Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Nhật triển khai tên lửa gần vùng tranh chấp

thanhnienonline

Trước các nguy cơ an ninh trong khu vực, Nhật Bản đã thông qua kế hoạch triển khai tên lửa chống hạm ở biển tây nam nước này.


Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật - Ảnh: Military Today
Theo tờ Sankei Shimbun hôm qua, lực lượng phòng vệ Nhật sẽ sớm triển khai 192 tên lửa chống hạm Type 12 tầm bắn 200 km trên đảo Kyushu nhằm “ngăn chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc (TQ)”. Ngoài ra, loại tên lửa tối tân này cũng sẽ được triển khai tại đảo Hokkaido ở cực bắc nước Nhật và tỉnh Aomori phía bắc đảo Honshu nhằm “ngăn chặn các mối đe dọa quân sự từ Nga”.
Vô hiệu hóa tàu đối thủ
Giới tướng lĩnh và chuyên gia quân sự Nhật tin rằng nếu nổ ra xung đột TQ sẽ nhanh chóng triển khai một loạt tàu chiến cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường để chặn đường vào các vùng biển xung quanh những hòn đảo xa của Nhật. “Tên lửa chống hạm Type 12 sẽ giúp ngăn chặn mọi hành động quân sự như vậy”, Sankei Shimbun dẫn lời các chuyên gia nhận định. Trước Type 12, Tokyo cũng đã triển khai tên lửa chống hạm Type 88 tầm bắn 150 km tại đảo Miyako, thuộc tỉnh Okinawa, nhân một cuộc diễn tập quân sự với kịch bản là đánh chiếm lại một hòn đảo bị đối thủ kiểm soát hồi tháng 11.2013. Miyako là hòn đảo gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku nhất, với khoảng cách chỉ 170 km. Đảo này cũng nằm gần eo biển Miyako, nơi tàu hải quân TQ thường phải đi qua nếu muốn ra vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương. Vì thế, giới phân tích TQ luôn xem Miyako là một vị trí chiến lược quan trọng để Nhật triển khai tên lửa nếu nước này muốn uy hiếp thực sự đối với hải quân TQ. “Eo biển Miyako dài 250 km và tầm bắn của tên lửa Nhật lên đến 150 km. Nếu triển khai tên lửa ở cả hai đầu eo biển, Nhật dễ dàng cô lập tuyến hàng hải này”, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời đại tá Lý Kiệt của TQ. Thậm chí, ông Lý nói thêm rằng nhờ những tiến bộ công nghệ, Tokyo có thể sớm chiếm ưu thế ngay cả khi chỉ triển khai tên lửa tại một đầu eo biển.
Những “mũi giáo” lợi hại
Theo tạp chí Mỹ The National Interest, ngoài các tên lửa chống hạm nói trên, Nhật Bản cũng đang sở hữu nhiều loại vũ khí tối tân, có thể đóng vai trò “mũi giáo” tiên phong trong xung đột. Cụ thể, đó là tàu ngầm điện/diesel lớp Soryu với hệ thống động cơ AIP tối tân giúp tàu lặn sâu và dài ngày hơn. Soryu là loại tàu ngầm lớn nhất của Nhật từ sau Thế chiến 2 và là tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại nhất thế giới hiện nay, được trang bị hệ thống sonar hiệu suất cao và có khả năng tàng hình. Với độ choán nước 4.100 tấn, tàu ngầm lớp Soryu có 6 ống phóng ngư lôi Type 89 và tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ. Tiếp đến là máy bay chiến đấu F-15J, được trang bị tên lửa dẫn đường hồng ngoại AAM-5 và tên lửa tầm trung AAM-4B. Đây là một trong số ít tên lửa trên thế giới sử dụng đầu dò radar và theo The National Interest, TQ được cho là chưa sở hữu công nghệ này.
Một con chủ bài khác của Tokyo là tàu khu trục lớp Atago, được mệnh danh là “kho vũ khí nổi” với độ choán nước 10.000 tấn. Hệ thống Aegis do Mỹ thiết kế biến tàu lớp Atago thành hệ thống phòng không cơ động mạnh mẽ, có thể bắn hạ cả máy bay cũng như tên lửa đạn đạo. Tàu còn được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa đất đối không SM-2, tên lửa chống tàu ngầm ASROC…
The National Interest cũng đặc biệt nhắc tới tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo. Với độ choán nước 27.000 tấn, đây là lớp tàu hải quân lớn nhất của Nhật sau Thế chiến 2. Được các chuyên gia ca ngợi là một trong những tàu chiến đa năng nhất, Izumo chở được 14 trực thăng, bao gồm trực thăng chống tàu ngầm SH-60. Nhờ đó, tàu có thể săn tìm tàu ngầm trên một vùng biển rộng lớn. Còn nếu được sử dụng như một tàu đổ bộ, Izumo có thể nhanh chóng triển khai quân đến các hòn đảo xa xôi của Nhật. Tuy Tokyo không thể hiện ý định sở hữu tàu sân bay nhưng khi cần lớp tàu Izumo còn hoạt động hiệu quả hơn nhiều tàu sân bay thứ thiệt và có thể trở thành bệ phóng cho các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5. 
TQ thử tàu ngầm hạt nhân ở biển Đông
Nhân Dân nhật báo loan tin hải quân TQ đã thử nghiệm thành công một loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ mới ở biển Đông, nhưng không nói rõ địa điểm. Tờ báo khoe rằng ngư lôi của tàu ngầm mới đã phá hủy thành công nhiều mục tiêu dưới nước “ở độ sâu kỷ lục”.
Trước đó, báo mạng The Washington Free Beacon của Mỹ loan tin TQ đã triển khai 3 tàu ngầm lớp Tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân và được trang bị tên lửa đạn đạo tới căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam. Tàu ngầm lớp Tấn có tầm hoạt động được quảng cáo là lên tới 14.000 km và có thể mang 12 tên lửa đạn đạo. Giới quan sát cho rằng triển khai tàu ngầm đến Hải Nam là một phần trong kế hoạch của TQ bắt đầu tuần tra thường kỳ bằng tàu ngầm tên lửa hạt nhân ở biển Đông, vừa để “giương oai” trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang dâng cao.
Văn Khoa
Danh Toại