh ruồi” lại rộ lên ở Trung Quốc từ tháng 3 năm nay khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc. Và chống tham nhũng là một chính sách ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình.
Như thế ý tưởng của nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng không có gì mới! Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ nét hơn về tính hiệu quả của phương sách này trong chống tham nhũng.
Tại Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào đều đã quyết liệt chống tham nhũng và dẫu được nhấn mạnh hay không thì phương thức “đả hổ đánh ruồi” đều đã được áp dụng.
Nhưng có một câu hỏi cần đặt ra:?Liệu phương sách đó có mang lại kết quả quyết định? Chắc chắn phong trào ấy có tác dụng răn đe, nhưng chưa chắc đã có kết quả quyết định trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Quan trọng nhất là có cơ chế để nhanh chóng phát hiện ra tham nhũng, trừng trị những kẻ tham nhũng, tạo ra những khuyến khích để người ta khó và phải tính toán cẩn trọng khi tham nhũng. Bên cạnh đó, chỉ khi xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, minh bạch các vấn đề, xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh, có nền pháp trị nghiêm minh cùng với sự kiềm chế sự lạm dụng quyền lực (mà sự độc lập và kiềm chế lẫn nhau của 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp là một cách tuy không hoàn hảo nhưng loài người chưa tìm ra cách tốt hơn) mới là phương sách tốt nhất để đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Cho nên “đả hổ đánh ruồi” chưa chắc đã là cách hữu hiệu trong chống tham nhũng. Bởi nó chỉ triệt tiêu một hiện tượng, sự việc cụ thể chứ chưa xoáy sâu tới bản chất của nạn tham nhũng.
Nhưng trong một chừng mực nào đó, khi cuộc chiến chống tham nhũng vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước, vẫn phải coi “đả hổ đánh ruồi” là một giải pháp cần thiết và bức thiết. Làm được điều này đồng nghĩa với việc thể hiện quyết tâm chống tham nhũng quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị, lấy lại phần nào niềm tin của nhân dân.
Nguyễn Quang A