Lãng
Lịch sử bang giao giữa Việt Nam với Trung Quốc là một trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại. Nó được phủ bóng với một độ dày đặc của các cuộc chiến xâm lược (từ Trung Quốc) và chống xâm lược (từ Việt Nam), với một tần suất mà không có bất kỳ trường hợp nào khác có thể so sánh.
Tính từ thế kỷ thứ 10 đến nay, không dưới 10 lần người Việt phải chịu đựng các cuộc tiến công xâm lăng từ phương Bắc. Năm 938 Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Người Việt được hưởng hoà bình ít năm, cho đến năm 981, Lê Hoàn phá tan quân Tống. Sang thế kỷ thứ 11, Lý Thường Kiệt mang quân đại phá Ung Châu và lui về đắp lũy trên sông Như Nguyệt. Chiến thắng này của nhà Lý mang lại hoà bình cho Việt Nam đến thế kỷ thứ 13. Từ năm 1258 đến 1288, trong ngắn ngửi có 30 năm, người Việt Nam phải hứng chịu ba cuộc xâm lược tàn bạo đến từ Trung Quốc. Đạo quân xâm lược từ phương Bắc quay lại vào năm 1404. Lần này phải mất 23 năm, đến năm 1427 người Việt mới giành lại được độc lập dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi. Đây cũng là lần xâm lược để lại hậu quả đau thương nhất cho văn minh người Việt, khi Trung Quốc thực hiện việc đốt phá kinh sách, đập phá văn bia trong suốt những năm chiếm đóng nhằm hủy diệt văn hoá và đồng hoá Việt Nam. Sang thế kỷ thứ 18, Trung Quốc một lần nữa xua quân chiếm kinh đô Thăng Long. Lần này chúng gặp một đối thủ cứng cựa là vua Quang Trung, nên bị đánh tan tác và phải tháo chạy về nước sau ít tháng. Cuộc đô hộ 80 năm của Pháp ở Việt Nam khiến các đạo quân xâm lăng phương Bắc bị gián đoạn trong một khoảng thời gian. Đến năm 1974, chúng quay lại chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Năm năm sau đó, 30 vạn quân Trung Quốc tràn xuống phía Bắc. Bị chặn lại và phải tháo lui, tuy nhiên tình trạng chiến tranh còn bị duy trì đến tận những năm 1990. Năm 1988, Trung Quốc xua hải quân chiếm đóng một phần Trường Sa. Đến năm 2014, Trung Quốc xua hạm đội và giàn khoan cắm sâu vào lãnh hải Việt Nam, trong một mưu đồ xâm lăng không hề che dấu.
Có thể nói, ý đồ Nam tiến của Trung Quốc, chưa bao giờ phai nhạt trong suốt lịch sử tồn tại của nó và gần như là một mục tiêu xuyên suốt và luôn được kế thừa bởi mọi triều đại nắm quyền tại Bắc Kinh. Ở đây có một liên tưởng lịch sử khá khôi hài là Trung Quốc nhiều lần lớn tiến đòi Nhật Bản phải hối lỗi về quá khứ xâm lăng trong thế chiến thứ hai. Nhật chiếm đóng Trung Quốc đến nay chỉ duy nhất có một lần. Trong khi nếu nhìn vào mật độ dày đặc của các cuộc chiến xâm lược Trung Quốc tiến hành với Việt Nam, có thể nói đất nước có ít tư cách đòi hỏi người khác phải hối lỗi vì chiến tranh nhất chính là Trung Quốc.
Hầu hết các nước châu Á sống cạnh Trung Quốc đều đối mặt với nguy cơ bị xâm lược. Họ chỉ thoát khỏi bóng ma ám ảnh này khi thật sự mạnh lên và thành công trong tiến trình hội nhập với nền văn minh phương tây. Ngày nay, dù phải đối mặt với một vài nguy cơ xung đột về lãnh hải, nhưng Nhật. Bản và Hàn Quốc đều khá an toàn với niềm lực kinh tế hùng hậu và những mối quan hệ đồng minh thân thiết giúp đảm bảo an ninh. Ngược lại, quốc gia đang đứng trước nguy cơ bị xâm lăng (về lãnh thổ) và thôn tính (về mặt kinh tế) nặng nề nhất tại Á Châu chính là Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ tương lai của người dân Việt Nam bị đe dọa và thách thức như hiện nay, khi trên biển giàn khoan và hạm đội Trung Quốc đang ngày một tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam, còn về mặt kinh tế, Trung Quốc gần như đã biến Việt Nam thành một nền kinh tế phái sinh, lệ thuộc nặng nề và trở thành một công cụ giúp Trung Quốc gia tăng trên 20 tỷ USD thặng dư thương mại hàng năm.
