Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Đang hình thành diện mạo 'tư tưởng Việt Nam' 

Tôn Trọng Dân (VNTB)

 Như mọi người có nghiên cứu đều biết, quan điểm của Phan Châu Trinh là cần LO dân trí trước đã RỒI SẼ TÍNH chuyện độc lập sau. Nhưng, ở Kỷ nguyên Bạo lực, giặc cướp nhà không bao giờ tự nguyện trả nhà cho người bị cướp, trừ tên cướp đầu sỏ là Anh quốc sớm biết thủ lợi khi "hoàn lương, phục thiện" trong việc “trao trả độc lập” cho các thuộc địa (’các hậu sinh’ Hoa Kỳ / Liên Xô càng tinh ranh hơn khi chủ trương chuyển sang cách nhìn: “các nước chịu ảnh hưởng”).

Dùng bạo lực để cướp quyền lực, lúc ấy là một đường lối hiện thực, khả thi-khôngcải lương. Lịch sử đã chứng thực điều đó với hàng ngàn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (do Cộng sản lãnh đạo hoặc không) bùng phát và thành công hoặc bị dìm trong bể máu trên toàn thế giới, suốt thế kỷ 19 và 20.

Sự nghiệp dùng bạo lực giành lấy độc lập, thống nhất về cho dân tộc - đảng Cộng sản Việt Nam đã cùng người dân yêu nước làm xong.

Sự nghiệp xây dựng dân chủ cho đất nước công bằng-văn minh-no ấm bền vững, Việt Nam đi chưa được bao xa.

Dân là Gốc” (Dân vi Bổn) cũng nào phải là mới? “Dân là Gốc” [1] được phát ngôn khi cuộc cách mạng do Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh lãnh đạo đã luôn biết dựa vào Dân và thành công. Giá trị của nó luôn nằm trong dòng tư tưởng góp phần tạo nên diện mạo của hệ tư tưởng Việt Nam trong thời cận.hiện đại, không ai có thể xoá bỏ nó ra khỏi tâm thức dân tộc Việt được. Nhưng, trớ trêu thay, chính ngay Hồ Chí Minh và các thế hệ kế thừa của Hồ Chí Minh đã bội phản nó bằng cái tư tưởng kép đi kèm: tôn vinh chuyên chính giai cấp ích kỷ, lạc điệu, được ngoại nhập từ một trận cờ nhiều ván của ngoại bang không gắn với quyền lợi của dân tộc Việt. Nên, phát ra từ miệng những người cộng sản, 40 năm sau thống nhất đất nước, “Dân là Gốc” trở thành câu nói đãi bôi, ma mị, và, đặc biệt là: nó không còn thuộ
về Quý vị cộng sản nữa. Cộng sản không còn xứng đáng sở hữu tiếp giá trị bình dân nhưng quý báu này. Nó, giờ đây, là tài sản chung của dân Việt Nam.
 
Quyền lực, như mọi thời trong xã hội loài người, vẫn phải được phân chia một cách công bằng và được giám sát thực chất, hiệu quả.  


Một ngôn ngữ chỉ trở thành sinh ngữ khi kinh mạch của nó nối liền với một nền văn hóa nhất định, quốc tế ngữ Esperanto đã không có được yếu tố sống còn này. Tôi chưa thấy một dân tộc-biết-hội-thoại nào trên trái đất này lại không có nền văn hóa, nhưng, một hệ tư tưởng thì không phải dân tộc nào cũng đương nhiên sở hữu. Tư tưởng yêu nước thương nòi là một tư tưởng chủ đạo trong tiềm thức.tâm thức.ý thức dân tộc Việt, dù, nó chưa được hệ thống hóa thành một hệ tư tưởng hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, ý thức Việt đã có mầm dân chủ, song tinh thần dân chủ chưa lớn đủ để thành một hệ tư tưởng. Suốt 100 năm gần nhất, soi.ngẫm.xét.nhìn kỹ, tôi nhận ra chỉ 4 dòng tư tưởng trội bật đã và đang hội tụ, mà dòng thứ Tư đang làm nhiệm vụ kết tinh thành một hệ thống.

