Đại Vệ Chí Dị - Kẻ thù nước Vệ
Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 69.
Quân Tề ngang nhiêm xâm lược lãnh hải Vệ. Chiến thuyền giăng đầy trên biển, súng ống giáo mác lăm le. Nhà Sản khiếp hãi.
Quan lại nhà Sản nhìn nhau, ai cũng chờ người khác hành động. Buổi thiết triều nào cũng vậy, quan lại loanh quanh nói chuyện giáo dục, chuyện thu thuế, chuyện cầu đường....nhưng động đến chuyện Tề xâm lược quan nào cũng giả bộ không phải lãnh vực mình quản lý.
Dân tình trong nước sục sôi căm hận. Nhà Sản không thể làm ngơ, đành họp quần thần để nghị việc.
Ngoài chợ dân chúng ngóng cổ theo dõi tin tức trong triều. Có kẻ nói.
- Tôi có thể đoán người nào sắp tới được thăng chức hay trong diện được thăng chức.
Thiên hạ mới xúm vào trách.
- Nước đang lâm nguy, giặc ngoài bờ cõi, sao lại nói chuyện thăng chức cho quan lại.?
Người kia vuốt râu cười khà khà.
- Nước lâm nguy thì mới rõ ai là kẻ sắp được thăng chức. Chuyện thăng chức liên quan đến chuyện nước lâm nguy. Không nói không được.
Thiên hạ hỏi.
- Liên quan thế nào.?
Người kia ung dung giảng.
- Này nhé, quan nào sắp lên chức thì đời nào họ muốn chiến tranh xảy ra. Mọi người cứ nghĩ mà xem, nước Vệ tuyển quan lại do cơ cấu. Ví dụ đại thần này kỳ tới dự định lên chức cao. Giờ có binh đao, mọi thứ đảo lộn. Nhân sự sắp xếp phù hợp với tình hình thời chiến. Kẻ làm quan kia tự dưng chức tước tuột khỏi tay, lẽ nào muốn điều ấy xảy ra.?
Thiên hạ hỏi.
- Nhưng làm thế nào để biết kẻ đó.
Người kia.
- Cứ nhìn thấy quan lại nào mà nói yêu chuộng hòa bình, gìn giữ tình hữu hảo, đấu tranh chủ quyền phải gắn liền với ổn định chính trị, phải lo phát triển làm ăn xây dựng đất nước ....là những kẻ sắp lên chức. Phàm những kẻ sắp lên chức mới tha thiết duy trì tình trạng bằng mọi giá để tiến thân. Ngày trước Tề xâm lược biển đảo, đánh đảo Đá Quỷ , giết chết mấy chục binh sĩ Vệ. Nhưng nhờ có hứa hẹn đảm bảo để Thập Đậu và Anh Tài nắm chính sự. Bọn đó vì thế làm ngơ bỏ qua chuyện ấy, cấm dân thiên hạ được nhắc tới. Lại còn tuyên truyền cho dân chúng việc giữ hòa bình, hữu nghị để phát triển.
Thiên hạ hỏi móc.
- Nói vậy thì những người chủ trương khác là sắp mất chức à.?
Người kia cười.
- Nói thế cũng đúng. Vì quan lại nước Vệ khi thấy phía trước không còn gì cho mình, thường mới mạnh mồm. Như ta vẫn thấy quan lại Vệ khi đương chức thì im lặng, nếu có nói thì cũng giọng hòa bình, ổn định. Nhưng khi về hưu thì lại đòi thay đổi này nọ. Những kẻ thấy đại hội nhân sự kỳ tới không có chỗ cho mình, bị kẻ khác cướp thì muốn to chuyện để có cơ hội thay đổi sắp xếp nhân sự trong triều.
Thiên hạ than dài.
- Ôi chao nước Vệ ơi. ! Thế thì chống xâm lược thế nào.?
Người khác chen vào.
- Muốn chống quân xâm lược, phải xác định rõ kẻ thù. Nói từ này giờ đã rõ kẻ thù rồi.
Mọi người quay ra hỏi người vừa nói.
- Kẻ thù là quân xâm lược Tề còn gì phải xác định.
Người vừa cất tiếng ban nãy nói.
- Như thế chưa đầy đủ và toàn diện, kẻ thù còn chính là những kẻ coi Tề là bạn, vì quyền chức tương lai của chúng.
Người nói lúc đầu xua tay.
- Xin các ngài đừng lan man biện chứng, sa vào lý thuyết. Kẻ thù của đất nước chỉ có mấy từ '' cơ cấu nhân sự '' mà thôi. Dẹp được cái ấy thì ắt dẹp được giặc xâm lăng.
Bấy giờ lại nói đến chuyện nhà Sản hội triều bàn việc ngoài kia giặc Tề xâm lược. Các quan lại đều nhất trí phải ổn định chính sự, giữ vững kỷ cương, đường lối đất nước. Việc làm cụ thể nhất là phải tiếp tục hoạch định nhân sự kế tiếp kỳ tới. Việc đối phó với Tề nếu đời này không đòi được thì tạm gác lại đời sau. Vệ Kính Vương ban hành nhiều chỉ dụ để tăng cường vai trò lãnh đạo của nhà Sản.
Các đại thần nhìn gương bọn Thập Đậu, Anh Tài nhờ giữ mồm miệng mà hưởng ngôi cao phú quý đời đời, sung mãn đến tận già, con cháu hưởng bổng lộc không biết bao nhiêu mà kể, ai cũng khát khao. Đấy là bài học mà Tề đã dạy cho các quan lại nhà Sản nước Vệ thấm nhuyễn, trước khi đưa quân sang xâm lược nước Vệ lần nữa.
Xem nguồn !: