Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Cam Ranh lại nóng trên báo Nhật, Trung, Nga

 GDVN) - Trung Nam Hải thực sự ý thức được, thậm chí là lo sợ trước uy lực dũng mãnh của Cam Ranh đe dọa tiến trình bành trướng và thôn tính Biển Đông của người Hán

Hình ảnh lễ đón nhận tàu ngầm của Hải quân Nhân dân Việt Nam tại cảng Cam Ranh đăng trên tờ Tin tức Tham khảo, phụ san của Tân Hoa Xã.
Thời báo Hoàn Cầu, Nhân Dân nhật báo, Tin tức Tham khảo của Tân Hoa Xã, tờ Centr Asia của Nga hôm qua dẫn lại bài "Nga-Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng tại cảng Cam Ranh" của tác giả Atsushi Tomiyama đăng trên tờ Nikkei Nhật Bản hôm 14/6. Tuy nhiên truyền thông nhà nước Trung Quốc đã giật tít và bình luận ác ý nhằm bôi nhọ Việt Nam, chia rẽ quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Nga.
Atsushi Tomiyama cho rằng Việt Nam "có một quan hệ khó khăn" vói Trung Quốc chủ yếu xoay quanh việc (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Để có thể đàm phán bình đẳng với Trung Quốc có kích thước kinh tế lớn gấp 54 lần, kích thước quân sự lớn hơn 10 lần mình, Việt Nam cần hợp tác với Hoa Kỳ và Nga. Nhà báo Nhật cho rằng, người Việt Nam tin tưởng có thể tăng cường quan hệ với Nga, Mỹ nhờ vào Cam Ranh.
Cam Ranh là một vịnh nước sâu quan trọng ở Biển Đông, đầu thế kỷ 20 khi nổ ra chiến tranh Nga - Nhật, chiến hạm hạm đội Biển Đen đã đỗ tại Cam Ranh. Trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, quân đội Nhật cũng đã sử dụng cảng nước sâu quan trọng này. Thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đóng quân tại Cam Ranh và ngày nay, Nga và Mỹ đang tranh giành kịch liệt ảnh hưởng tại vịnh nước sâu quan trọng này.
Tác giả nhắc lại một thông tin được Reuters cho biết, trong tháng 3 Hoa Kỳ đã đề nghị Việt Nam không để Nga "sử dụng vịnh Cam Ranh" cho các hoạt động tiếp dầu máy bay ném bom chiến lược nhòm ngó các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. Trước năm 2002, Liên Xô và sau này là Nga đã từng đóng quân tại Cam Ranh. Chiến tranh Lạnh kết thúc, Atsushi Tomiyama cho rằng giá trị chiến lược của Cam Ranh giảm đi, nhưng đã nhanh chóng tăng trở lại khi Trung Quốc tăng cường khống chế (phi pháp, bành trướng) Biển Đông trên thực tế.
Năm ngoái Trung Quốc đã hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 trong (cái Atsushi Tomiyama nhầm là) "vùng biển tranh chấp ở Hoàng Sa" (thực tế là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn không có tranh chấp, không liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa cũng thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép - PV). Đồng thời Bắc Kinh còn bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo ở Phú Lâm - Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (đều thuộc chủ quyền Việt Nam) với 1 đường băng trên đá Chữ Thập. Các báo Trung Quốc khi "trích nguyên văn" bài báo của Atsushi Tomiyama đều cắt bỏ đoạn này - PV.
Atsushi Tomiyama nói rằng một nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam sẽ không "hợp tác quân sự" với bất cứ quốc gia nào ở Cam Ranh, nhưng dường như Việt Nam đã thay đổi phương châm khi cho phép Nga sử dụng (dịch vụ) tại vịnh nước sâu này. Xin lưu ý, các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán không cho bất cứ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Cam Ranh, nhưng hoan nghênh các nước sử dụng các dịch vụ quân sự, dân sự tại đây - PV.
Ảnh chụp màn hình bài báo nhằm bôi nhọ Việt Nam, chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước của tờ Tin tức Tham khảo.