Những ai đã đọc với tư thế nghiên cứu nghiêm cẩn và có đối chiếu với nhiều luồng tư tưởng khác biệt trên thế giới và Việt Nam về con đường chính trị đều khó thể không đồng ý với nhận định đầu tiên của nhóm Thông Luận [2] rằng, Chính Đề Việt Nam là một thiên chính luận giá trị, đặt vấn đề tương lai lâu dài hàng trăm năm tới của cả dân tộc, trong đó, phần lớn của nửa sau cuốn sách, tác giả chú trọng khá nhiều đến nguy cơ Trung Hoa. Tài sản trí tuệ này [3] của một nhóm chiến sĩ-lãnh đạo đảng Cần Lao nghiễm nhiên trở thành một trong 4 đại biểu xứng đáng cho dòng tư tưởng dân chủ đa nguyên, góp phần tạo nên diện mạo của hệ tư tưởng Việt Nam trong thời cận.hiện đại.

Nhà sử học Phạm Văn Sơn [4] từng có một nhận xét để đời: “Dù có những nhận định khác nhau về lập trường chính trị Phan Châu Trinh, nhưng không ai không công nhận ông là một người có tư tưởng dân chủ sớm hơn hết ở Việt Nam” (theo Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, 1963).

Sau cụ Phan Châu Trinh-Tây Hồ với triết lý khai Dân trí-chấn Dân khí-hậu Dân sinh chú ý đến người dân-con người bất kể giai cấp qua Phong trào Duy Tân được xướng xuất, nhà cách mạng vắn số Lý Đông A-Nguyễn Hữu Thanh (1921-1947) với học thuyết Duy dân xem con người là yếu tố căn bản trong sự thống nhất, đại đồng với vũ trụ, đã nhìn ra đối tượng cốt lõi của một cuộc cách mạng đích thực dành cho dân tộc; tiếp đến, Tùng Phong (đảng Cần Lao Nhân vị) trong luận cương Chính Đề Việt Nam (với tầm vóc của mình, tác phẩm này xứng đáng là tài sản trí tuệ của đảng Cần Lao/Cần Lao Nhân vị Cách mạng Đảng, từng do Ngô Đình Nhu làm Tổng Bí thư [5]) đã tập chú nhiều hơn vào quyền lợi của con người trong cuộc cách mạng mà đảng này mong hướng đến. Từ đó đến nay, hơn 90 năm có lẽ, tổ chức Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã xây dựng được một tư tưởng rõ ràng, khúc chiết hơn trên con đường tiến hoá của con người Việt trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai: “một quốc gia chỉ có thể tồn tại nếu được quan niệm không phải như một chủng tộc hay một quá khứ mà như một không gian liên đới giữa những con người hiểu nhau, quí trọng nhau và hợp tác với nhau để xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Quốc gia như thế chủ yếu là một xã hội công dân [6] với ký ức của nó, với những vấn đề phải giải quyết của nó và với những dự định tương lai của nó. Đất nước ấy phải là của mọi người chứ không phải là của riêng của một thế lực hay đảng phái nào”.

Các dòng tư tưởng góp phần tạo nên diện mạo của hệ tư tưởng Việt Nam trong thời cận.hiện đại này, như tất thảy người người có thể thấy, hoàn toàn không đưa ra cái gì mới trong lịch sử nhận thức của toàn nhân loại, song, chúng lại mới ở chỗ: nhận ra và phát hiện đúng các yếu tố để vận dụng phù hợp với thể trạng và tâm thức dân tộc Việt. Diện mạo của hệ tư tưởng Dân chủ đa nguyên Việt Nam đã tuần tự phát triển từ triết lý của cụ Phan, sang học thuyết của cụ Lý Đông A, tiến tới luận cương của nhóm Cần Lao và rồi cuối cùng, gần nhất là đã được cô đúc.phát triển một phần tương đối lớn trong dự án chính trị của tổ chức Tập hợp Dân chủ Đa nguyên.

Thừa nhận thực tế này hay không đó là chuyện mà ‘Nó’, tiến trình góp phần tạo nên diện mạo của hệ tư tưởng Dân chủ đa nguyên Việt Nam trong thời cận.hiện đại này, không hề bị ảnh hưởng, vẫn thong thả, điềm tĩnh tiến bước trên lộ trình tiến hóa. Vậy đã là quá đủ để từng người dân Việt-công dân Việt mỗi sớm mai lên đều thấy mở ra một ngày đáng sống. Đó là Vận. Người có Phận, Nước có Vận.
 
 http://www.ijavn.org/2015/06/vntb-ang-hinh-thanh-dien-mao-tu-tuong.html