Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Không được cao hơn và học tập, làm theo: Tư duy của bầy cừu?

Không được cao hơn và học tập, làm theo: Tư duy của bầy cừu?

pobrane (1)
Những ngày gần đây, tờ báo của Nguyễn Như Phong – một viên công an làm báo – mở đầu cuộc tấn công vào một công trình đã xây dựng gần xong, to khổng lồ, cao vòi vọi ở số 8B Lê Trực, Hà Nội. Đây là khu nhà của Công ty CP may Lê Trực, một công ty thuộc Bộ Công thương.
Bài báo nêu lên lý do rằng thì là “Tòa nhà này dòm xuống lăng bác”. Thậm chí Nguyễn Như Phong còn đặt câu hỏi rằng những người thiết kế, xây dựng “còn có mắt?” vì ” Đây rõ ràng là một công trình cực kỳ vô lễ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Và theo lời ông Vũ Mão – một nhân vật nổi tiếng từ 13 năm trước qua đám tang của Tướng Trần Độ – đã tuyên bố rằng: “Ở khu trung tâm có một nguyên tắc mà bất cứ người dân thủ đô nào, dù làm nghề gì và ở đâu thì cũng hiểu là không một công trình nào ở quanh khu vực này được phép cao hơn Lăng Bác… Ngay cả một công trình quốc gia quan trọng như Tòa nhà Quốc hội mới, kiến trúc chưa đạt tới độ xuất sắc cũng một phần vì phải tuân thủ nguyên tắc tối cao trên.”
Được dịp, báo chí nhà nước hùa nhau vào mổ xẻ tới tấp như một trận đánh lớn làm động từ cơ quan thấp nhất là cấp phường, quận cho tới Thành phố, rồi đến cả Thủ Tướng chính phủ.
Những đàn lạc đà chui qua lỗ kim
Theo dõi hệ thống báo chí những ngày qua, cứ như tòa nhà này mới mọc lên đêm qua và chắc chắn là không đánh kịp thì nó quẳng bom xuống “lăng bác” ngay lập tức vậy. Báo chí lôi ra rằng là công trình này xây dựng sai phép đến có hơn 6.000 mét vuông, và chiều cao thì hơn giấy phép chỉ có… 19 mét, tương đương một tòa nhà 6 tầng.
Nếu bạn đã từng ở Hà Nội, hàng ngày bạn sẽ thấy lực lượng công an, dân phòng, thanh tra xây dựng và đủ loại lực lượng khác ăn lương của dân lượn như đèn cù. Một người nông dân mang mấy quả ổi, quả dưa đến Hà Nội bán, lập tức lực lượng này xông đến cướp mang lên ô tô chẳng cần giấy tờ, lệnh hoặc bất cứ văn bản nào, mặc cho mấy bà già mếu máo và xin xỏ, chẳng ai động lòng khi đã dám làm xấu mặt thủ đô.
Một nhà dân nếu chỉ cần dỡ nhà làm lại hoặc cơi nới, lập tức lực lượng thannh tra xây dựng mũi thính như ruồi đã bu đến. Nếu chủ nhà không có thế lực hoặc biết điều, thì hậu quả là thảm khốc nếu lại sai phép hoặc không phép.
Còn nhớ, năm 2008, một số giáo dân Thái Hà chỉ dỡ mấy viên gạch xây trái phép để vào khu đất của nhà thờ Thái Hà đã bị nhà nước chiếm cướp bất chấp luật pháp và đạo đức. Họ đã bị truy tố ra Tòa với hai phiên tòa có hàng ngàn công an và đủ loại phương tiện, thiết bị, chó và cảnh sát canh giữ để “công khai xử kín” tại Hà Nội.
Trong khi một bình trà miễn phí cho người nghèo đặt ở vỉa hè Hà Nội đã lập tức bị tịch thu không thương tiếc để đảm bảo “tính nghiêm minh của pháp luật và cảnh quan đô thị”. Thì nếu bạn không phải là người dân Hà Nội, bạn sẽ rất ngạc nhiên là tại sao một công trình to lớn khổng lồ như vậy, quá trình xây dựng như vậy mà tận cho đến hôm nay, khi báo chí phanh phui ra thì người ta mới biết được nó sai phép đến tận mức đó mà không hề hấn gì.
Mà ở Hà Nội đâu phải chỉ có một công trình này sai phép. Ở thủ đô văn minh của xứ thiên đường này, những công trình sai phép và không phép vẫn cứ như đàn lạc đà nườm nượp chui qua lỗ kim mà đi đến Thiên đường XHCN. Có thể kể ra một số công trình điển hình như sau:
- Năm 2007, tòa nhà số 4 Đặng Dung (Ba Đình, Hà Nội) cao 23 tầng, trong đó xây vượt phép 13 m (tương đương 4 tầng).