Trong bối cảnh ấy, cơ may cho Việt Nam đến từ Shangri-La, một hội nghị an ninh toàn cầu được tổ chức tại Singapore, nơi Trung Quốc phai chịu những đòn lên án nặng nề từ hầu hết các nước tham dự, do dã tâm xâm lược của nó. Việt Nam đến hội nghị với sự dẫn đoàn của ông Phùng Quang Thanh, đương kim bộ trưởng Quốc Phòng. Thông điệp của ông Thanh khá mù mờ và méo mó, khiến nhiều nước tham dự hội nghị không rõ Việt Nam đang thực sự muốn gì. Dường như xuyên suốt tham luận của ông Thanh, chỉ là mong muốn Trung Quốc kéo giàn khoan về, còn mọi thực trạng giữa Trung Quốc với Việt Nam hiện tại đều đáng hài lòng, như nhận xét ông ta nhiều lần nhất mạnh. Vị đại tướng béo tốt này có vẻ không tính đến thực tế bất lợi gần như tuyệt đối trong giao thương với Trung Quốc của Việt Nam hiện nay. Ông ta có vẻ cũng không tính tới thực tế là nhiều quốc gia khác đang muốn liên minh hay hỗ trợ Việt Nam, sẽ phai e ngại thực tế bị Việt Nam bán đứng nếu Trung Quốc chìa tay ra giúp xoa dịu để Việt Nam duy trì nguyên trạng sau khi đọc diễn văn của ông ta tại hội nghị. Cảm giác rõ nét nhất là tính rối rắm trong thông điệp của ông Thanh. Có thể nói viên tướng béo tốt này có ít khí chất của một quân nhân nhất so với những người tiền nhiệm của ông ta, vốn đều từng được tôi luyện trong các cuộc chiến chống ngoại xâm liên tiếp của Việt Nam trong thế kỷ 20.
Nếu ông Thanh muốn gửi đến Trung Quốc một thông điệp mềm mỏng có phần quỵ lụy, ông ta đã làm tốt và thành công vượt mức mong đợi. Ngược lại, những quốc gia đang trông đợi ở Việt Nam một thông điệp ngoại giao đơn giản và rõ ràng, ít nhiều sẽ thất vọng. Chắc chắn họ se phải tính toán kỹ trong bài toán liên minh hay trợ giúp Việt Nam, vì nếu lịch sử Việt Nam lừng tiếng với những vị tướng chống ngoại xâm, thì nó cũng có không ít vết đen bởi những cái tên bán nước như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống hay mới đây hơn là Hoàng Văn Hoan.
Trong những ngày gần đây, có lẽ thứ đang được nhắc đến nhiều nhất ở Việt Nam, là hai câu hỏi: Làm sao để Trung Quốc rút giàn khoan? Và làm sao thoát Khựa?
Nếu câu hỏi thứ nhất là dễ trả lời bởi kiểu gì Trung Quốc cũng sẽ rút trước mùa bão năm nay. Nhưng chúng sẽ quay lại, đông hơn, mạnh hơn nếu người Việt không trả lời được câu hỏi thứ hai: Làm sao thoát Khựa? Thoát về kinh tế, thoát về ngoại giao, thoát về bản sắc văn hoá, thoát về chính trị và đương nhiên mạnh mẽ về quân sự để tự bảo vệ được mình.
Có khá nhiều ý kiến và tranh luận sôi nổi của giới trí thức Việt Nam, những người có tầm nhìn xa, về các giải pháp để thoát dần khỏi sự lệ thuộc kinh tế, về các cải cách cần thiết đối với hệ thống chính trị, về các mối liên minh chính trị, quân sự, ngoại giao tiềm năng... Hầu hết đều nói đúng, nhưng thứ quan trọng nhất thì không thấy ai đề cập đến: Ai sẽ làm, hoặc cho phép làm tất cả những giải pháp và định hướng đúng đắn ấy?
