Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

 

Quốc Hội nín lặng!

 
 
Ẩn từ “công giáo thầm lặng” bị đặt ngoài luồng ở Trung Quốc nên được chuyển hóa vào Quốc Hội Việt Nam. Hầu như đồng nghĩa với “quyền im lặng,” một lần nữa trong không biết bao nhiêu kỳ họp, Quốc Hội Việt Nam giữa 2015 lại làm rạng ngời ý chỉ “cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến Pháp” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

“Quyền im lặng”

Chủ đề tưởng như được tranh luận và chất vấn gay go nhất - dự án sân bay Long Thành - rốt cuộc lại được Quốc Hội đồng gật gần như tuyệt đối để chia phần tinh thần “thông qua chủ trương” của Hội Nghị Trung Ương Đảng 11 tháng 5, 2015.

Nhưng ở một vế đối nghịch, “quyền im lặng” - thứ quyền chỉ dùng cho kẻ bị bắt và được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc Hội giữa năm 2015, thật trớ trêu lại trở nên một mô phỏng khó có thể thích hợp hơn cho thái độ im lìm táng tận của đại đa số Ðại Biểu Quốc Hội mà báo chí Việt Nam phải mô tả “khó tin được!”

Vài ba tiếng nói cô đơn yêu cầu Quốc Hội cần có nghị quyết về vấn đề Biển Đông đã không thể xua tan nỗi sợ thần hồn nát thần tính trước Bắc Kinh từ ít nhất năm 2011 đến nay. Rất tương điệu với không khí cam chịu khuất phục thiên triều vào thời điểm các tháng 5-6, 2014 khi giàn khoan Hải Dương 981 vươn cổ vào Hà Nội, cuối cùng cơ quan dân cử cao nhất của Việt Nam cũng vừa rụt cổ tổ chức một phiên họp kín để sau đó không có được bất cứ nghị quyết hay văn bản lẽ nào, dù chỉ để phản bác một cách run rẩy trước Trung Quốc.

Thậm chí khi kỳ họp Quốc Hội này đã “thành công” được 3/4 chặng đường, vụ việc có vẻ hy hữu đã xảy ra khi không một đại biểu nào có ý kiến tại một phiên họp, khiến người điều hành phải tuyên bố cho nghỉ sớm trước 2 giờ đồng hồ.
 
 
2 giờ đồng hồ lãng phí và mỗi kỳ họp kéo dài hàng tháng trời ấy có thể quy ra bao nhiêu tiền đóng thuế của dân, nếu phép tính đơn giản nhất vẫn thường là 2 triệu đồng chi cho mỗi phút họp Quốc Hội?

“Đồ ăn hại!”

“Quyền im lặng” của Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam  không phải chuyện bây giờ mới kể. Từ nhiều kỳ họp trước, tỉ lệ đến 40% số người đại diện cho dân chúng không thốt nổi một lời đã trở nên phổ cập đến mức vỡ lòng, đến độ mà những người dân nghèo nhất nhưng vẫn phải còng lưng đóng thuế đã phải thốt lên, “Đồ ăn hại!”

Vào lần này và cùng cử chỉ nín lặng gật đầu cho qua dự án sân bay Long Thành, xem ra nhiều Đại Biểu Quốc Hội còn “ăn hại” hơn hẳn: nhóm lợi ích ODA với không ít quan chức dính dáng tới chiến dịch lobby chính sách đã có thể công nhiên mở tiệc ăn mừng trên nỗi đau hiện hữu và tương lai của hàng chục triệu kẻ phải è cổ trả nợ thay. Con số 15 tỷ USD mà phần lớn trong đó vay mượn từ tiền viện trợ ODA quả là món quà của thượng đế ban tặng trước ngày cáo chung cho giai đoạn cuối!

Giai đoạn cuối ấy đang hiện hình mồn một với nợ công và nợ xấu phi mã vượt hẳn ngưỡng nguy hiểm. Song như một gã Lê Ngọa Triều không bỏ được bản chất dâm hoang đến giây phút cuối cuộc đời, ngân sách vẫn tiếp tục tăng trưởng trần bội chi, để chỉ tính riêng năm 2013 đã có tỉ lệ bội chi đến 6.6% - quá xa so với ngưỡng nguy hiểm 5% trên thế giới.