Theo nhà báo Nhật Bản, Việt Nam dự định tăng cường quan hệ với Nga, một đối tác mà Việt Nam đang phụ thuộc về nguồn cung cấp vũ khí, khí tài quân sự. Hải quân Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga, trong đó 3 chiếc đã bàn giao và đặt tại Cam Ranh. Atsushi Tomiyama lưu ý, có "tin đồn" rằng để đổi lấy "quyền sử dụng" vịnh Cam Ranh, Nga đa hứa sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa các lực lượng vũ trang (?!). Tuy nhiên các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào về việc "triển khai của quân đội Nga" tại Cam Ranh.
Thực tế Việt Nam cũng muốn tiếp cận với Hoa Kỳ. Ngày 1/6 Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter khi thăm Việt Nam đã tuyên bố: Hoa Kỳ và Việt Nam tái khẳng định tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam, 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và trong tháng Bảy tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ.
Atsushi Tomiyama lưu ý, do cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đang (cần) tăng cường quan hệ với Trung Quốc, còn Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Mỹ để "gây áp lực với Trung Quốc", Atsushi Tomiyama bình luận. Thực tế Việt Nam không gây áp lực với ai, cũng không dựa nước này để chống nước khác, chỉ mong muốn hợp tác hòa bình hữu nghị với các nước yêu chuộng hòa bình và công lý, chống lại các hành động bành trướng lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền, sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực làm mất hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông. Việt Nam sẽ hợp tác với bất cứ quốc gia nào có cùng chung mục đích này - PV.
Cuối năm ngoái, Washington bắt đầu nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng đề nghị người đồng nhiệm Mỹ xóa bỏ lệnh cấm này. Atsushi Tomiyama cho rằng thậm chí người Việt còn đang bàn bạc khả năng thay thế các loại vũ khí của Nga bằng Mỹ (?!). Trong tình huống này theo Atsushi Tomiyama, Nhật Bản không thể "ngồi yên trên băng ghế dự bị".
Dẫn nguồn Reuters, Atsushi Tomiyama cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về kế hoạch tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông, nếu xuất phát từ Cam Ranh có thể theo dõi toàn bộ Biển Đông. Ngày 13/5 hai máy bay P-3C của Nhật Bản đã hạ cánh tại Đà Nẵng, đó có phải là hoạt động bình thường, ngẫu nhiên hay là dấu hiệu Việt Nam loại bỏ khả năng "cấm Mỹ - Nhật sử dụng Cam Ranh", Atsushi Tomiyama  đặt câu hỏi. Nhà báo Nhật cho rằng, đây sẽ là một quyết định khó khăn đối với Việt Nam.
Đưa lại nội dung bài báo này, Thời báo Hoàn Cầu và Nhân Dân nhật báo giật tít: "Báo Nhật: Việt Nam muốn dùng Cam Ranh lôi kéo Mỹ kiềm chế Trung Quốc, Nhật có thể lợi dụng (Cam Ranh) để giám sát Biển Đông". Nhân Dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc "bình" rằng, Việt Nam hoàn toàn không muốn bị các nước lớn thao túng nên đang "vắt kiệt tư duy" để duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với Nga và Mỹ.
Bóp méo bài báo này hòng bôi nhọ Việt Nam và chia rẽ quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Nga, tạp chí Tin tức Tham khảo của Tân Hoa Xã giật tít: "Múa trên lưỡi dao! Báo Nhật nói Việt Nam muốn lợi dụng Cam Ranh lôi kéo Mỹ, Nga kiềm chế Trung Quốc". Rõ ràng với cách giật tít, bình luận như trên, Tin tức Tham khảo đang cố tình lèo lái "định hướng" dư luận hiểu sai lệch rằng Việt Nam sử dụng Cam Ranh "lôi kéo" nước nọ nước kia để kiềm chế Trung Quốc.
Việc truyền thông nhà nước Trung Quốc phải bịa đặt, xuyên tạc về chủ trương nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Cam Ranh không chỉ bộc lộ rõ ý đồ đâm bị thóc chọc bị gạo, phá hoại quan hệ đối ngoại của Việt Nam, mà nó còn cho thấy phải chăng giới hoạch định chiến lược Trung Nam Hải thực sự ý thức được, thậm chí là lo sợ trước uy lực dũng mãnh của Cam Ranh đe dọa tiến trình bành trướng và thôn tính Biển Đông của người Hán nên cố tình châm chọc, phá hoại? PV.

 Hồng Thủy
...
( http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Cam-Ranh-lai-nong-tren-bao-Nhat-Trung-Nga-post159219.gd)