Câu chuyện quay ngược trở về xuất phát điểm ban đầu: Mục tiêu của chế độ chính trị Việt Nam hiện nay, họ đang muốn cái gì?
Họ muốn đất nước đi lên? Họ muốn Việt Nam độc lập, hùng mạnh? Hay đơn giản là mong muốn duy trì quyền cai trị và đặc lợi càng lâu càng tốt?
Trong hai mươi năm qua, có thể nói chế độ chính trị Việt Nam rất thành công khi củng cố quyền cai trị tuyệt đối trên một nền tảng hủ bại về lý tưởng. Kết quả là Việt Nam có một nền kinh tế ì ạch rất nhiều so với tiềm năng, mức độ tham nhũng gia tăng theo cấp số và kinh tế ngày một lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Nếu chế độ chính trị của Việt Nam vẫn tiếp tục như hiện nay, tương lai tất yếu của chúng ta sẽ là Tân Cương hay Tây Tạng. Lối thoát duy nhất, là những cải cách cần thiết để Việt Nam thoát Khựa thành công, là sự gắn kết về kinh tế, chính trị, văn hoá với Nhật, Mỹ và Phương Tây.
Nếu có điều gì người Việt cần phải làm trong thời khắc sống còn này, chính là làm mọi điều có thể để biến cái mong muốn đó thành hiện thực.
Xem nguồn : Quê Choa !Và dưới đây là lý luận của kẻ muốn bợ đở ngu lâu :
Văn Minh - Phản biện bài Việt Nam và Trung Quốc: Một lịch sử đau thương
Lãng quá dốt về lịch sử!
Hãy đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư để hiểu cho đúng lịch sử dân tộc - không phải chỉ để giải quyết mâu thuẫn hiện tại mà còn vì tương lai của các thế hệ người Việt sau này.
Lịch sử cận đại Việt Nam - Trung Quốc mới là lịch sử đau thương bởi vì phương Tây, Thiên Chúa Giáo và các trí thức Tây học không ngừng tìm mọi cách để cắt đứt mọi mối liên hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Họ đã rất thành công trong việc thay toàn bộ hệ thống chữ viết Hán Nôm bằng chữ La Tinh khiến đa phần người Việt giờ không có khả năng biết cha ông trước kia đã viết những gì. Tiếp đó, vì mục tiêu độc lập đánh đuổi Pháp, các trí thức Tây học đã gieo vào lòng người Việt huyền thoại hàng ngàn năm liên tục đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược, vì nền độc lập dân tộc, với những chiến công huy hoàng.
Chính sử của Việt Nam thực ra không viết như vậy. Chính sử của Việt Nam tôn thờ tinh thần độc lập, nhưng không tô vẽ Trung Quốc như con ngáo ộp, như kẻ luôn có dã tâm xâm lược, chiếm đóng Việt Nam. Triều đình, giới quý tộc, trí thức Việt Nam, càng về trước càng có xuất thân là dân di cư từ Trung Quốc. Văn hóa, cách suy nghĩ, cách tổ chức xã hội, văn tự của Việt Nam đến tận đầu thế kỷ 20 vẫn thấm đẫm chất Trung Hoa. Người Hoa sang Việt Nam trở thành người Việt Nam, tạo ra bao nhiêu ngành nghề, đem lại sự thịnh vượng cho Việt Nam. Họ góp phần giúp Việt Nam, từ một mảnh đất nhỏ xíu vùng đồng bằng sông Hồng, thường xuyên bị cướp bóc, mở rộng liên tục thành một quốc gia hùng mạnh chiếm trọn bờ biển Đông.
Việt Nam với Trung Quốc thực sự là hai quốc gia anh em - ít ra đến đầu thế kỷ 20. Mọi người hãy đọc lại cho kỹ chính sử của đất nước; hãy đọc lại cho kỹ những gì cha ông đã viết để hiểu rõ nguồn gốc và sự tương đồng giữa hai dân tộc. Hãy đọc sử để hiểu rõ người Trung Quốc thực sự tôn trọng sự độc lập của Việt Nam ít nhất hàng trăm năm nay sau sự can thiệp của nhà Minh thời Hồ.
