Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Quê Choa: Lựa chọn nào cho chúng ta?

Bình Lê Thọ
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam thêm một lần nữa cho thấy rõ hơn mưu đồ, tham vọng và dã tâm xâm lược nước ta của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Trong thời gian qua dư luận nói chung và giới nghiên cứu nói riêng thường đặt ra nhiều câu hỏi,nhưng tựu trung là hai vấn đề:



(1) Bao giờ Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam và (2) Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra rồi thì Việt Nam sẽ lựa chọn chiến lược đối ngoại như thế nào?
Câu hỏi thứ nhất trả lời rất đơn giản: Trung Quốc sẽ phải rút giàn khoan ra khỏi lãnh hải Việt Nam trước khi mùa bão tới.

Tuy nhiên vấn đề thứ hai trả lời không đơn giản.

Để đi tìm lời giải chúng ta cần nhìn lại lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và cách nhìn nhận, xử lý mối quan hệ này như thế nào của các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Ở đây không đề cập tới hàng nghìn năm Bắc thuộc và các triều đại phong kiến xâm lược Việt Nam. Chỉ xem xét mối quan hệ hai nước kể từ khi ra đời Nhà nước Việt Nam DCCH và CHND Trung Hoa.
Có thể nói mối quan hệ này có lúc thăng, lúc trầm, lúc ấm, lúc lạnh, nhưng dã tâm xâm chiếm Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi.

Như bao nhiêu bậc quân vương khác, không thể tránh được những mặt mạnh- yếu, hay- dở trong lúc trị vì, nhưng riêng cách nhìn và thái độ đối với người láng giềng phương Bắc, cố TBT Lê Duẩn là vị lãnh đạo kiên quyết và rõ ràng nhất, như bao nhiêu thế hệ ông cha đã từng răn dạy.

Chúng ta hãy nghe ông phát biểu: “Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là Chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á“. Đặng Tiểu Bình cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Chủ yếu là vì nông dân nghèo, trong tình cảnh khó khăn cùng cực”. Khi chúng tôi ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó, anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á. Bây giờ đã rõ rồi“. Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam! Mao còn hỏi tôi: “Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?”. Tôi trả lời: “Khoảng 200.000 cây số vuông”. Mao hỏi: “Dân số của họ bao nhiêu?”. Tôi trả lời: “Khoảng 3 triệu!”. Mao nói: “Như vậy là không nhiều. Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà”. Mao lại hỏi: “Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?”. Tôi trả lời: “Khoảng 500.000 cây số vuông”. Mao hỏi: “Có bao nhiêu người?”. Tôi trả lời: “Khoảng 40 triệu!”. Mao nói: “Lạy Chúa! Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan”. Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta (Mao) nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?” Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi đánh các ông luôn. Các ông có biết điều đó không?”. Tôi đã nói với Mao Trạch Đông như thế. Ông ta nói: “Có, có”. Ông ta muốn chiếm Lào, cả Thái Lan, cũng như muốn chiếm tất cả các nước Đông Nam Á. Đưa người dân đến sống ở đó” (Trích từ Bài phát biểu của TBT Lê Duẩn về “tập đoàn phản động Trung Quốc”).(vietinfo.eu)

Có thể nói giai đoạn cuối những năm 70 đầu 80 của Thế kỷ trước quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là xấu nhất. Năm 1978, một năm trước khi Trung Quốc đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc VN, TBT Lê Duẩn viết: “Phải xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Muốn có hạnh phúc cho nhân dân phải giàu mạnh và hùng cường. Đó là vì vị trí lịch sử và địa dư của Việt Nam. Không thể khác được. Vì chúng ta ở bên cạnh một nước mà lịch sử của nước đó chưa ra khỏi cuộc sống người ăn thịt người”.

Không nghi ngờ gì nữa, đó là ám chỉ tới người láng giềng Trung Quốc, đất nước với lịch sử từng có tập tục “người ăn thịt người” mà chính Văn hào Lỗ Tấn đã đề cập tới nhiều lần trong tiểu thuyết “Nhật ký người điên” nổi tiếng của ông.

Và như chúng ta đã biết, Trung Quốc đã đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới nước ta và hậu quả của nó thật thảm khốc như thế nào thì chúng ta đều biết.

Có thể nói đó là lúc Việt Nam nhìn thấy rõ bản chất thực nhất của Nhà cầm quyền Trung Quốc; các cơ quan: Đảng, Quốc hội, Chính phủ đồng tâm nhất trong cách xác định về Trung Quốc. Thậm chí quan điểm này đã được ghi hẳn trong Hiến pháp: “Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hoà bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.” (Trích “Lời nói đầu” của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1980).

Đây thực sự là cơ hội vàng để các nhà lãnh đạo Việt Nam lựa chọn đối tác chiến lược. Lúc ấy có 3 đối tác chiến lược cần lựa chọn: (1) Liên Xô (dễ nhất, nhưng kém hiệu quả nhất), (2) Mỹ (cực khó, nhưng không phải không thể), (3) quay trở lại với Trung Quốc (cực xấu, nhưng an toàn). Và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chọn phương án “dễ nhất”, đồng thời loay hoay mãi rồi cuối cùng lại quay về, tiếc thay, với phương án “cực xấu”. Các cuộc tiếp xúc, cuộc gặp Thành Đô và cuối cùng là Trung Quốc trao cho Việt Nam “16 chữ vàng” và quan hệ hai nước được thiết lập trên nền tảng của “4 tốt”.
Hôm nay Việt Nam chúng ta lại đang đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn! Dẫu cho sự nhìn nhận “kẻ thù Trung Quốc” có phần không quyết liệt và đồng nhất như giai đoạn cuối 70 đầu 80 của thế kỷ trước, nhưng cơ hội lựa chọn đồng minh chiến lược thì lại thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng ta không còn buộc phải lựa chọn đồng minh chiến lược “dễ nhất” nữa. Chỉ còn lại 2 kịch bản chính (không nói đến những kịch bản phụ): hoặc là với Mỹ hoặc là lại quay trở lại với... Trung Quốc theo tinh thần “Môi hở, răng lạnh- Máu chảy, ruột mềm”.

Trong một thế giới đầy biến động và nhiều rủi ro như hiện nay thì việc quan hệ hợp tác với các nước trên cơ sở “bình đẳng, đôi bên cùng có lợi” chỉ tồn tại trên lý thuyết (nếu không muốn nói là hão huyền). Ở Châu Á, phát triển và tiềm lực kinh tế mạnh đến như Nhật Bản, Hàn Quốc và ở châu Âu như Pháp và Đức nói riêng và Khối NATO nói chung cũng đều phải liên minh chiến lược với Mỹ, chứ chưa nói gì tới những nước nhỏ và yếu như Philippine.

Tuy nhiên để có thể trở thành đồng minh chiến lược với Mỹ là không hề đơn giản. Điều kiện đưa ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự lãnh đạo “tuyệt đối và toàn diện”của Đảng cộng sản Việt Nam. Theo sự hiểu biết thiển cận của tôi thì đây chưa phải là lúc Đảng ta sẵn sàng làm việc này.

Vậy sau khi Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng lãnh thổ của Việt Nam thì Việt Nam sẽ lựa chọn như thế nào?

Rất tiếc, có thể rất, rất nhiều bạn sẽ phản đối tôi, nhưng thực sự tôi không nhìn thấy khả năng kịch bản thứ nhất sẽ diễn ra!
(Nguồn : Quê Choa: Lựa chọn nào cho chúng ta?: )