Nhưng với tình cảnh nín lặng Quốc Hội Việt Nam, quy luật lượng đổi - chất đổi lại cần được hình dung ngược lại: số lượng đại biểu càng tăng và bộ máy càng được trang bị tài chính cùng các điều kiện làm việc hùng hậu, bầu khí quyển nghị trường lại càng thoi thóp oxy.
Thậm chí trong nửa năm qua, “quyền được chết” - một phạm trù y tế và đạo đức xã hội - còn được người dân tranh luận sôi động hơn hẳn “quyền im lặng” chốn nghị trường.
 
“Quyền được chết”

Khó có thể hình dung ra tâm tư im ắng và thất bại đã làm tổn hại đến thế nào đối với danh dự của giới nghị sĩ đương đại Việt Nam, nếu còn dám nhắc đến từ “danh thể.”
Nếu chất vấn “tư lệnh ngành” là sở mục mà khôn ngoan ra thì đã có thể làm dịu lòng căm phẫn chồng chất của nhân dân, chỉ riêng phần trả lời Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đủ công tích để đẩy mọi chuyện lao về phía ngược lại, khi ông ta trơn tuột qua tất cả hố hốc tăng giá xăng, giá điện vượt mặt, cùng ít nhất 20 tỷ USD hàng nhập lậu từ Trung Quốc mà không biết ghi vào khoản nào trong ngân sách chi tiêu trung ương.
Mục thị bãi lầy còn bùn sệt hơn cả những kỳ họp trước đây về chất lượng tranh biện đối với sa sút kinh tế, thật khó người dân nào có thể tin rằng cả cái hội trường 500 ông bà đang tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi ngày họp kia lại dám cầm súng ra mặt trận, hoặc ít nhất cũng thoát khỏi bệnh tính câm lặng nếu Trung Quốc xua các quân đoàn hò hét chiếm Việt Nam.
Một kỳ họp, lại một kỳ họp hầu như thất bại của những đại diện dân cử mà luôn có thể làm người đời liên tưởng đến truyền thuyết ngụ ngôn “sinh ra đã thất bại.” Hai thành tựu mất mát về lòng tin cử tri và tư cách đại diện cho dân đang cùng cộng hưởng thành nỗi mất mát kép cho cả chế độ hiện tồn.
Mất mát lại kéo theo nợ nần. Vài phát ngôn hiếm muộn đại loại “chúng ta còn mắc nợ người dân” luôn xoe xóe nguy cơ đầu môi chót lưỡi, nếu so với thực tế còn hàng mớ quyền căn bản của dân chúng vẫn chưa được luật hóa sau gần một phần tư thế kỷ kể từ hiến pháp 1992: biểu tình, lập hội, trưng cầu dân ý...
Ngay cả Luật Đất Đai sửa đổi, dù đã được Quốc Hội tân trang vào đầu năm 2014, vẫn mang nguyên vẹn trên mình nó món nợ lịch sử khi chưa chịu và chưa hề thừa nhận quyền sở hữu đất đai riêng tư của người dân, mà do vậy vẫn phục vụ vô số cơ hội cho những kẻ chỉ biết cưỡng đoạt đất của lớp nông dân bị bần cùng hóa`.
 
Điều an ủi duy nhất dành cho sự lao dốc về tư cách chính khách của Đại Biểu Quốc Hội trong kỳ họp giữa năm 2015 chỉ còn là sự nhất trí chẳng đặng đừng về việc điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp một lần. Thế nhưng chẳng có gì đáng được xem là “vì dân” đối với hành động này: làn sóng có nguy cơ biến thành phong trào biểu tình rộng khắp của hàng triệu công nhân ít khi được nếm thịt đã khiến rúng động cả Bộ Chính Trị Việt Nam, để giới Quốc Hội không gật đầu chỉnh luật mới là lạ.

Với một Quốc Hội lấy nín lặng thủ thân thủ ghế làm gốc như vậy, làm sao có thể dự cảm khác hơn là định mệnh đã an bài? Một quốc hội vô cảm, bạc nhược và nhung nhúc lợi ích nhóm như thế mà không bị quả báo “quyền được chết” trong tương lai không xa thì mới thật chuyện đáng kinh ngạc trong lịch sử hưng vong nước nhà.

Phạm Chí Dũng

 http://www.ijavn.org/2015/06/quoc-hoi-nin-lang.html