Phơi bày sự thật TQ xây “pháo đài” ở Gạc Ma, Đá Chữ Thập
Theo http://kienthuc.net.vn/(Kienthuc.net.vn) - Trung Quốc muốn xây dựng đảo nhân tạo tại Gạc Ma và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm thiết lập vùng xác định phòng không trên Biển Đông.
Đá Chữ Thâp: "pháo đài” mới của Trung Quốc ở Biển Đông?
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời các chuyên gia hàng hải và học giả Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo lớn ở Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa – thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo bài viết kể trên, Trung Quốc muốn mở rộng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa để có thể xây dựng một căn cứ quân sự với đầy đủ sân bay và cầu cảng nhằm có thể dễ dàng triển khai sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Giá trị chiến lược của căn cứ này tương đương với tàu sân bay. Tổng chi phí cho dự án lên đến 5 tỷ USD và cần 10 năm để hoàn thành.
Toàn cảnh công trình xây dựng trái phép hiện nay của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập của Việt Nam. |
Chuyên gia Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích Chiến lược Nga cho biết, có thể Bắc Kinh sẽ bắt tay thực hiện dự án này bởi vì nó có triển vọng đầy hứa hẹn về mặt quân sự chiến lược. Kích thước của căn cứ cho phép triển khai ở đây các đơn vị lực lượng vũ trang để bảo vệ đảo nhân tạo, chẳng hạn như hệ thống tên lửa phòng không (HQ-9 hoặc thậm chí S-400), hệ thống tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 cũng như những hệ thống tên lửa mạnh hơn. Trên đảo nhân tạo cũng có thể bố trí đội máy bay trực thăng vận tải, các tàu đổ bộ và tàu đệm phí, điều đó sẽ cung cấp cho Trung Quốc một lợi thế rất lớn để có những bước đi cần thiết nhằm khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn”.
Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Philippines và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Vì vậy, dự án xây dựng quân sự ở đó sẽ gây ra phản ứng hết sức tiêu cực từ phía cộng đồng quốc tế cũng như đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông. Về phần mình, Mỹ cũng không muốn nhượng bộ và không cho phép Trung Quốc làm suy yếu vị thế của Mỹ tại Đông Á.
Dù về mặt chiến lược dự án này có triển vọng đầy hứa hẹn, nhưng trong triển vọng ngắn hạn, có chú ý tới tiêu chuẩn pháp luật quốc tế, việc xây dựng đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực ngoại giao.
Một số nguồn tin thân cận ở Trung Quốc cho biết hiện đề án xây dựng bãi đá ngầm Đá Chữ Thập đã được trình lên lãnh đạo Trung Quốc chờ thông qua và sẽ được khởi công thực hiện ngay sau khi công cuộc xây dựng ở Gạc Ma hoàn thành.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cũng dẫn lời giáo sư Jin Canrong, chuyên về quan hệ quốc tế tại ĐH Renmin ở Bắc Kinh đưa tin, Trung Quốc sẽ quyết định việc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập dựa trện tiến độ cải tạo đất tại Đá Gạc Ma.
Giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là nghi binh cho Gạc Ma
Một số nhà quan sát cho rằng, việc Trung Quốc cố tình đẩy căng thẳng xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 - đang hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam - chỉ là đòn nghi binh nhằm tiến hành các hoạt động xây dựng trên bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn ở Trường Sa.
Theo tính toán của các nhà chiến lược biển Trung Quốc, đảo Gạc Ma khi được xây dựng trở thành căn cứ hải quân lớn nằm ngay tại yết hầu Biển Đông sẽ nhân thêm sức mạnh cho Hải quân Trung Quốc và chặn đường ra biển của Việt Nam cũng như giúp Trung Quốc khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn”.
“Bằng cách xây dựng những hòn đảo, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường giá trị cho những yêu sách về lãnh thổ của mình”, nhà khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts M. Taylor Fravel cho hay.
Hình ảnh Philippines công bố hình ảnh Trung Quốc cải tạo đất trái phép ở Gạc Ma. |
Theo thông tin đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Bắc Kinh đang biến bãi đá ngầm Gạc Ma (mà nước này đánh chiếm bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988) thành một đảo nhân tạo khổng lồ có cả sân bay, cảng biển cho tàu quân sự và dân sự, khu vực dân cư và du lịch.
Trung Quốc đang tiến hành hút cát, cải tạo đất nhằm đưa Gạc Ma trở thành căn cứ nổi quy mô lớn ở Biển Đông với diện tích 30 ha và có thể đón các tàu tải trọng lên tới 5.000 tấn. Một khi được hoàn thành, đây sẽ là nơi để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự nhằm uy hiếp cả Philippines và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Giáo sư Jin Canrong trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho rằng, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc định xây dựng trái phép ở Trường Sa có thể được dùng để thực thi cái gọi là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Thật vậy, với sân bay ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa cùng sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa đi vào hoạt động trong khi 1 sân bay khác được xây dựng ở đảo Đá Chữ Thập, Bắc Kinh sẽ có chuỗi sân bay ở hai đầu Đông Tây của Biển Đông, cơ sở thiết yếu cho việc thành lập ADIZ bao trùm vùng biển này. Trước đó, khi ADIZ lần đầu được Trung Quốc tuyên bố ở biển Hoa Đông tháng 12/2013, nước này cho biết sẽ thiết lập thêm vùng nhận dạng phòng không trong tương lai khi điều kiện cho phép.
Kịch bản xấu mang tên Trung Quốc trên Biển Đông
Nhận xét về kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc, giáo sư Carlyle A. Thayer của ĐH New South Wales (Australia) cho hay: “Các hành động của Trung Quốc thay đổi hiện trạng quần đảo Trường Sa và sẽ chỉ làm căng thẳng thêm tình hình”.
Trao đổi với Kiến Thức, thạc sĩ luật Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu lâu năm về biển Đông nhận định các hành động của Trung Quốc đã phá vỡ nguyên trạng và chỉ dẫn đến các kịch bản xấu: "Không chỉ phá vỡ nguyên trạng, việc xây đường băng ở bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa và xây đảo nhân tạo gần đó còn dẫn đến các kịch bản xấu. Kịch bản thứ nhất là tất cả các quốc gia trong tranh chấp sẽ cũng làm tương tự như Trung Quốc. Kịch bản thứ hai là có thể Trung Quốc sẽ lập lại hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ gần quần đảo Hoàng Sa chuyển sang khu vực quần đảo Trường Sa. Nếu việc này xảy ra, sự đụng độ trên quần đảo Trường Sa sẽ rất căng thẳng, điều đó dẫn đến đe dọa lớn cho hòa bình an ninh khu vực cũng như của toàn bộ châu Á.
Cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. |
Theo luật sư Hoàng Việt, nếu Trung Quốc xây đường băng, xây một đảo nhân tạo lớn thì có nguy cơ họ sẽ xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma. Nếu Trung Quốc có căn cứ quân sự, cộng với sự tham lam vô độ vốn có của họ, thì chắc chắn việc này sẽ gây ra nhiều vấn đề tiềm ẩn, trong đó có cuộc chạy đua vũ trang, gây căng thẳng leo thang trong khu vực quần đảo Trường Sa.
"Nếu Trung Quốc thực sự xây dựng một căn cứ quân sự tại đây, thì điều này có nghĩa là Trung Quốc đang thực hiện việc chinh phục chuỗi đảo thứ nhất để vươn ra Thái Bình Dương. Tôi nghĩ về lâu về dài họ sẽ làm vì mục tiêu của họ là chiếm được vùng biển Đông, tức kế hoạch nước sâu của họ đưa ra từ năm 1982, thời ông Lưu Hoa Thanh. Theo kế hoạch này, họ phải vươn từ chuỗi đảo thứ nhất rồi sang chuỗi đảo thứ hai và từ chuỗi đảo thứ hai và họ vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đe dọa vị trí của Mỹ”, luật sư Hoàng Việt nói.
Trước đó, trao đổi bên lề sau cuộc họp báo về tình hình Biển Đông do Hội Luật gia tổ chức tại Hà Nội, luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng việc Trung Quốc xây dựng sân bay ở Gạc Ma rất nguy hiểm vì vị trí quan trọng của bãi đá này. Việc Trung Quốc muốn xây dựng đường băng trên bãi Gạc Ma có thể nằm trong một chiến lược lâu dài thực hiện giấc mộng trở thành một cường quốc biển trong tương lai. Đây là đường đi ra của Trung Quốc từ căn cứ Hải Nam xuống Hoàng Sa, rồi xuống sâu dưới Trường Sa. Trung Quốc đã tính một lối ra để thực hiện giấc mộng Trung Hoa - cường quốc biển, cường quốc đại dương.
Theo kế hoạch trên, chuỗi đảo thứ nhất mà Trung Quốc muốn vượt qua kéo dài từ Hàn Quốc đến Philippines tức là bao gồm khu vực biển Đông. Chuỗi đảo thứ hai kéo dài từ đảo Honshu của Nhật, đi qua quần đảo Ogasawara, quần đảo Mariana, và quần đảo Palau. Trong hệ thống “mắt xích Thái Bình Dương” do chuỗi đảo hợp thành, Nhật Bản và Hàn Quốc là trung tâm của mắt xích. Đây cũng là những đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Đô đốc Lưu Hoa Thanh của Trung Quốc từ năm 1982 đã đề xuất Trung Quốc cần kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai vào năm 2010 và 2020. Hải quân của Trung Quốc cần sẵn sàng đón nhận những thách thức của quân đội Mỹ tại Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ dương vào năm 2040 và biển Hoa Đông sẽ trở thành sân sau của hải quân quân đội nhân dân Trung Quốc trong thời gian không xa.
Ngô Trang