Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

‘Cơ hội thoát Trung ngàn năm có một’
Phỏng Vấn T/S Alan Phan – VOA – 26/6/2014
lang-gieng-gan
‘Muốn thoát Trung Quốc, phải vượt qua chính mình’… Đó là các hàng tít trên báo chí Việt Nam những ngày qua. Mới đây, Bộ Công thương Việt Nam đã nêu một giải pháp cụ thể, đó là đưa vải thiều vào tiêu thụ tại các tỉnh phía nam để giúp loại trái cây nổi tiếng của miền Bắc này tránh bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Để tìm hiểu xem liệu Việt Nam có thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của Trung Quốc hay không, VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện Tiến sỹ kinh tế người Mỹ gốc Việt Alan Phan, người từng có nhiều năm hoạt động kinh doanh tại cả Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Trước hết, kinh tế gia này nói về sự áp đảo của kinh tế của nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam:
Thực tình thì sự áp đảo này đã kéo dài lâu rồi vì có nhiều lý do: một là họ ở rất gần, hai là họ rất quen thuộc với thị trường và thứ ba là nhà nước Việt Nam đã dành cho họ rất nhiều ưu đãi.
Điều quan trọng nhất là hệ thống pháp luật của Việt Nam dễ bị trục lợi vì vấn đề tham nhũng hiện diện gần như là khắp nơi. Trong các vấn đề chính này, Trung Quốc đã lợi dụng tối đa thành ra họ có một lợi thế gần như tuyệt đối trong vấn đề giao thương với Việt Nam; so với các nhà đầu tư hay các doanh nhân khác trên thế giới.  Do đó nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay tùy thuộc rất nhiều vào vấn đề xuất khẩu qua những xí nghiệp FDI. Và quan trọng hơn, tất cả các nguyên liệu, phụ liệu cũng như là máy móc dùng cho việc xuất khẩu này phần lớn là từ Trung Quốc. Tôi cho là một cái điều sẽ gây ra những hệ lụy nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp ngăn chận. Hiện bây giờ vẫn chưa thấy nhưng có thể trong tương lai, đó là một vũ khí bén nhọn của họ.
VOA: Như vậy, có nghĩa là trong tương lai gần, Việt Nam khó mà thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế đúng không, thưa ông?
Tiến sỹ Alan Phan: Đúng, bởi vì ngoài vấn đề họ đang nắm giữ nhiều lợi thế quan trọng.  thì thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam quá thấp thành ra họ ưa chuộng những mặt hàng rẻ tiền. Có thể nói, Trung Quốc có lợi thế không những tại Việt Nam mà gần như khắp toàn cầu về các đồ rẻ tiền, kém chất lượng.
Dĩ nhiên là người Việt Nam vẫn thích những hàng hóa từ Âu – Mỹ; nhưng  họ không có thể nào trả nổi giá cao được, thành ra hàng Trung Quốc rẻ tiền tràn ngập Việt Nam, nhất là tại những vùng quê. Nói về số lượng thì nó khủng khiếp lắm.
Một điều cần lưu ý là doanh nhân Trung Quốc họ rất khôn khéo nếu so với doanh nhân Việt Nam. Các chiến lược về thị trường hay mô hình kinh doanh cũng như cách thức để bán hàng Trung Quốc vào Việt Nam thì họ đã rất thành công.
VOA: Thưa ông, vừa qua các nhân sỹ, trí thức ở Việt Nam có đề cập tới điều họ nói là ‘thoát Trung’, theo ý kiến của ông, tính khả thi của lời kêu gọi này như thế nào?
Tiến sỹ Alan Phan: Vấn đề thoát Trung, ngay cả kinh tế, chính trị cũng như quân sự, thì tôi cho là hiện bây giờ, sự khả thi gần như là zero (0) bởi vì trên hết, thượng tầng của lãnh đạo Việt Nam, vẫn còn một sự liên kết khá bền chặt với chính trị của Trung Quốc.
Vấn đề là ngay cả chính phủ, dù họ nói bất cứ điều gì, thì quyền lợi, quyền lực của họ dựa rất nhiều vào chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc. Thành ra tôi nghĩ là ngay cả những người cầm đầu cũng không muốn làm gì để ảnh hưởng tới quyền lực, quyền lợi đó. Những chuyện khác sẽ tùy thuộc vào quyết định này.
Còn vấn đề thoát ra khỏi kinh tế thì cũng là một điều khó bởi vì, như tôi nói, nó đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện về cách thức làm ăn, về cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, về những người đã được hưởng thụ rất nhiều từ Trung Quốc hiện giờ đang điều khiển nền kinh tế Việt Nam. Muốn họ thay đổi thì tôi nghĩ đó là điều không thể có.
Sau cùng, thị trường Việt Nam với một GDP quá thấp thì doanh nhân cũng như người tiêu dung khó có thể đi tìm hàng hóa từ những nơi khác để mà thay thế. Xuất khẩu Việt Nam cũng tùy thuộc rất nhiều vào giá rẻ của nguyên liệu Trung Quốc nên việc sử dụng nguyên liệu của Ấn Độ hay của những nơi khác thì tôi nghĩ đó là chuyện nhà sản xuất không muốn làm.
VOA: Giới quan sát cho rằng trong khi tình hình ở biển Đông hiện vẫn chưa lắng dịu, có lẽ trong thời gian tới, những khó khăn mà kinh tế Việt Nam sẽ vấp phải cũng không phải là nhỏ. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Tiến sỹ Alan Phan: Đương nhiên, nhất là khi đã có những trục trặc xảy ra từ vấn đề chính trị. Trung Quốc là một nước lớn, họ muốn trở thành một cường quốc và họ muốn có một nguồn tài nguyên chắc chắn, ổn định, muốn một láng giềng có thể nói là yếu kém và lệ thuộc hoàn toàn với họ, thành ra họ sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề biển Đông.
Tuy vậy, Việt Nam cũng có nhu cầu chính trị về địa phương, về dân tộc nghĩa là các lãnh đạo Việt Nam cũng không muốn tỏ ra là quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng tất cả những chuyện này tôi nghĩ nó cũng giống như là ‘a storm in a teacup’, tức là quậy lên vậy thôi, chứ còn đâu cũng vào đấy. Tôi nghĩ về lâu về dài nó không thay đổi gì lắm. Còn hiện tại, trong một thời gian ngắn, nó có thể gây ra vài bất cập cho nền kinh tế Việt Nam.
Từ gocnhinalan (http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/co-hoi-thoat-trung-ngan-nam-co-mot.html)