Chúng ta chắc chắn sẽ hy sinh tất cả để bảo vệ độc lập dân tộc. Nhưng mọi người chúng ta cần thật tỉnh táo để không rơi vào những cái bẫy khích bác mà kẻ khác dựng lên, trong 100 năm nay, chỉ để tạo nên hiềm khích Việt Trung, chỉ để làm Việt Nam trở nên thật đối chọi với Trung Quốc.
Từ một mảnh đất nhỏ bé, là thuộc địa của Trung Quốc, tổ tông chúng ta, với nhiều người xuất thân là người Trung Quốc, đã gây dựng lên một quốc gia giống Trung Quốc nhưng càng ngày càng độc lập với Trung Quốc, hùng cứ một phương kể cả khi Trung Quốc đang là một quốc gia đứng đầu thế giới, mà không cần phải liên minh với bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả kẻ thù của Trung Quốc.
Vậy thì lý do gì để Việt Nam phải sợ sẽ trở lại thành "tỉnh lỵ" của Trung Quốc như ngày xưa, ở giữa thế kỷ 21 này?
Lý do gì để chúng ta phải lo sợ Trung Quốc đến mức phải kết đồng minh với những nước hiện đang là kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc, chỉ để ảo vọng rằng sức mạnh các nước kia sẽ giúp chúng ta chống lại sự "đe dọa, xâm lăng" từ Trung Quốc?
Sức mạnh lịch sử, truyền thống của Việt Nam đủ để giữ Việt Nam độc lập bất chấp kẻ thù là ai. Lo sợ Trung Quốc chiếm đoạt, đô hộ Việt Nam - như ý của Lãng đây - là sự lo sợ hão huyền, không hề có thực, và không bao giờ có thể thành hiện thực.
Dù vậy, bắt tay với những kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc hiện nay sẽ ngay lập tức đầu độc thêm mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, vốn đã bị tổn thương quá nhiều bởi những sự chia rẽ có chủ ý trong 100 năm gần đây.
Việt Nam sẽ được gì từ sự bắt tay này? trở thành một Hàn Quốc hay Nhật Bản mới chăng vì sự trợ giúp của các nước đồng minh? Chưa chắc. Hãy nhìn Philippines cho rõ. Trở thành đồng minh không có nhiều ý nghĩa. Vấn đề cơ bản là khả năng sống và làm việc có kỷ luật của bản thân người Việt. Còn sống và làm việc vô kỷ luật như hiện nay, Việt Nam sẽ mãi là nước tụt hậu và phụ thuộc dù có bang giao với bất cứ nước nào.
Tuy vậy, việc bắt tay này sẽ tạo ra vành đai bao vây TQ, trong đó VN là mắt xích yếu nhất. Nếu xung đột xảy ra, xung đột sẽ tập trung tại nơi mắt xích yếu nhất này là VN. Có ai trong chúng ta muốn sau này VN sẽ trở thành bãi chiến trường cho TQ và các nước bao vây TQ thi thố vũ khí không? có ai muốn người VN sẽ bị cuốn vào cuộc chiến vô nghĩa nữa không?
Đừng thấy Mỹ Nhật sốt sắng về biển Đông mà cho rằng họ tử tế với VN, rằng đây là cơ hội "thoát Trung".
Thoát Trung hay không thoát Trung không quan trọng. Quan trọng là thoát ra khỏi những sự trì trệ yếu kém của chính mình. Trong khi đang trong quá trình tự vượt lên chính các hạn chế của bản thân, chúng ta tuyệt đối cần cảnh giác không để mình bị cuốn vào các toan tính của những nước lớn bởi cái giá phải trả sẽ không hề nhỏ.
Cuối cùng, cần phải thấy mối quan hệ Việt - Trung đã và đang là mối quan hệ bị đầu độc. Không ít người Việt Nam và Trung Quốc đang nhìn nhau qua những lăng kính bị bóp méo có chủ đích. Trong khi thực tế, Việt Nam thực sự cần Trung Quốc cũng như Trung Quốc cần Việt Nam.
Cọp từ /www.danluan.org/tin-tuc/20140601/van-minh-phan-bien-bai-viet-nam-va-trung-quoc-mot-lich-su-dau-thuong