- Tòa nhà 13 tầng tại số 16 phố Trích Sài, phường Bưởi (Tây Hồ) được cấp phép xây dựng 11 tầng, chủ đầu tư xây 15 tầng.
- Tòa nhà 221-223 Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng xây dựng 12 tầng, vượt giấy phép 5 tầng.
- Tòa nhà số 34 Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được cấp phép 9 tầng nhưng chủ đầu tư xây vượt phép 2 tầng.
- Ngôi nhà số 67 Mai Hắc Đế được cấp phép xây 9 tầng nhưng chủ nhà đã tự ý xây 10 tầng.
- Tòa nhà 135-137 Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được cấp phép xây dựng 9 tầng nhưng chủ nhà đã tự ý xây lên 11 tầng.
- Tòa nhà 93 Lò Đúc cũng xây dựng sai phép nhiều tầng, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài và bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu tháo dỡ tầng 30.
- “Lâu đài hiện đại bậc nhất huyện Phú Xuyên xây không phép trên đất lấn chiếm”: Chính quyền xã hợp thức hóa cho sai phạm.
Chỉ qua những ví dụ trên, người ta thấy câu nói của cha ông xưa nay rất ứng nghiệm: “Mèo tha miếng thịt thì đòi. Hổ tha con lợn, mắt coi trừng trừng”.
Điều gì có thể lý giải được cái nghịch lý này? Xin thưa, rất đơn giản khi “nén bạc đâm toạc tờ giấy” ở đất nước này. Khi quyền lực và lợi ích phe nhóm đã thâu tóm xã hội, thì thậm chí không chỉ tờ giấy mà cả những nghị quyết hay Hiến pháp. Cuối cùng, thì chỉ tầng lớp dân nghèo, những ông chủ của xã hội là chịu nhiều đau đớn nhất bởi đám “đầy tớ tận tụy và trung thành” của mình mà thôi.
Khi xã hội bị giới hạn bởi cái trần: Không được cao hơn!
Trở lại câu chuyện Tòa nhà số 8B Lê Trực.
Như trên đã nói, lý do đầu tiên mà tờ báo của Nguyễn Như Phong đưa ra, là: “Tòa nhà dòm xuống lăng bác” và ông Vũ Mão thì khẳng định: ” không một công trình nào ở quanh khu vực này được phép cao hơn Lăng Bác…” và đó là “nguyên tắc tối cao”?
Chưa rõ cái gọi là “nguyên tắc tối cao” này được ban hành bởi ai, ai quy định và quy định ở đâu. Điều này cần bàn đến cách cụ thể. Bởi không ai có quyền tự ý mình áp đặt những “nguyên tắc” mà không được sự đồng thuận của xã hội, của cộng đồng.
Công trình Lăng Hồ Chí Minh là công trình đã bắt đầu được xây dựng từ 45 năm trước. Hẳn nhiên, việc xây dựng lăng này và để nó tồn tại đến nay, đúng hay sai, tác dụng hay công dụng của nó ra sao đã tạo ra nhiều vấn đề tranh luận trong cộng đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy là đi ngược lại ý muốn người đã khuất, bởi ông Hồ Chí Minh yêu cầu thiêu xác sau khi chết chứ không để ông nằm như vậy mấy chục năm nay. Đảng thì bảo “thể theo nguyện vọng của đồng bào, đồng chí cả nước”. Nhưng, đồng bào không ai được hỏi một câu, đồng chí không ai dám hé răng. Cuối cùng, thì ra chỉ là ý của mấy ông trong đảng mà buộc dân mấy chục năm nay cung phụng tốn kém hàng bao ngàn tỷ đồng cho cái lăng mà người chết không muốn này và hậu quả thì còn kéo dài cho đến bao giờ chưa được biết. Điển hình là khi xây dựng một công trình cao hơn, đã được đám bồi bút cho rằng “Đây rõ ràng là một công trình cực kỳ vô lễ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh” – Nguyễn Như Phong.
Thế nhưng, ở đây không bàn đến vấn đề xây dựng cái lăng nên hay không, tốt hay xấu mà chỉ nói về mặt công trình xây dựng này.
Trong thực tế, dù là công trình gì đi nữa, thì nó cũng mang tính thời gian và hoàn cảnh ra đời của nó, nó chỉ có tầm vóc và giá trị trong một thời gian nhất định mà không có gì là vĩnh cửu. Công trình xây dựng tùy theo từng thời kỳ, sẽ phục thuộc vào trình độ kỹ thuật, mỹ thuật, cũng như những yếu tố tinh thần khác ở thời điểm xây dựng mà tạo nên.
Và các yếu tố đó luôn luôn vận động và thay đổi.
Chẳng có một tượng đài, lăng tẩm hoặc bất cứ công trình nào có thể là tuyệt đối và hoàn toàn vĩnh cửu, Ngay cả lăng Hồ Chí Minh cũng không thoát khỏi quy luật đó. Đơn giản nhất, chỉ nhìn hàng chữ trước mặt lăng: “CHỦ TịCH HỒ CHÍ MINH”. Hàng chữ này đã sai về ngữ pháp. Bởi chưa bao giờ trong Tiếng Việt, trong một hàng chữ IN HOA, hai chữ I thì có một chữ lại có thêm dấu chấm trên đầu. Chưa cần nói đến kiến trúc, hình dáng hoặc kết cấu, chỉ cần vậy thôi để chứng minh điều đơn giản rằng đây không phải là một công trình tuyệt đối, không có sai lầm hoặc là vĩnh cửu.
Vậy thì lý do gì mà các công trình khác không được cao hơn? Và “nguyên tắc tối cao” là nguyên tắc nào vậy? Ngay khi còn sống, chẳng phải là Hồ Chí Minh đã tuyên bố “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” đó sao? Muốn xây dựng hơn mười, hơn trăm lần mà cứ nhất định phải thấp hơn cái lăng, cái mả, thì thử hỏi xây dựng được cái gì, xây dựng như thế nào và đất nước phát triển ra sao?
Phải chăng, phải để cái lăng cao hơn mới hoành tráng, mới trịnh trọng? Xin thưa, từ bao đời nay, chưa ai có quan niệm rằng cái lăng, cái mả phải thật cao, cao nhất mới là trịnh trọng, là tôn kính. Bởi sự tôn kính bắt đầu từ lòng người. Biết bao anh hùng dân tộc và những đại danh nhân thế giới, đâu cầu mồ cao, mả lớn mà tên tuổi họ vẫn còn mãi với loài người đó thôi. Chỉ riêng việc không thực hiện ý nguyện người đã chết trối lại, thì đó là một sự rất không kính trọng rồi.
Ngay trên đất nước này, không rõ 100 năm nữa có còn ai nhắc đến Hồ Chí Minh hay không, nhưng Đại thi hào Nguyễn Du dù nơi yên nghỉ của ông cũng đã từng được mô tả:
…Một vùng cồn bãi trống tuênh.
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề.
Ngút tầm chẳng cánh hoa lê.
Bạch đàn đôi ngọn, gió về nỉ non…
(Viếng mộ cụ Nguyễn Du – Vương Trọng)
Thế mà hai trăm năm mươi năm nay, con người ấy vẫn còn sống mãi trong mỗi người dân Việt, trong mỗi trang sách học trò, trên môi miệng những người già trẻ.
Một lý do nữa mà một số quan chức trưng ra rằng: Để bảo đảm an ninh quốc phòng? Xin thưa, nếu có kẻ nào định đánh bom, định phá hoại, thì chắc chẳng bao giờ họ nghĩ rằng leo lên tòa nhà đó để bắn xuống. Bởi với công nghệ và vũ khí ngày nay, một khoảng cách ngắn hơn hay dài hơn một đoạn đâu phải là vấn đề. Và ở đây, Bộ Quốc phòng đã chính thức các nhận: Độ cao đảm bảo an toàn bay. Thế thì còn lý do gì nữa?
Thực ra, chuyện ông Vũ Mão tự đặt ra cái “nguyên tắc tối cao” chẳng qua cũng chỉ là từ não trạng sùng bái cá nhân để rồi tự áp đặt một cách mù quáng, thần thánh hóa một biểu tượng mà thôi. Điều này thì đảng và đảng viên đã vi phạm một nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác – Lenin vô thần rằng: Con người chết là hết, chẳng có hồn ma thần thánh nào cả.
Còn nhớ, trước đây, ở Nghệ Tĩnh, khi một ngôi nhà thờ đang thi công bị công an đình chỉ không cho đổ bê tông, phải dừng lại vì “tháp nhà thờ mà lại có độ cao hơn cả nhà Tỉnh ủy là không được”. Cơ quan công an gặp cơ quan thiết kế, gặp tác giả kiến trúc của công trình, yêu cầu sửa lại kiến trúc, bởi về nguyên tắc” là không nhà nào được cao hơn nhà Tỉnh ủy. Vị tác giả này thủng thẳng bảo rằng: Nguyên tắc đó ở đâu? Các ông về mà thiết kế cho họ, đây là công trình văn hóa chứ không phải nhà giam hay nhà kho của các ông mà muốn sửa thì sửa. Thế là công an đành bó tay.
Từ chuyện độ cao, đến chuyện học tập và làm theo: Tư duy của bầy cừu
Từ chuyện cái lăng với độ cao, giống như cái mức giới hạn mà người ta tự đặt ra để ngăn cấm những công trình xây dựng, phát triển bằng xung quanh với cái gọi là “nguyên tắc tối cao”, nghĩa là độ cao đó như một cái “trần” mà không được vượt.
Điều này làm chúng ta lại nhớ đến một phong trào đã hao tiền, tốn của bao năm nay mà đảng CS luôn bám vào đó để tiêu tiền dân: Phong trào “Học tập và làm theo đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Ở đây, chúng ta cũng không bàn đến chuyện Hồ Chí Minh có đạo đức như thế nào, tư tưởng ra sao. Chúng ta chỉ bàn đến việc cả nước “Học tập và làm theo” thì hậu quả của nó là gì?
Theo ngay Chủ nghĩa Mác- Lenin, thì sự vật và xã hội luôn vận động và phát triển theo vòng xoáy trôn ốc, nhưng ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Khi xã hội phát triển, thì tất cả đều phải phát triển theo quy luật của nó. Cái sau sẽ phải phủ nhận cái trước để mà tiến bộ hơn, phát triển hơn. Nghĩa là xã hội muốn tồn tại, phải luôn luôn hướng về phía trước mà phát triển với mức độ cao hơn. Và khi đó, thì mọi thứ không chỉ vật chất, mà tinh thần, đời sống, tư tưởng… đều phải thay đổi theo cho phù hợp thế giới bên ngoài.
Chúng ta đều phải thừa nhận với nhau rằng: Hồ Chí Minh không phải là Thần, cũng chẳng phải là Thánh để không hề có sai lầm hoặc siêu việt đến mức cái gọi là đạo đức, tư tưởng của ông trác việt, tuyệt vời xuyên cả không gian lẫn thời gian mà tồn tại.
Bởi có những việc thời ông sống, ông làm thì ngày nay đã không phù hợp, không được chấp nhận. Chỉ đơn giản như việc ông ngậm phì phèo điếu thuốc lá khi quàng khăn đỏ cho học sinh hay khi bón cơm cho trẻ… đến giờ đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại, ngày nay nếu ai làm thế sẽ bị cho là thiếu ý thức và bị lên án.
Kể cả khi cái đạo đức, tư tưởng của ông (nếu có) nó có là tuyệt vời, tốt đẹp đi nữa thì đó cũng không phải là mục tiêu cuối cùng mà dân tộc, đất nước này, xã hội này chỉ nhắm đến đó được là xong.
Nhưng, qua các phong trào “Học tập và làm theo” vừa qua, đảng cộng sản đã cố tình lấy đó làm một mức trần mà cả đất nước này chỉ có nhìn theo đó mà học tập, mà làm theo là đủ?
Vậy thì khi cả dân tộc đều đã được đóng một cái “Trần” phía trên rồi cứ nhìn vào đó mà “học tập, làm theo” thì lấy đâu ra sự sáng tạo, sự thay đổi?
Cha ông ta có câu dặn rằng: “Con hơn cha thì nhà mới có phúc” vậy mà cả đất nước, cả dân tộc cứ lấy một cái đạo đức, tư tưởng (nếu có) của một người sống cách chúng ta cả thế kỷ để làm cái “trần”, cái giới hạn cho mọi sự phát triển của trí tuệ đất nước, của mọi thế hệ đời sau. Thử hỏi đất nước này, dân tộc này sẽ phát triển đến đâu?
Phải chăng cũng vì vậy mà gần đây, người ta đã buộc phải kết luận rằng “Việt Nam là một đất nước kỳ lạ, không chịu phát triển” cũng có nguồn gốc bởi cái “Trần” này?
Với cả một hệ thống lãnh đạo đất nước, mà chỉ hoạt động dưới cái trần đã định sẵn, thì thử hỏi tư duy nào, sáng tạo nào để đưa đất nước vượt thoát khỏi cảnh nghèo đói, túng thiếu và lạc hậu như thời ông Hồ Chí Minh còn sống?
Con người, hơn con vật ở chỗ biết tư duy và sáng tạo. Vì thế nên xã hội loài người mới có thể phát triển đến đỉnh cao của sự văn minh và làm chủ thiên nhiên, xã hội.
Với cả một dân tộc mà tự đánh mất tính sáng tạo và phát triển, chỉ chăm chăm nhìn vào cái “Trần” giới hạn để phấn đấu đến đó rồi thôi, thì tư duy đó chỉ là tư duy của một bầy cừu đã được định sẵn cho đường đi, lối về và cái máng cỏ theo ngọn roi của ông chủ mà thôi.
Hà Nội, ngày 3/10/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh (Blog RFA)
 http://www.danchimviet.info/archives/98492/khong-duoc-cao-hon-va-hoc-tap-lam-theo-tu-duy-cua-bay-cuu/2015/10